Trong xét nghiệm ADN, máu là loại mẫu ADN được sử dụng rất phổ biến. Dưới đây là một số thắc mắc xung quanh việc lấy mẫu máu xét nghiệm ADN cũng như những lưu ý khi xét nghiệm ADN bằng mẫu máu.
Nội dung:
- 1 1. Lấy mẫu máu xét nghiệm ADN có cần nhịn ăn trước không?
- 2 2. Khi lấy mẫu máu xét nghiệm ADN có sợ bị ngất không?
- 3 3. Sợ lấy máu thì có thể lấy cái khác để xét nghiệm ADN được không?
- 4 4. Khi xét nghiệm ADN lấy máu xong có cần kiêng gì không?
- 5 5. Viêm gan B có lấy mẫu máu xét nghiệm ADN được không?
1. Lấy mẫu máu xét nghiệm ADN có cần nhịn ăn trước không?
Khi lấy máu xét nghiệm ADN hoàn toàn KHÔNG cần nhịn ăn uống trước đó. Người thực hiện xét nghiệm ADN ăn uống bình thường, bởi thức ăn sẽ không thể làm thay đổi thành phần ADN có trong máu.
Sau khi ăn, thức ăn sẽ đi xuống dạ dày, đi vào ruột non, chất dinh dưỡng sẽ thấm qua thành ruột non để vào máu. Lúc này trong máu sẽ chứa những thành phần chất dinh dưỡng, cũng như tăng/giảm đường huyết cùng một số loại enzim phân giải.
Tuy nhiên tất cả những thành phần này đều không làm ảnh hưởng tới ADN ở trong tế bào máu.Chất dinh dưỡng, enzim,… đều sẽ chỉ nằm ở bên ngoài tế bào máu và sẽ được lọc bỏ hoàn toàn khi thực hiện xét nghiệm ADN.
Phần ADN dùng để xét nghiệm ADN nằm ở bên trong tế bào máu, cụ thể là nằm ở nhân tế bào. Do đó, việc ăn uống hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến xét nghiệm ADN.
Do đó, khi lấy máu xét nghiệm ADN KHÔNG cần nhịn ăn hay uống, người làm xét nghiệm ADN ăn uống bình thường.
Tham khảo chi tiết trong bài viết: Xét nghiệm ADN có cần nhịn ăn không?
2. Khi lấy mẫu máu xét nghiệm ADN có sợ bị ngất không?
Nhiều người lo sợ rằng khi lấy máu xét nghiệm ADN có thể bị ngất. Tuy nhiên bạn không cần phải quá lo lắng, bởi vì lượng máu lấy khi xét nghiệm ADN là rất ít, chỉ từ 5-7ml (tương đương 1 ống xi lanh thông thường). Lượng máu này hoàn toàn không thể khiến cơ thể bị hạ huyết áp đột ngột dẫn tới choáng váng và ngất, kể cả với những người thiếu máu hoặc bị chứng huyết áp thấp.
Để so sánh, khi thực hiện hiến máu tình nguyện, lượng máu hiến từ ít nhất 250ml cho tới 350ml. Đây là một lượng máu tương đối lớn mà chỉ có những người trưởng thành (18 – 60 tuổi), có sức khỏe tốt (nặng ≥ 42 kg với nữ và ≥ 45kg với nam) và có chỉ số huyết sắc tố ≥ 120 g/l mới được hiến máu.
Việc lấy máu xét nghiệm ADN có thể được thực hiện ngay cả với trẻ sơ sinh, do đó bạn có thể yên tâm việc lấy máu xét nghiệm ADN là an toàn với mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, nếu người làm xét nghiệm ADN có chứng sợ máu, thì có thể cân nhắc việc thu các loại mẫu xét nghiệm ADN khác như niêm mạc miệng (nước bọt).
3. Sợ lấy máu thì có thể lấy cái khác để xét nghiệm ADN được không?
Vì nhiều lý do, nếu không muốn lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các loại mẫu ADN dưới đây để xét nghiệm:
- Mẫu niêm mạc miệng (nước bọt)
- Mẫu móng tay/chân
- Mẫu tóc có gốc chân tóc
- Mẫu cuống rốn (với trẻ sơ sinh)
Khi bạn đến trực tiếp trung tâm ADN để xét nghiệm, hoặc đặt lịch để chuyên viên xét nghiệm ADN tới nhà để lấy mẫu trực tiếp, thông thường sẽ được thu 1 trong 2 loại mẫu ADN là mẫu máu và mẫu niêm mạc miệng (nước bọt).
Đây là 2 loại mẫu ADN có lượng ADN cao, dễ thu, dễ xét nghiệm và có thể trả kết quả nhanh trong vòng 4 giờ làm việc (tính từ thời điểm phòng thí nghiệm nhận được mẫu ADN).
Do đó, nếu bạn sợ lấy máu hoặc trong trường hợp không muốn lấy máu để thử ADN thì có thể dùng mẫu niêm mạc miệng (nước bọt).
4. Khi xét nghiệm ADN lấy máu xong có cần kiêng gì không?
Sau khi lấy mẫu máu xét nghiệm ADN người làm xét nghiệm ADN không cần kiêng gì. Có thể ăn uống, sinh hoạt hoàn toàn bình thường ngay sau khi thực hiện xét nghiệm.
Lượng máu rút để làm xét nghiệm ADN chỉ từ 5-7ml (tương đương 1 ống xi lanh thông thường), hoàn toàn không gây ảnh hưởng tới sức khỏe như ngất xỉu hay choáng váng, kể cả với trẻ sơ sinh, những người huyết áp thấp hay thiếu máu.
Do đó, khi xét nghiệm ADN xong, hầu hết người làm xét nghiệm đều không cần phải theo dõi sức khỏe hay thực hiện chế độ ăn kiêng gì đặc biệt, có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường.
5. Viêm gan B có lấy mẫu máu xét nghiệm ADN được không?
Người mắc viêm gan B thực hiện lấy mẫu máu xét nghiệm ADN bình thường. Bởi virus viêm gan B (virus HBV) hoàn toàn không ảnh hưởng tới thành phần ADN có trong nhân tế bào máu.
Virus viêm gan B có trong máu của người bệnh và lây truyền từ mẹ sang con, khi tiếp xúc trực tiếp với máu, tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm viêm gan B, tiếp xúc với các thiết bị, dụng cụ y tế bị nhiễm khuẩn hoặc không vô trùng.
Khi phân tích mẫu máu để xét nghiệm ADN, các thành phần virus HBV có trong máu người bị viêm gan B sẽ bị loại bỏ hoàn toàn, chỉ giữ lại phần nhân tế bào máu để tiến hành tách lấy ADN nhân. Do đó, virus viêm gan B hoàn toàn không ảnh hưởng đến xét nghiệm ADN. Người viêm gan B thực hiện lấy máu xét nghiệm ADN bình thường.