Nước bọt (niêm mạc miệng) là loại mẫu ADN thường được dùng trong xét nghiệm ADN. Mẫu nước bọt cũng là một trong những loại mẫu ADN có thể dễ dàng thu, bảo quản tại nhà và gửi đến đơn vị làm xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, khi lấy nước bọt để xét nghiệm ADN tại nhà, trong quá trình thu và bảo quản mẫu nước bọt (niêm mạc miệng), có không ít trường hợp thực hiện sai thao tác dẫn tới mẫu nước bọt bị hỏng, mốc, không xét nghiệm ADN được.
Vậy cụ thể phải thu mẫu nước bọt (niêm mạc miệng) thế nào và bảo quản ra sao để có thể đảm bảo chất lượng và xét nghiệm được ngay, không cần thu lại?
Nội dung:
1. Lấy nước bọt để xét nghiệm ADN tại nhà như thế nào?
Việc lấy nước bọt để xét nghiệm ADN rất đơn giản, bạn chỉ cần sử dụng tăm bông để thực hiện. Thao tác cụ thể được thực hiện như sau:
Bước 1: Lấy ra 2 – 3 tăm bông ngoáy tai sạch, sau đó cắt bỏ một đầu tăm bông, chỉ giữ lại 1 đầu bông.
Bước 2: Cầm vào đầu đã cắt bông, cho đầu bông còn lại vào thành má phía trong khoang miệng, xoay nhẹ và áp sát thành má hoặc quệt dọc khoảng 15 – 20 lần. Lặp lại thao tác này với các đầu tăm bông còn lại.
Bước 3: Để tăm bông khô tự nhiên, sau đó gói vào giấy sạch và gửi tới đơn vị làm xét nghiệm ADN.
Chú ý: Tuyệt đối không chạm tay vào đầu tăm bông thu mẫu nước bọt (niêm mạc miệng), bởi trên tay người có nhiều vi khuẩn, bụi bẩn, mồ hôi, tế bào da chết,… cùng rất nhiều tạp chất khác.
Khi dùng tay không chạm vào đầu tăm bông có chứa tế bào niêm mạc miệng có thể khiến mẫu nước bọt dính nhiều tạp chất, hoặc trộn lẫn với tế bào da người khác gây nên tình trạng lẫn mẫu – nhiễm mẫu xét nghiệm ADN. Lúc này, mẫu nước bọt (niêm mạc miệng) đã thu có thể sẽ không xét nghiệm được, hoặc xét nghiệm ADN không lên kết quả.
Trong trường hợp này, bạn sẽ cần phải thu lại mẫu xét nghiệm ADN mới, gây lãng phí thời gian, tốn kém chi phí, chậm trễ việc xét nghiệm cũng như những công việc riêng liên quan đến kết quả xét nghiệm.
2. Nước bọt lấy xong thì bảo quản thế nào để xét nghiệm ADN?
Việc bảo quản mẫu nước bọt (niêm mạc miệng) để xét nghiệm ADN không hề khó, tuy nhiên khi trung tâm xét nghiệm ADN nhận được mẫu nước bọt, vẫn có một tỷ lệ đáng kể trong số mẫu nhận được không thực hiện xét nghiệm được.
Dưới đây là hướng dẫn cách bảo quản mẫu nước bọt (niêm mạc miệng) để xét nghiệm ADN
1) Để mẫu nước bọt (niêm mạc miệng) khô tự nhiên trước khi gói lại
Mẫu niêm mạc miệng mới lấy xong sẽ có độ ẩm nhất định, bạn cần để mẫu khô tự nhiên trong điều kiện thường rồi mới gói mẫu lại.
Bạn chỉ cần đặt que tăm bông trong phòng từ 10-15 phút là phần nước bọt trong mẫu đã thấm hết vào bông. Lúc này đầu bông đã được coi là khô tự nhiên và có thể gói lại.
Chú ý: Không nên gói ngay mẫu ướt vào gói giấy hoặc phong bì bởi có thể khiến một phần mẫu nước bọt bị thấm ra ngoài giấy/phong bì. Do đó có thể làm cho mẫu không đủ lượng ADN để xét nghiệm, hoặc làm cho phần mẫu đã thu bị dính giấy, lẫn lộn
2) Gói mẫu nước bọt (niêm mạc miệng) vào giấy ăn, giấy viết hoặc phong bì giấy sạch.
Nên dùng giấy ăn, giấy viết, phong bì giấy (loại thường dùng để gửi thư) gói lại, dán băng dính chặt quanh gói mẫu và gửi đến trung tâm xét nghiệm ADN.
Tuyệt đối KHÔNG dùng túi nilon/túi zip để đựng mẫu nước bọt đã thu. Bởi vì mẫu nước bọt (niêm mạc miệng) là loại mẫu có độ ẩm cao, ngay cả khi đã làm khô tự nhiên thì vẫn có độ ẩm nhất định. Bởi vậy khách hàng tuyệt đối không gói mẫu vào túi nilon hoặc túi zip để tránh trường hợp mẫu bị hấp hơi dẫn tới mốc.
