Tóc là loại mẫu ADN có thể dễ dàng thu tại nhà và gửi đi làm xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, trong số những mẫu tóc gửi về, có một lượng lớn tóc không thể xét nghiệm ADN được. Phần lớn trong số đó là do con người thao tác sai cách dẫn tới mẫu tóc không xét nghiệm ADN được. Dưới đây là tổng hợp một số chú ý khi lấy mẫu tóc để xét nghiệm ADN tại nhà để thực hiện xét nghiệm ADN bằng tóc.
1. Lấy tóc như thế nào thì mới xét nghiệm ADN được?
Tóc có thể thực hiện xét nghiệm ADN là tóc có gốc chân tóc. Ngoài tóc còn có lông và râu có đủ gốc chân lông cũng được dùng để xét nghiệm ADN.
Lý do là bởi: Trong tế bào nang tóc nằm ở dưới chân tóc có chứa ADN, phần ADN này có thể phân tách ra và thực hiện xét nghiệm ADN. Tức là, trong toàn bộ sợi tóc, chỉ có duy nhất phần tế bào nang tóc nằm ở gốc chân tóc mới được sử dụng để làm xét nghiệm ADN. Còn lại phần thân sợi tóc, phòng thí nghiệm sẽ không sử dụng để xét nghiệm ADN.
Nang tóc là phần vật chất nuôi dưỡng cho tóc phát triển. Trong tế bào nang tóc, phần nhân là phần chứa ADN của con người với nồng độ ADN lớn, lên tới 750 nanogram/sợi, trong trường hợp lấy được toàn bộ phần nang tóc nằm ở dưới sợi tóc. Do đó, mẫu tóc có gốc chân tóc được dùng phổ biến trong xét nghiệm ADN huyết thống.
Vậy tóc nhuộm có làm xét nghiệm ADN được không? Có cần gội đầu trước khi nhổ tóc xét nghiệm ADN?
Tham khảo Giải đáp các câu hỏi xung quanh mẫu tóc xét nghiệm ADN
Tại sao tóc cắt ngang không có gốc chân tóc, tóc rụng KHÔNG dùng để xét nghiệm ADN?
Khi tiếp nhận mẫu tóc tự thu tại nhà để xét nghiệm ADN, có không ít trường hợp khách hàng sử dụng các phần tóc cắt ngang hoặc tóc rụng và do đó không thể xét nghiệm ADN được, buộc phải thu lại mẫu tóc mới.
Lý do là bởi, tóc cắt ngang hoàn toàn không còn nang tóc nên không còn ADN nhân, vì vậy việc xét nghiệm ADN huyết thống thông thường sẽ rất khó tiến hành.
Còn với tóc rụng tự nhiên, lượng nang tế bào là rất ít, coi như không đáng kể và do đó, những mẫu tóc này đều gần như không thể lên được kết quả xét nghiệm ADN.
Về mặt lý thuyết, tóc cắt ngang không có gốc chân tóc vẫn có thể thực hiện xét nghiệm ADN được. Tuy nhiên việc xét nghiệm ADN từ tóc cắt ngang chỉ ứng dụng trong việc điều tra vụ án, tức là bắt buộc phải xét nghiệm ADN song không còn bất cứ một loại mẫu ADN nào khác.
Chi phí cho việc thực hiện xét nghiệm ADN từ tóc cắt ngang rất cao, cao gấp hàng chục lần so với việc xét nghiệm ADN từ mẫu tóc có gốc chân tóc bình thường, cùng với đó là rủi ro xét nghiệm ADN không lên được kết quả.
Bên cạnh đó, xét nghiệm ADN từ tóc cắt ngang cũng chỉ có thể áp dụng cho xét nghiệm ADN theo dòng mẹ (ty thể), tức là chỉ có thể kết luận được về mối quan hệ huyết thống bên dòng mẹ, KHÔNG kết luận được quan hệ cha con ruột.
Tham khảo chi tiết trong bài viết: Tóc cắt ngang có xét nghiệm ADN được không?
