Xét nghiệm ADN hoàn toàn không cần nhịn ăn trước khi thực hiện. Người làm xét nghiệm ADN tự do ăn uống trước và sau khi thực hiện thủ tục lấy mẫu ADN: máu, nước bọt, móng tay/chân, tóc có chân tóc,… Vậy tại sao làm xét nghiệm ADN lại không cần phải nhịn ăn?
1. Xét nghiệm ADN không cần nhịn ăn, tại sao?
Người làm xét nghiệm ADN không cần nhịn ăn/uống hay kiêng bất cứ loại thực phẩm nào trước đó. Bởi thức ăn, đồ uống không làm biến đổi ADN của một người.
Khi đồ ăn và đồ uống đi vào dạ dày, các chất dinh dưỡng thấm qua ruột non để vào máu và do đó trong máu sẽ chứa những thành phần dinh dưỡng. Tuy nhiên, những thành phần dinh dưỡng đều nằm ở bên ngoài tế bào máu, chứ không thấm vào bên trong tế bào máu. Tương tự, những chất dinh dưỡng này cũng chỉ bị trộn lẫn với nước bọt chứ không thấm vào bên trong tế bào niêm mạc miệng.
Trong khi thành phần ADN đều nằm trong tế bào máu, tế bào niêm mạc miệng (có trong nước bọt), tế bào nang tóc (gốc chân tóc),… và do đó, ADN không thể bị ảnh hưởng hay biến đổi bởi thức ăn, nước uống
ADN là duy nhất và không thay đổi theo thời gian, ngoại trừ các trường hợp đột biến gen do nhiễm phóng xạ, hay các đột biến khác trong quá trình trưởng thành với một tỷ lệ không đáng kể. Còn lại, thực phẩm và đồ uống thông thường không thể làm thay đổi ADN của con người.
Máu và nước bọt khi làm xét nghiệm ADN sẽ được gạn lọc hoàn toàn những thành phần tạp chất, trong đó có các thành phần từ đồ ăn, thức uống,… sau đó tách lấy phần nhân tế bào.
Tham khảo:
Uống rượu có ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm ADN không?
2. Những xét nghiệm nào cần nhịn ăn trước khi thực hiện?
Bạn cần nhịn ăn/uống từ ít nhất 8-12 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm đường huyết, mỡ máu, chức năng gan, chức năng thận,…
Xét nghiệm đường huyết: Xét nghiệm này dùng để đánh giá lượng đường trong máu và chẩn đoán bệnh tiểu đường. Người làm xét nghiệm đường huyết cần nhịn ăn uống (trừ nước lọc) trong khoảng 8-10 tiếng trước đó, để cơ thể ở trạng thái bình thường, hạn chế tình trạng thức ăn chuyển hóa thành glucose, từ đó đo lượng đường trong máu một cách chính xác.
Xét nghiệm mỡ máu: Để xác định các chỉ số đánh giá tình trạng mỡ trong máu bao gồm cholesterol toàn phần, HDL cholesterol, LDL cholesterol và triglyceride. Tương tự xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm mỡ máu cũng cần nhịn đói từ 8 – 10 giờ trước khi xét nghiệm vì thức ăn sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả.
Xét nghiệm chức năng gan & thận: Khi ăn uống, gan và thận cũng sẽ tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng, phân giải chất,… do đó, khi xét nghiệm gan và thận cần nhịn ăn để các chỉ số chức năng gan & thận ở trạng thái bình thường.