Mẫu tóc là một trong những loại mẫu được sử dụng phổ biến trong xét nghiệm ADN. Do đó, đã có không ít các câu hỏi xung quanh mẫu tóc xét nghiệm ADN được khách hàng đặt ra và muốn được giải đáp một cách cụ thể. Bài viết dưới đây của NOVAGEN sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin chi tiết nhất về những câu hỏi xung quanh mẫu tóc này.
Nội dung:
- 1 1. Câu hỏi xung quanh mẫu tóc: Lấy tóc xét nghiệm ADN như thế nào?
- 2 2. Tóc cắt ra có làm được xét nghiệm ADN không?
- 3 3. Tóc nhuộm có làm xét nghiệm ADN được không?
- 4 4. Có cần gội đầu trước khi nhổ tóc xét nghiệm ADN không?
- 5 5. Một sợi tóc có làm được xét nghiệm ADN không? Lấy bao nhiêu sợi tóc thì đủ?
1. Câu hỏi xung quanh mẫu tóc: Lấy tóc xét nghiệm ADN như thế nào?
Trong các loại mẫu xét nghiệm ADN thì mẫu tóc là loại mẫu mà khách hàng có thể dễ dàng thu thập tại nhà theo hướng dẫn và gửi đến trung tâm để tiến hành tách chiết, phân tích. Vậy lấy tóc xét nghiệm ADN như thế nào đúng? Tham khảo ngay hướng dẫn sau đây:
- Rửa sạch tay bằng xà phòng, đeo găng tay y tế (nếu có).
- Vệ sinh sạch sẽ và lau khô nhíp nhổ tóc trước khi thu mẫu.
- Dùng nhíp nhổ từ từ tối thiểu khoảng 5 – 7 sợi tóc có gốc chân tóc.
- Sau khi nhổ xong thì cần gói tóc vào giấy sạch hoặc bỏ vào phong bì giấy để được thông khí tự nhiên.
Lưu ý:
- Mẫu tóc của mỗi cá nhân cần được để trong một phong bì riêng và ghi rõ họ tên hoặc ký hiệu của người được lấy mẫu.
- Trong quá trình nhổ tóc thì tuyệt đối không để tay chạm trực tiếp vào bọng tóc ở bên dưới gốc chân tóc để tránh trường hợp bị nhiễm mẫu.
- Cần phải nhổ trực tiếp tóc có cả gốc chân tóc, tóc cắt không có gốc hay tóc tự rụng sẽ không được tính là mẫu đạt chuẩn chất lượng.
- Mẫu tóc nếu được thu thập và bảo quản đúng cách có thể lưu trữ trong khoảng thời gian từ vài tháng đến một năm.
2. Tóc cắt ra có làm được xét nghiệm ADN không?
Đã có không ít trường hợp khách hàng tự thu mẫu tại nhà, đem tóc cắt ngang đến trung tâm xét nghiệm ADN và yêu cầu thực hiện xét nghiệm bằng mẫu tóc này. Tuy nhiên, những xét nghiệm ADN thông thường lại KHÔNG sử dụng mẫu tóc cắt ra và khách hàng sẽ buộc phải thu lại mẫu tóc mới có gốc chân tóc bằng cách dùng nhíp nhổ như đúng hướng dẫn của đơn vị xét nghiệm.
Vậy lý do gì khiến tóc cắt ngang không thể dùng để làm xét nghiệm ADN thông thường? Để có thể đưa ra câu trả lời chi tiết nhất cho vấn đề này thì đầu tiên, chúng ta cần phải đi tìm hiểu cấu tạo của tóc.
Tóc có cấu tạo gồm 2 phần chính:
- Phần gốc chân tóc (nang tóc) nằm dưới phần da dầu, chứa các tế bào sống và kết nối với các mạch máu trong cơ thể để nuôi dưỡng sợi tóc phát triển. Gốc chân tóc có chứa các tế bào để nuôi dưỡng sợi tóc phát triển nên có thể tách được ADN nhân tế bào với hàm lượng 1 – 750 nanogram/gốc tóc.
