Các yếu tố di truyền đặc biệt ảnh hưởng tới kết quả ADN là gì? Có nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến các yếu tố di truyền đặc biệt hiếm gặp. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới một số trường hợp không thể kết luận được mối quan hệ huyết thống trong xét nghiệm ADN, hoặc không sàng lọc được nguy cơ dị tật thai nhi trong xét nghiệm sàng lọc trước sinh NIPT.
Nội dung:
- 1 I. Các yếu tố di truyền đặc biệt ảnh hưởng đến kết quả ADN
- 2 II. Những yếu tố làm biến đổi ADN gây sai lệch kết quả xét nghiệm
I. Các yếu tố di truyền đặc biệt ảnh hưởng đến kết quả ADN
1. Đột biến do di truyền từ cha mẹ
a. Định nghĩa & nguyên nhân
Đột biến do di truyền là những đột biến được nhận từ ADN của cha và mẹ thông qua trứng và tinh trùng.
Khi trứng và tinh trùng gặp nhau sẽ tạo thành hợp tử, hợp tử này sẽ nhận 50% ADN từ trứng và 50% ADN từ tinh trùng. Nếu ADN của cha hoặc mẹ có đột biến, hợp tử có thể sẽ mang theo đột biến này trong mỗi tế bào và hiện diện trong suốt cuộc đời.
b. Ảnh hưởng tới kết quả ADN
Đột biến do di truyền xuất hiện trong mỗi tế bào, tức là tế bào nào cũng sẽ ghi nhận đột biến giống nhau và đều chứa ADN di truyền từ bố mẹ. Thế nên những đột biến do di truyền sẽ không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm ADN huyết thống cha con, mẹ con, họ hàng.
Những đột biến do di truyền này sẽ được biểu hiện trên kết quả xét nghiệm NIPT, khi xét nghiệm ADN toàn bộ cơ thể người (giải trình tự gen người), hoặc những xét nghiệm ADN đặc biệt liên quan đến các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể.
2. Đột biến mắc phải
a. Định nghĩa & nguyên nhân
Đột biến mắc phải (hay đột biến xôma) là những đột biến xảy ra trong quá trình sống mà không phải do di truyền từ cha mẹ, phát sinh sau quá trình thụ tinh. Đột biến mắc phải chỉ xảy ra ở một số tế bào nhất định chứ không phải ở mọi tế bào trên toàn bộ cơ thể.
Nguyên nhân gây nên đột biến mắc phải:
– Yếu tố môi trường như bức xạ tia cực tím từ mặt trời
– Lỗi xảy ra trong quá trình ADN tự sao chép
Các đột biến mắc phải trong tế bào xôma (tế bào không phải tế bào tinh trùng và tế bào trứng) nên sẽ không truyền cho thế hệ sau.
b. Ảnh hưởng tới kết quả ADN
Những đột biến mắc phải có thể gây ảnh hướng tới xét nghiệm ADN huyết thống không? Những đột biến mắc phải thường chỉ nằm ở một số tế bào nhất định với số lượng hạn chế, xuất hiện trên một số rất ít các vị trí cấu trúc ADN đặc biệt.
Trong khi đó, xét nghiệm ADN huyết thống so sánh ADN của con người trên 16, 23 thậm chí 25 cặp locus gen khác nhau, chấp nhận tỷ lệ 1-2 locus sai khác có thể loại trừ được trường hợp đột biến mắc phải này và vẫn có kết quả chính xác tới 99,999999%. Vậy nên những đột biến mắc phải thường không ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm ADN huyết thống.
Những đột biến mắc phải có thể làm sai lệch xét nghiệm sàng lọc thai nhi trước sinh (NIPT hoặc chọc ối/sinh thiết nhau thai), khi xét nghiệm ADN toàn bộ cơ thể người (giải trình tự gen người), hoặc những xét nghiệm ADN đặc biệt liên quan đến các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể. Đây là một trong các yếu tố di truyền đặc biệt ảnh hưởng tới kết quả ADN cần lưu ý.
3. Thể khảm
a. Định nghĩa & nguyên nhân
Thể khảm là tình trạng một cơ thể có ít nhất hai tập hợp tế bào có bộ nhiễm sắc thể mang các gen khác hẳn nhau.
Thể khảm xảy ra trong quá trình phát triển phôi. Những đột biến này không xuất hiện ở tế bào trứng hoặc tinh trùng của cha mẹ, hoặc trong trứng đã thụ tinh, cũng không xảy ra khi đứa trẻ đã sinh ra/đã trưởng thành. Nó diễn ra khi phôi đã hình thành và đang trong quá trình phát triển.
