Việc chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi xâm lấn là một trong những phương pháp phổ biến để xác định người cha cho thai nhi từ tuần 15-22 với tỷ lệ chính xác là 99,99%. Tuy nhiên có không ít sản phụ lo sợ rằng việc lấy nước ối xét nghiệm ADN thai nhi có thể gây sảy thai cùng nhiều biến chứng khác. Những thắc mắc xung quanh việc lấy nước ối xét nghiệm ADN thai nhi sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây!
Nội dung:
- 1 Sơ lược về chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi
- 2 1. Lấy nước ối xét nghiệm ADN thai nhi có đau không?
- 3 2. Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi có sợ bị thiếu ối (thiểu ối) không?
- 4 3. Lấy nước ối xét nghiệm ADN thai nhi có sợ sảy thai không?
- 5 4. Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi có khiến thai nhi mắc viêm gan B và HIV truyền từ mẹ sang con không?
- 6 5. Sau khi lấy nước ối xét nghiệm ADN thai nhi cần kiêng những gì?
Sơ lược về chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi
Xét nghiệm ADN thai nhi bằng chọc ối là phương pháp sử dụng nước ối của sản phụ để xét nghiệm ADN và xác định người cha của thai nhi, thực hiện từ tuần thai thứ 15 tới 22.
Trong mẫu nước ối của sản phụ có chứa các ADN tự do của thai nhi, khi tổng hợp những ADN tự do này sẽ có được ADN của thai nhi, sau đó so sánh với mẫu ADN của người đàn ông nghi ngờ là cha.
Nếu như ADN của thai nhi và ADN của người đàn ông nghi ngờ là cha trùng nhau, thì kết luận người đàn ông là cha của đứa trẻ. Ngược lại, nếu ADN không trùng thì kết luận thai nhi và người đàn ông không có quan hệ huyết thống.
Chi tiết về chọc ối, mời bạn tham khảo bài viết: Chọc ối và những lưu ý quan trọng
1. Lấy nước ối xét nghiệm ADN thai nhi có đau không?
Trả lời: Khi lấy nước ối xét nghiệm ADN thai nhi, sản phụ có thể sẽ cảm thấy hơi đau nhói ở vùng bụng. Mức độ đau sẽ phụ thuộc vào kỹ thuật của từng bác sĩ cũng như cảm nhận của mỗi người. Có người sẽ cảm thấy đau dữ dội, có người lại không thấy đau, chỉ hơi tê nhẹ như kiến cắn. Đó đều là những trạng thái hết sức bình thường khi chọc ối xét nghiệm.
Cảm giác đau nhói sẽ kéo dài từ vài phút cho tới vài giờ sau khi chọc ối, điều này là bình thường và không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu cơn đau tăng dần trong vài giờ sau khi chọc ối và không có dấu hiệu giảm xuống, sốt, ra dịch âm đạo hoặc chảy máu, co thắt vùng tử cung hoặc xuất hiện các cơn gò,… thì sản phụ cần tới bệnh viện ngay lập tức.
2. Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi có sợ bị thiếu ối (thiểu ối) không?
Trả lời: Việc lấy nước ối xét nghiệm ADN thai nhi KHÔNG gây thiếu ối (thiểu ối) với các thai phụ có tình trạng nước ối ổn định.
Lượng nước ối trung bình trong cơ thể người mẹ từ tuần 15 trở đi là khoảng 300-350ml. Khi lấy nước ối để xét nghiệm ADN thai nhi,bác sĩ chỉ lấy từ 15-20 ml, tức là 5-7% tổng lượng nước ối có trong cơ thể người mẹ. Lượng nước ối bị lấy đi là khá thấp và sẽ nhanh chóng được cơ thể tái tạo lại một cách tự nhiên, do đó sẽ không gây nên tình trạng thiếu ối (thiểu ối) sau khi chọc ối làm xét nghiệm ADN thai nhi.
Với các sản phụ đang gặp phải tình trạng thiếu ối (thiểu ối), các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành siêu âm, đánh giá chỉ số nước ối (AFI), đo độ sâu túi ối,… để nắm được tình trạng cũng như mức độ thiếu ối. Từ đó đưa ra quyết định có thực hiện chọc ối hay không.