- Phần sợi tóc mọc ra bên ngoài là phần sợi tóc đã phát triển và sẽ có xu hướng già đi. Sợi tóc già có thể tự rụng do các tác động như vuốt tóc, chải tóc,… Sợi tóc mọc ra bên ngoài đã trưởng thành, không còn sự liên hệ với các mạch máu nuôi dưỡng nên chỉ còn phần ADN ty thể bên trong với 1 – 10 nanogram/sợi tóc cắt ngang.
Nếu sử dụng tóc cắt ra làm xét nghiệm ADN thì để tách chiết được đủ lượng ADN cần phải có số lượng lớn tóc. Điều này không chỉ khiến quá trình thu mẫu trở nên khó khăn hơn mà khi tách chiết còn cần phải sử dụng một lượng lớn hóa chất, dẫn đến việc giá thành mỗi ca xét nghiệm tăng cao theo. Do đó, những ca xét nghiệm ADN thông thường sẽ chỉ sử dụng mẫu tóc có gốc chân tóc và KHÔNG sử dụng mẫu tóc cắt ra để làm xét nghiệm.
Tóc cắt ra sẽ chỉ được phép sử dụng để thực hiện xét nghiệm ADN trong các trường hợp như điều tra hình sự hay trong những trường hợp bắt buộc mà không còn loại mẫu nào khác. Mẫu tóc cắt ngang chỉ có thể sử dụng trong những trường hợp xét nghiệm ADN dòng mẹ (ty thể) và người làm xét nghiệm ADN bằng tóc cắt ngang phải chấp nhận mức chi phí xét nghiệm cao cùng rủi ro không ra được kết quả.
>>> Xem thêm: Mẫu xét nghiệm ADN không ra kết quả phải làm gì?
3. Tóc nhuộm có làm xét nghiệm ADN được không?
Xét nghiệm ADN bằng tóc thông thường là loại xét nghiệm dùng mẫu tóc có chân để phân tích ADN có trong các tế bào nang tóc. Chân tóc là nơi chứa thông tin di truyền cần thiết (ADN nhân với nồng độ 1 – 750 nanogram/gốc chân tóc) để thực hiện xét nghiệm ADN và chân tóc sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như thuốc nhuộm tóc hay thuốc tẩy tóc. Do đó, tóc đã nhuộm tẩy, bị hư tổn do xử lý hóa chất hoàn toàn CÓ THỂ sử dụng để xét nghiệm ADN nếu được nhổ cả gốc chân tóc.
4. Có cần gội đầu trước khi nhổ tóc xét nghiệm ADN không?
Có không ít người muốn làm xét nghiệm ADN bằng mẫu tóc đã đặt câu hỏi “Có cần gội đầu trước khi nhổ tóc xét nghiệm ADN không?” bởi lo sợ tóc bẩn sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm ADN.
Trước khi nhổ tóc để xét nghiệm ADN thì bạn KHÔNG CẦN phải gội đầu, làm sạch đầu trước vì mẫu tóc đạt chuẩn sẽ được chuyển vào phòng thí nghiệm để các chuyên viên làm sạch bằng các hóa chất chuyên dụng, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng ADN trong mẫu.
Tất cả những gì bạn cần làm là nhổ tóc theo đúng hướng dẫn và tiến hành gửi mẫu đến trung tâm xét nghiệm trong thời gian bảo quản cho phép.
5. Một sợi tóc có làm được xét nghiệm ADN không? Lấy bao nhiêu sợi tóc thì đủ?
Một sợi tóc hoàn toàn có thể làm xét nghiệm ADN được nhưng trong một số trường hợp chân tóc kém, không lên đủ dữ liệu để phân tích ADN thì phải tiến hành thu thập và gửi lại mẫu đến phòng thí nghiệm. Chính vì vậy, theo khuyến nghị của các đơn vị xét nghiệm ADN thì bạn nên lấy tối thiểu 5 – 7 sợi tóc có gốc chân tóc để đảm bảo quá trình tách chiết, phân diễn ra thuận lợi, cho kết quả có độ chính xác cao.
>>> Xem thêm: Mẫu xét nghiệm ADN bị hỏng thì phải làm gì?
Ngoài ra, cần lưu ý rằng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thì không nên thu thập mẫu tóc để làm xét nghiệm ADN vì chân tóc của trẻ lúc này rất mảnh, gốc chân tóc chưa phát triển và nếu cố gắng lấy nhiều tóc sẽ gây đau cho trẻ.