2. Hướng dẫn chi tiết cách lấy mẫu tóc để xét nghiệm ADN tại nhà
Với tóc để xét nghiệm ADN, người dùng KHÔNG dùng tay để nhổ mà cần sử dụng nhíp để có thể lấy được phần nang tóc nhiều nhất có thể, tránh tình trạng sợi tóc bị đứt ở phần gốc chân tóc, không lấy được nang tóc.
Dưới đây là các bước nhổ tóc xét nghiệm ADN chi tiết tại nhà:
- Bước 1: Cầm vào phần dưới của nhíp, sau đó đưa nhíp vào sát gốc chân tóc. Dùng 2 ngón tay ở bàn tay còn lại kéo nhẹ phần da đầu xung quanh sợi tóc để dễ nhổ tóc hơn.
- Bước 2: Tay cầm nhíp kẹp chặt vào gốc sợi tóc, thực hiện thao tác nhổ sợi tóc lên thật nhanh và dứt khoát, tránh làm đứt gốc chân tóc
- Bước 3: Thực hiện thao tác nhổ từ 5-7 sợi tóc có gốc chân tóc đối với mỗi người, sau đó gói lại vào giấy ăn/giấy viết hoặc phong bì, không gói vào túi nilon hoặc túi zip.
Chú ý: Không dùng tay không chạm trực tiếp vào phần nang tóc, đặc biệt không sờ, nắn, vuốt gốc chân tóc khiến nang tóc rời ra khỏi gốc chân tóc.
Việc dùng tay không chạm vào có thể làm nang tóc bị nhiễm bẩn, biến đổi thành phần hoặc lẫn lộn ADN từ vi khuẩn, mồ hôi, da chết, bụi bẩn,… từ bàn tay của người cầm. Đặc biệt khi sờ, nắn, vuốt gốc chân tóc làm nang tóc không còn bám chặt vào gốc chân tóc và có thể rời ra khỏi gốc chân tóc trong quá trình vận chuyển tới phòng thí nghiệm.
3. Nhổ tóc xong thì cần làm gì tiếp để xét nghiệm ADN?
1) Gói mẫu tóc xét nghiệm ADN
Sau khi nhổ tóc bằng nhíp và đảm bảo các sợi tóc gửi đi xét nghiệm ADN đều có phần gốc chân tóc, bạn cần gói lại mẫu tóc đã nhổ vào giấy ăn/giấy viết hoặc phong bì, không gói mẫu tóc vào túi nilon hoặc túi zip để tránh làm mẫu tóc đã thu bị hấp hơi dẫn tới mốc, hỏng.
Gói tóc vào đâu để không bị rơi? Khi đặt tóc vào gói giấy ăn/giấy viết hoặc phong bì, bạn cần dán mép gói giấy bằng băng dính để đảm bảo mẫu tóc đã thu không bị rơi ra ngoài, có thể dẫn tới thất lạc trong quá trình vận chuyển.
2) Ghi tên/ký hiệu từng người làm xét nghiệm ADN
Bên ngoài gói mẫu tóc xét nghiệm ADN ghi rõ tên hoặc ký hiệu tên của từng người, nên ghi ra 1 tờ giấy nhỏ và dán băng dính lên bề mặt của gói mẫu. Nên gói lại mẫu tóc đã thu ngay sau khi nhổ xong để tránh việc ghi tên/ký hiệu nhầm người, bởi có thể dẫn tới sai lệch kết quả xét nghiệm ADN trong trường hợp thực hiện xét nghiệm ADN với nhiều hơn 2 người.
3) Gửi mẫu tóc đến đơn vị xét nghiệm ADN
Sau đó, bạn tới bưu điện hoặc các đơn vị vận chuyển (Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Viettelpost, J&T Express,…), gửi qua xe khách, xe đò, xe limousine,… tới đơn vị xét nghiệm ADN theo địa chỉ và số điện thoại đã lưu. Khi đơn vị xét nghiệm ADN nhận được mẫu tóc sẽ thực hiện xác nhận để tiến hành xử lý và làm xét nghiệm ADN.