Đưa định danh ADN vào thẻ căn cước là điểm mới trong Luật căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024. Đây được coi là một bước tiến mới trong việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu căn cước, tăng cường an sinh xã hội và giúp nhận diện danh tính công dân dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Nội dung:
I. Đưa định danh ADN vào thẻ căn cước là như thế nào?
Đưa định danh ADN vào thẻ căn cước là việc bổ sung thông tin ADN cá nhân vào căn cước điện tử của công dân, khi công dân có nhu cầu, nguyện vọng, theo Luật căn cước mới chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024.
Thông tin ADN là bộ mã ADN của mỗi cá nhân. Thông tin ADN được phân tích từ mẫu sinh phẩm chứa ADN trong cơ thể người, thường dùng máu hoặc niêm mạc miệng (nước bọt). Mẫu sinh phẩm chứa ADN sau khi được thu thập sẽ tiến hành phân tích trên hệ thống máy móc giải trình tự gen, thu được bộ mã ADN đã được mã hóa. Thông tin ADN này sẽ được lưu trữ trên căn cước điện tử của công dân, và đồng bộ với cơ sở dữ liệu căn cước.
II. Tầm quan trọng của việc đưa định danh ADN vào thẻ căn cước
1. Lưu trữ thông tin ADN cá nhân
Thông tin ADN cá nhân thực chất là bộ mã ADN, Mã ADN của mỗi người là duy nhất và không thay đổi theo thời gian. Như vậy, mã ADN được dùng để nhận dạng và xác thực danh tính của cá nhân, tương tự như dấu vân tay hay mống mắt.
Không chỉ nhận dạng cá nhân mà mã ADN còn dùng để xác thực mối quan hệ huyết thống cha con, mẹ con, họ hàng. Bởi mã ADN chính là thông tin di truyền của mỗi người, với 50% ADN từ người cha ruột và 50% ADN từ người mẹ ruột.
Thông tin ADN được lấy từ mẫu sinh phẩm trên người sống (bao gồm máu hoặc niêm mạc miệng). Như vậy, việc đưa định danh ADN vào căn cước sẽ giúp lưu trữ lại thông tin ADN cá nhân ngay cả khi người đó đã qua đời.
2. Nhận diện chính xác danh tính trong nhiều trường hợp
Để nhận diện danh tính của một cá nhân, trên căn cước có dấu vân tay, khuôn mặt và với những công dân làm căn cước từ sau 1/7/2024 còn được bổ sung thêm mống mắt. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp như tai nạn, tội phạm trốn truy nã,..nếu chỉ dựa vào dấu vân tay, khuôn mặt hay mống mắt thì rất khó, hoặc không thể nhận diện được.
Khi có thông tin ADN, dựa vào sợi tóc, mảnh móng tay/chân, da chết, tủy, bộ phận cơ thể,… thậm chí một số đồ vật đã qua sử dụng như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, đầu mẩu thuốc lá, bã kẹo cao su, quần lót, bao cao su, khăn lau,… cũng có thể nhận diện được danh tính của người đó.
3. Giải quyết tranh chấp liên quan đến huyết thống cha mẹ con
Bao gồm các thủ tục như: nhận cha, mẹ, con thất lạc; thừa kế; đặc biệt trong trường hợp cha, mẹ đã qua đời không thể trực tiếp giám định ADN.
Với những trường hợp thất lạc cha mẹ con trong nhiều năm, hoặc có con riêng (con ngoài giá thú) mà cha không biết, thì việc định danh ADN vào thẻ căn cước sẽ giúp việc xác định quan hệ huyết thống cha con dễ dàng, nhanh chóng hơn đáng kể.
4. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu căn cước, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.
Theo Luật căn cước mới, ngoài ảnh khuôn mặt và dấu vân tay thì mống mắt là những thông tin được thu thập bắt buộc khi công dân làm căn cước. Còn thông tin ADN và giọng nói là những đặc điểm sinh trắc học thu thập với hình thức tự nguyện, khi công dân có nguyện vọng.
Như vậy, việc định danh ADN vào thẻ căn cước sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu căn cước, tiến tới đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Từ đó giúp tăng cường an sinh xã hội, đồng thời người dân có thể rút ngắn thời gian với các thủ tục hành chính công.
III. Thông tin ADN được thu thập và tích hợp vào căn cước như thế nào?
Thông tin ADN được thu thập thông qua xét nghiệm ADN cá nhân. Bộ mã ADN được mã hóa dưới dạng mã vạch hoặc mã QR, sau đó tích hợp vào căn cước điện tử.
1. Xét nghiệm ADN thu thập thông tin ADN cá nhân
Để có thông tin ADN thì cá nhân cần phải làm xét nghiệm ADN. Cụ thể là sử dụng mẫu sinh phẩm chứa ADN trên cơ thể (máu hoặc niêm mạc miệng), sau đó phân tích bằng máy móc chuyên dụng tại phòng thí nghiệm và thu được bộ mã ADN của cá nhân.
Việc thu thập mẫu sinh phẩm chứa ADN để làm xét nghiệm ADN sẽ do chuyên viên xét nghiệm ADN thực hiện với thao tác như sau:
- Thu mẫu máu xét nghiệm ADN: Chích 3-4 giọt máu ở đầu ngón tay hoặc với trẻ sơ sinh thì chích máu gót chân, thấm vào đầu que tăm bông.
- Thu mẫu niêm mạc miệng (nước bọt) xét nghiệm ADN: Sử dụng 2-3 tăm bông sạch đã được cắt bỏ một đầu (khi thu mẫu, không được chạm tay vào đầu tăm bông còn lại). Tiếp theo, cầm vào đầu đã cắt bông lần lượt cho đầu bông còn lại vào thành má phía trong khoang miệng, xoay nhẹ và áp sát thành má hoặc quệt dọc khoảng 15-20 lần.
Chú ý: Mẫu ADN để khô tự nhiên, bảo quản vào giấy sạch (giấy ăn, giấy viết,….) hoặc phong bì, không để mẫu vào túi nilon hoặc túi zip, không chạm tay vào mẫu ADN sau khi thu
Tại phòng thí nghiệm, mẫu máu và mẫu niêm mạc miệng sẽ được tiến hành phân tích bằng hệ thống máy giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) – là công nghệ phân tích ADN hiện đại nhất hiện nay, cho kết quả chính xác và nhanh chóng hơn.
2. Tích hợp thông tin ADN vào thẻ căn cước
Sau khi thực hiện xét nghiệm ADN lấy mã ADN cá nhân, thông tin ADN sẽ được mã hóa dưới dạng mã vạch (barcode), mã QR (QR code) và tích hợp trên thẻ căn cước điện tử, đồng thời lưu trữ và đồng bộ trên cơ sở dữ liệu căn cước, cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Thông tin ADN có thể đọc được bằng máy quét trên điện thoại thông minh hoặc các máy quét thông tin chuyên dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng thông tin ADN để nhận dạng danh tính hay xác thực quan hệ huyết thống cha con, mẹ con, họ hàng nội ngoại sẽ chỉ thực hiện được khi có yêu cầu từ cơ quan, đơn vị có thẩm quyền (Bộ Công an).