“Người đã khuất vẫn có thể xét nghiệm ADN được” – Có thật hay không? Trên thực tế người đã qua đời hoàn toàn có thể làm ADN được bằng phần xương cốt và răng còn lại, chưa phân hủy. Vậy răng và xương như thế nào mới xét nghiệm ADN được? Răng đã nhổ hay xương lúc bốc mộ (sang cát) thì có xét nghiệm ADN được không? Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp một số thắc mắc về xét nghiệm ADN hài cốt bằng xương và răng.
Nội dung:
Sơ lược về xét nghiệm ADN hài cốt bằng mẫu xương và răng
Xét nghiệm ADN hài cốt là việc thực hiện tách lấy phần ADN có trong xương và răng, cụ thể là phần tủy sống chứa ADN, sau đó so sánh với ADN của người thân còn sống, để kết luận về mối quan hệ huyết thống giữa người đã khuất và người thân đó, hoặc xác định danh tính người đã khuất.
Xét nghiệm ADN hài cốt bằng mẫu xương và răng thường được ứng dụng để xác định hài cốt liệt sĩ, điều tra vụ án, tìm kiếm nhân thân trong các vụ tai nạn/hỏa hoạn,…
Vậy tại sao răng và xương lại có thể xét nghiệm ADN được?
Trong xương người và chân răng của người có tủy xương, trong tế bào tủy xương có thành phần ADN ADN có trong xương và răng là ADN ty thể, tức là phần ADN nằm ở ty thể của tế bào.
Đặc biệt: ADN ty thể chỉ di truyền từ mẹ sang con, do đó, với xét nghiệm ADN hài cốt bằng xương và răng, chỉ có thể so sánh với người thân dòng mẹ, bao gồm: mẹ, bà ngoại, anh chị em cùng mẹ, dì ruột (em gái mẹ), bác (anh chị em ruột của mẹ) và cậu (em trai của mẹ).
Tức là việc xét nghiệm ADN hài cốt bằng xương và răng sẽ KHÔNG thể xác định được mối quan hệ cha con ruột và toàn bộ các mối quan hệ họ hàng bên nội (bao gồm: ông nội – cháu trai, bà nội – cháu gái, chú/bác trai – cháu trai, cô/bác gái – cháu gái, anh em trai cùng cha, chị em gái cùng cha).
Tuy nhiên, KHÔNG phải mẫu xương và răng nào cũng có thể xét nghiệm ADN được. Trên thực tế, có một tỷ lệ đáng kể số ca xét nghiệm ADN hài cốt không thực hiện được, bởi vì xương và răng không đủ tiêu chuẩn, không lên được kết quả.
1. Xương như thế nào mới đem đi xét nghiệm ADN được?
Mẫu xương dùng để xét nghiệm ADN hài cốt cần đáp ứng yêu cầu như sau:
- Các đoạn xương to: nên lấy phần xương đùi, xương ống chân (tay) dài ít nhất 5cm trở lên.
- Kết cấu đoạn xương: chắc chắn, cứng cáp, còn nguyên vẹn.
Với những đoạn xương to, phần tủy xương sẽ còn nhiều, cũng như được bảo quản chắc chắn hơn và do đó, có thể làm xét nghiệm ADN được.
Các phần xương nhỏ hơn, hoặc xương đã mục, không còn nguyên vẹn sẽ không được ưu tiên khi xét nghiệm ADN hài cốt. Bởi vì những mẩu xương này nhiều khả năng đã không còn chứa ADN trong phần ống xương, tức là ADN đã bị phân hủy hết.
Việc xác định mẫu xương có thể xét nghiệm ADN hay không sẽ cần trực tiếp tiến hành kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên bạn có thể dựa vào điều kiện chôn cất và thời gian chôn cất để ước tính xem mẫu xương có xét nghiệm ADN hài cốt được hay không.