Chi tiết: Cách gói mẫu xét nghiệm ADN để gửi và một số câu hỏi thường gặp
3. Tại sao nước bọt có thể xét nghiệm ADN?
Trong nước bọt được lấy từ phần khoang miệng sẽ chứa rất nhiều tế bào niêm mạc miệng, và trong những tế bào này có chứa ADN, có thể dễ dàng tách ra để phân tích ADN.
Cụ thể, tế bào niêm mạc miệng (hay còn gọi là tế bào niêm mạc má hoặc màng nhầy) có đặc điểm là rất dễ bong ra chỉ với một lực tác động nhẹ nhàng và hoàn toàn không gây đau đớn cho con người. Khi ăn uống, nhai kẹo cao su, hút thuốc lá,… các tế bào niêm mạc miệng sẽ bong ra, trộn lẫn trong nước bọt, trong thức ăn, đồ uống, bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá,…
Do đó, nước bọt (niêm mạc miệng) được sử dụng rộng rãi trong việc xét nghiệm ADN dưới 2 trường hợp: xét nghiệm ADN trực tiếp từ mẫu nước bọt và xét nghiệm ADN qua mẫu ADN đặc biệt có chứa nước bọt (bàn chải đánh răng, bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá,…)
a. Trong trường hợp lấy mẫu nước bọt (niêm mạc miệng) trực tiếp
Phần nước bọt lấy ra sẽ có chứa các tế bào niêm mạc miệng, qua các kỹ thuật tách chiết sẽ thu được ADN từ những tế bào này để thực hiện xét nghiệm ADN.
Mẫu tế bào niêm mạc miệng có thể được lấy dễ dàng, nhanh chóng, hoàn toàn không gây tổn thương hay đau đớn kể cả với trẻ sơ sinh. Do đó bên cạnh mẫu cuống rốn thì niêm mạc miệng là loại mẫu được ưu tiên dùng khi xét nghiệm ADN cho trẻ sơ sinh.
Việc thực hiện tách chiết và xét nghiệm ADN từ tế bào niêm mạc miệng rất đơn giản và cho kết quả nhanh chóng. Xét nghiệm ADN từ nước bọt (niêm mạc miệng) có thể trả kết quả chỉ từ 4 giờ làm việc (tính từ thời điểm phòng thí nghiệm nhận được mẫu ADN).
b. Trong trường hợp sử dụng mẫu ADN đặc biệt: bàn chải đánh răng, bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá,…
Bên cạnh việc lấy mẫu nước bọt (niêm mạc miệng) trực tiếp, người làm xét nghiệm ADN có thể sử dụng các loại mẫu ADN đặc biệt cũng có chứa niêm mạc miệng bao gồm: bàn chải đánh răng, bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá, trong những trường hợp không thể lấy được mẫu ADN thông thường.
Bàn chải đánh răng, bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá là 3 loại mẫu ADN đặc biệt có chứa tế bào niêm mạc miệng của người sử dụng. Trong quá trình đánh răng, nhai kẹo cao su hay hút thuốc lá, một phần nước bọt chứa tế bào niêm mạc miệng sẽ đọng lại trên bàn chải, trong bã kẹo cao su và đầu lọc thuốc lá.
Bằng những kỹ thuật tách chiết ADN hiện đại, các chuyên viên xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hoàn toàn có thể tách lấy phần tế bào niêm mạc miệng bám lại trên kẽ bàn chải, lẫn trong bã kẹo cao su hay đầu lọc thuốc lá.
Nếu lượng tế bào niêm mạc miệng thu được đủ để xét nghiệm cũng như không bị nhiễm bẩn quá nặng thì hoàn toàn có thể xét nghiệm ADN được. Còn trong trường hợp không có đủ tế bào niêm mạc miệng, hoặc mẫu ADN thu được không thể làm sạch đủ để xét nghiệm, thì mẫu ADN thu được sẽ không thể lên được kết quả.
Tức là, riêng với các loại mẫu ADN đặc biệt sẽ có rủi ro không xét nghiệm được, và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng mẫu gửi đến phòng thí nghiệm. Chỉ khi các chuyên viên xét nghiệm thực hiện phân tích, kiểm tra mới có thể kết luận được, còn lại không thể dự đoán bằng mắt thường.
Tham khảo chi tiết trong bài viết: Bàn chải đánh răng, đầu lọc thuốc lá, quần lót,… có xét nghiệm ADN được không?
Trên đây là một số lưu ý khi lấy nước bọt để xét nghiệm ADN tại nhà. Thao tác lấy nước bọt để gửi đi làm xét nghiệm ADN rất đơn giản, dễ dàng, tiết kiệm chi phí, bạn chỉ cần thao tác và bảo quản đúng như hướng dẫn! Nếu có vướng mắc ở đâu, hãy để lại thông tin và câu hỏi dưới phần Bình luận để được giải đáp chi tiết nhất!