Đã từng có không ít vụ án đau lòng xảy ra từ việc làm giả kết quả xét nghiệm ADN. Gần đây, NOVAGEN tiếp nhận một số vụ việc liên quan đến làm giả kết quả của trung tâm. Đây là hành vi nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Năm 2018, một bi kịch vô cùng đau lòng đã xảy ra sau khi Nguyễn Văn Duy đã ra tay sát hại 2 đứa con, sau khi nhận kết quả xét nghiệm ADN cả 2 bé không phải con mình. (Xem chi tiết tại bài viết: Những bi kịch mang tên ADN: Bản giám định nghiệt ngã)
Tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra một vụ án đau lòng khác khiến 3 người trong gia đình thiệt mạng mà nguyên nhân được cho là xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai vợ chồng sau khi xét nghiệm ADN.
Như vậy, kết quả xét nghiệm ADN không chỉ là bằng chứng khoa học đáng tin cậy nhất để xác minh huyết thống mà còn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý, hạnh phúc gia đình của những người tham gia xét nghiệm. Việc làm giả kết quả xét nghiệm ADN có thể gây nên những hậu quả không thể lường trước.
Thời gian vừa qua, NOVAGEN nhận được các thông tin về việc kết quả của trung tâm bị làm giả, vì vậy, chúng tôi phải đưa ra CẢNH BÁO cao nhất tới quý khách hàng.
Trường hợp 1: Làm giả hoàn toàn bản kết quả xét nghiệm
Hình 1: Trường hợp 1 – Bản kết quả bị làm giả hoàn toàn
Người làm giả kết quả và những người có tên trong bản xét nghiệm hoàn toàn không phải là khách hàng của NOVAGEN. Bản kết quả được đánh máy, cóp nhặt một cách cẩu thả dựa trên mẫu những bản kết quả nào đó mà kẻ gian có được trong tay.
Ngoài việc mã ca xét nghiệm hoàn toàn không được lưu trữ trên hệ thống thì có rất nhiều chi tiết điển hình cho sự cẩu thả và không thống nhất mà các chuyên viên NOVAGEN chỉ cần nhìn thoáng qua cũng nhận ra như:
– Form mẫu được lai ghép giữa kết quả xét nghiệm ADN pháp lý và kết quả xét nghiệm ADN tự nguyện. Để các trường thông tin của xét nghiệm ADN pháp lý nhưng lại không có ảnh xác minh người xét nghiệm.
– Ký hiệu mẫu được đặt không đúng quy tắc.
– Tại mục thông tin của con, có trường thông tin “Giấy chứng sinh” nhưng lại để trống. Đây là điều không bao giờ được phép xảy ra với các kết quả xét nghiệm pháp lý.
– Thông tin về bộ kit xét nghiệm là thông tin cũ không còn được sử dụng vào năm 2024.
– Bảng kết quả sai khác với quy tắc trình bày của NOVAGEN.
– Tại phần kết luận: Mã ký hiệu bị đổi ngược giữa 2 người tham gia xét nghiệm, so với phần thông tin phía trên; Vị trí mối quan hệ sai; Lỗi font chữ..
– Không có mã QR.
– Chữ ký đặt không đúng tiêu chuẩn.
– Header & Footer là của mẫu kết quả cũ từ những năm trước.
v.v…
Trường hợp 2: Làm giả để thay đổi kết luận xét nghiệm, dựa trên một kết quả xét nghiệm thật
Trường hợp này, bản kết quả được làm giả dựa trên một ca xét nghiệm của khách hàng thực của NOVAGEN.
Vào tháng 8/2024, khách hàng ca 6702H trước liên hệ làm gói pháp lý để đăng ký khai sinh cho con. Người đứng đơn là người bố, người đăng ký nhận bản kết quả chính thức là người mẹ. Sau khi có kết luận hai bố con không trùng huyết thống. NOVAGEN đã báo kết quả cho cả người bố và người NOVAGEN đã từ chối và gửi bản kết quả chính thức cho người mẹ.
Ngày 8/10, Tiến sĩ Đặng Trần Hoàng nhận được thông báo về một bản kết quả giả với kết luận hai bố con CÓ quan hệ huyết thống cha con.
Dưới đây là bản kết quả thật và bản kết quả giả.
Hình 2: Trường hợp 2 – Bản kết quả bị làm giả dựa trên ca xét nghiệm có thật
Hình 3: Trường hợp 2 – Bản kết quả thật được NOVAGEN ban hành
Nhìn vào bản kết quả giả, thì dù người thực hiện đã cố gắng sao chép tối đa kết quả thật nhưng vẫn có thể nhận ra ngay những điểm thiếu chuyên nghiệp:
– Mã ca không theo đúng quy tắc hệ thống.
– Tại phần thông tin của con ghi giới tính NỮ nhưng trên bản kết quả lại hiển thị kết quả là NAM.
– Con dấu tên tại phần chữ ký chuyên gia được viết bằng tay cẩu thả.
– Một số chi tiết không đúng quy chuẩn khác.
————–
Có thể thấy, làm giả kết quả xét nghiệm hoàn toàn có thể được NOVAGEN dễ dàng xác minh theo bộ tiêu chuẩn riêng mà công ty đã ban hành.
Xem bài viết: Tiêu chuẩn bản kết quả xét nghiệm tại NOVAGEN
Tuy nhiên, các bản kết quả giả – dù còn nhiều sơ hở – vẫn có thể là công cụ lừa đảo với những người không quá am hiểu chuyên môn hoặc không xem xét kỹ. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí với những sai phạm nghiêm trọng còn có thể bị truy tố hình sự.
Căn cứ vào Điều 341 của Bộ luật hình sự 2015 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
- Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Phạm tội 02 lần trở lên;
- c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
- d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- e) Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
- b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
- c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, việc làm giả kết quả ADN, sử dụng kết quả ADN giả được coi là làm giả tài liệu của cơ quan, sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức nên theo quy định của Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định thì có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Trường hợp làm giả hoặc sử dụng kết quả ADN giả để chiếm lợi bất chính 50.000.000 đồng thì có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Ngoài ra người phạm tội còn bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Ngoài ra, NOVAGEN cũng không ít lần nhận được những lời đề nghị làm giả bản kết quả xét nghiệm ADN với những mức giá vô cùng hấp dẫn lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, gấp hàng trăm hàng nghìn lần so với giá của một dịch vụ xét nghiệm ADN.
Những chuyên viên xét nghiệm ADN cũng thường xuyên được khách hàng đề nghị “giúp anh/chị tráo đổi mẫu xét nghiệm ADN” để có được một bản xét nghiệm ADN có kết quả đúng như mong muốn với cái giá cả trăm triệu đồng, bằng 1 tới 2 năm lương đi làm của những chuyên viên này.
Nhưng với tôn chỉ đề cao đạo đức nghề nghiệp, cùng với nhận thức rằng KẾT QUẢ ADN KHÔNG THỂ LÀM GIẢ, NOVAGEN cùng các nhân sự của mình luôn tôn trọng tuyệt đối kết quả khách quan, dựa trên quy trình xét nghiệm khoa học và chặt chẽ.
Bài viết này như một lời cảnh báo tới các khách hàng về nguy cơ và hiện tượng làm giả kết quả xét nghiệm ADN của NOVAGEN. Nếu có bất cứ nghi vấn nào trong quá trình nhận kết quả xét nghiệm, quý khách vui lòng liên hệ với chuyên viên của chúng tôi để được giải đáp.
Xem thêm: Quy trình xét nghiệm ADN tại NOVAGEN
Nguồn: NOVAGEN