Thời gian chôn ngắn
Thông thường mẫu xương được chôn cất dưới 10 năm được coi là có thời gian chôn ngắn và do đó có nhiều khả năng xét nghiệm ADN được.
Điều kiện chôn tốt
Tức là độ ẩm thấp, nhiệt độ không quá nóng, độ sâu của huyệt mộ không quá nông, ưu tiên chôn ở đất đồi (khô ráo) hơn là đất ruộng (ẩm thấp).
Dưới điều kiện chôn tối ưu, xương sẽ có tốc độ phân hủy chậm và do đó, bảo toàn được lượng ADN có trong ống xương. Nếu như được chôn trong điều kiện tốt thì mẫu xương có thể giữ được thành phần ADN trong hàng chục năm.
Tuy nhiên nếu điều kiện chôn cất sơ sài, nhiệt độ và môi trường làm xương mục nhanh thì kể cả với thời gian chôn ngắn, xương vẫn có thể không xét nghiệm ADN được.
2. Răng đã nhổ rồi thì có xét nghiệm ADN được không?
Trả lời: Răng đã nhổ, răng rụng, răng được lấy từ tử thi hoặc mẫu hài cốt đều có thể dùng để xét nghiệm ADN được, với điều kiện đó là răng còn phần chân răng, kết cấu răng còn chắc, không bị nát vụn khi chạm vào.
Với răng đã nhổ, sau khi nhổ cần giữ nguyên tình trạng răng, bảo quản trong gói giấy sạch hoặc phong bì, không đặt trong túi zip/túi nilon bởi sẽ làm mẫu răng bị hấp hơi, dẫn tới ẩm mốc và không xét nghiệm ADN được.
3. Xương lúc bốc mộ, sang cát mộ có xét nghiệm ADN được không?
Trả lời: Xương lúc bốc mộ, sang cát mộ (cải táng) có khả năng xét nghiệm ADN được, trong trường hợp mẫu xương đảm bảo chất lượng để xét nghiệm, tức là còn phần tủy xương chứa ADN bên trong ống xương.
Bốc mộ (cải táng, sang cát mộ) là việc đào huyệt mộ, nhặt xương của người đã khuất, vệ sinh sạch sẽ và cho vào sành hoặc quách, sau đó đem chôn ở một chỗ khác, thường là trong khu mộ của gia tộc. Thời gian thực hiện bốc mộ hay sang cát thông thường là 3 năm kể từ ngày mất.
Với khoảng thời gian 3 năm kể từ ngày mất và với điều kiện chôn cất thông thường hiện nay (chôn trong quan tài, độ sâu huyệt mộ khoảng 2m, nơi chôn cất sạch sẽ, khô ráo), thì có nhiều khả năng xương lúc bốc mộ, sang cát vẫn có thể làm xét nghiệm ADN được.
Khi lấy phần xương sang cát (bốc mộ) để xét nghiệm ADN, ưu tiên chọn các phần xương to như xương đùi, xương ống chân/tay, dài ít nhất 5cm trở lên, xương còn chắc chắn, cứng cáp và nguyên vẹn.
Tuy nhiên, do tốc độ phân hủy hài cốt có sự khác biệt, nên để kết luận chính xác rằng xương lúc bốc mộ, sang cát hoặc bất cứ mẫu xương cốt nào có xét nghiệm ADN được không, thì sẽ phải tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm mới có thể khẳng định được.
Do đó, trong trường hợp xét nghiệm ADN hài cốt, để tối ưu chi phí cho khách hàng Trung tâm xét nghiệm ADN sẽ phân tích mẫu hài cốt trước, sau khi phân tích xong mẫu hài cốt mới phân tích đến mẫu thân nhân. Trường hợp mẫu hài cốt không lên được dữ liệu Trung tâm vẫn thu đầy đủ chi phí xét nghiệm cho mẫu hài cốt và hoàn lại cho gia đình chi phí mẫu xét nghiệm thân nhân.