3. Lấy nước ối xét nghiệm ADN thai nhi có sợ sảy thai không?
Trả lời: Việc lấy nước ối xét nghiệm ADN thai nhi có thể dẫn tới nguy cơ sảy thai cho sản phụ, tuy nhiên đây là tình trạng tương đối hiếm gặp.
Chọc ối là thủ thuật sản khoa có tác động trực tiếp tới nước ối và thai nhi. Cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ dùng mũi kim chuyên dụng đi xuyên qua vùng bụng của sản phụ vào tới túi nước ối, sau đó rút lấy 10-15ml nước ối. Phần nước ối lấy ra sẽ được đặt vào ống đựng chuyên dụng và gửi tới phòng thí nghiệm để thực hiện xét nghiệm ADN.
Trước và trong khi thực hiện chọc ối, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm vùng bụng để quan sát vị trí đặt kim, hướng di chuyển của kim sao cho an toàn nhất cho mẹ và bé. Tuy nhiên trong trường hợp xấu, việc chọc ối có thể dẫn tới những nguy cơ như sau
- Rò rỉ ối: Sau khi chọc ối, có khoảng 1-2% số thai phụ sẽ cảm thấy nhói hoặc tức nhẹ ở vùng chọc ối kèm theo hiện tượng chảy máu hoặc rò rỉ nước ối.
- Nhiễm trùng ối: Từ vết ối rò rỉ, hoặc do dụng cụ chọc ối, kỹ thuật chọc ối,… có vấn đề mà có một số trường hợp sau khi chọc ối bị nhiễm trùng. Biểu hiện ban đầu của nhiễm trùng ối là sốt, đau ổ bụng dữ dội, ra dịch âm đạo hoặc máu,…
- Tổn thương hoặc sảy thai sau chọc ối, thai lưu vỡ ối: Đây là những tình trạng tương đối hiếm gặp sau khi chọc ối, thường do kỹ thuật của bác sĩ, hoặc do sản phụ bị rò rỉ ối, nhiễm trùng ối nhưng không kịp thời can thiệp.
4. Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi có khiến thai nhi mắc viêm gan B và HIV truyền từ mẹ sang con không?
Trả lời: Việc chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi có thể làm tăng nguy cơ lây truyền virus viêm gan B trong trường hợp người mẹ có tải lượng virus viêm gan B cao. Còn với virus HIV, nếu mẹ không được điều trị trước sinh thì việc chọc ối cũng làm tăng nguy cơ lây bệnh.
Trên thực tế, với sản phụ bị viêm gan B, nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con khi chọc ối khá thấp. Tuy nhiên, trong trường hợp người mẹ có tải lượng virus HBV cao có thể làm tăng nguy cơ lây truyền cho thai nhi
Với sản phụ mắc HIV chưa được điều trị bằng ARV (thuốc kháng HIV), việc chọc ối xét nghiệm ADN cũng cần được chỉ định từ bác sĩ, bởi có thể làm lây truyền virus HIV từ mẹ sang con.
5. Sau khi lấy nước ối xét nghiệm ADN thai nhi cần kiêng những gì?
Trả lời: Trong vòng 12-24 tiếng sau khi chọc ối, sản phụ cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng hoàn toàn để cơ thể hồi phục. Từ 2-3 ngày sau chọc ối cần tránh làm việc nặng nhọc, thực hiện quan hệ vợ chồng.
Chú ý cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe, bao gồm các cơn đau bụng, thân nhiệt, dịch âm đạo,… hoặc khi xuất hiện bất cứ bất thường nào trên cơ thể, thì cần tới bệnh viện ngay lập tức.
Kết luận
Việc thực hiện chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi được dùng để xác định cha cho con, có thể thực hiện bắt đầu từ tuần 15-22 của thai kỳ. Thủ thuật chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi có rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé, do đó khi chọc ối, mẹ nên chọn các bệnh viện lớn chuyên về sản khoa, có các bác sĩ chuyên khoa vững tay nghề, cũng như cần theo dõi sát sao sau khi chọc ối để kịp thời can thiệp những bất thường có thể xảy ra.