Nguyên nhân: do nhiều cơ chế khác nhau như
- Không phân ly nhiễm sắc thể trong nguyên phân hoặc giảm phân
- Nội phân bào (nội phân đôi nhiễm sắc thể)
- Trễ Anaphase
b. Ảnh hưởng tới kết quả ADN
Tương tự như những đột biến mắc phải thì thể khảm thường không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm ADN huyết thống.
Tuy nhiên thể khảm có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT)
1. Khảm bánh nhau
Khảm bánh nhau (hay khảm khu trú bánh nhau) là tình trạng khác biệt giữa tế bào thai nhi và tế bào nhau thai. Phương pháp xét nghiệm NIPT thực chất là sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể thai nhi thông qua các ADN tự do của thai nhi trong máu mẹ, tức là các tế bào nhau thai được phóng thích ra máu mẹ sau chu trình phân chia tế bào.
Thế nên trong trường hợp khảm bánh nhau (tế bào ở nhau thai và thai nhi khác nhau), kết quả NIPT sẽ thường cho kết quả dương tính giả, tức là nhau thai có nguy cơ bất thường nhưng thai nhi thì không có. Hoặc ngược lại, nhau thai không có nguy cơ bất thường song thực chất thai nhi có.
2. Mẹ mang thể khảm
Trong máu mẹ, tỷ lệ ADN tự do của mẹ là 90% còn của nhau thai là 10%. Với người mẹ mang thể khảm (thường là khảm đơn nhiễm sắc thể X) có thể ảnh hưởng đến kết quả NIPT (thường gây ra kết quả dương tính giả với đơn nhiễm sắc thể X).
II. Những yếu tố làm biến đổi ADN gây sai lệch kết quả xét nghiệm
Bên cạnh đột biến trong di truyền, có nhiều yếu tố khác có thể gây biến đổi ADN của một người, từ đó làm sai lệch kết quả xét nghiệm ADN.
1. Ghép tủy xương làm thay đổi ADN
a. Định nghĩa & nguyên nhân
Ghép tủy xương làm thay đổi ADN là một trường hợp vô cùng hy hữu đã được ghi nhận y khoa. Khi người được nhận tủy xương từ người hiến tủy, ADN trong máu, nước bọt, tinh trùng,… đã biến đổi theo ADN của người hiến tủy.
Tuy nhiên, không phải ai thực hiện ghép tủy xương cũng bị biến đổi ADN mà đây là một trường hợp rất hy hữu còn đang cần nghiên cứu.
b. Ảnh hưởng & khuyến nghị
Người được ghép tủy xương bị biến đổi ADN (một phần hoặc toàn phần) khi thực hiện xét nghiệm ADN huyết thống sẽ bị sai lệch kết quả so với quan hệ huyết thống thực sự. Do đó với những ca xét nghiệm ADN với người đã từng thực hiện ghép tủy, cần nghiên cứu giải trình tự gen toàn bộ cơ thể thay vì chỉ xét nghiệm huyết thống đơn thuần.
Với các xét nghiệm sàng lọc trước sinh như NIPT hay chọc ối cũng có nguy cơ âm tính giả/dương tính giả cao hơn đáng kể.
2. Sử dụng tế bào gốc trong điều trị và thẩm mỹ
a. Định nghĩa & nguyên nhân
Tế bào gốc là những tế bào không phân biệt có thể biến thành các tế bào cụ thể, khi cơ thể cần. Có nhiều loại tế bào gốc, trong đó 2 loại chính bao gồm:
- Tế bào gốc trưởng thành: Xuất hiện ở não, tủy xương, máu và mạch máu, cơ xương, gan, da,… tuy nhiên khó có thể tìm thấy tế bào gốc trưởng thành, bởi chúng không phân chia và không đặc hiệu trong nhiều năm.
- Tế bào gốc phôi: Phôi thai gồm 2 phần: khối tế bào bên ngoài phát triển thành 1 phần của nhau thai và khối tế bào bên trong phát triển thành cơ thể người. Trong khối tế bào bên trong là nơi tìm thấy tế bào gốc phôi (otipotent). Chúng có tiềm năng để phát triển thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể.
Khi sử dụng tế bào gốc đưa vào trong cơ thể, có thể những tế bào gốc này sẽ xuất hiện bất thường hoặc đột biến và ảnh hưởng đến ADN ban đầu. Tuy nhiên những bất thường này xuất hiện ở đâu, có thay đổi những đoạn gen quan trọng không,… thì lại tùy từng người.
b. Ảnh hưởng & khuyến nghị
Với các xét nghiệm sàng lọc trước sinh như NIPT hay chọc ối, người đã từng sử dụng tế bào gốc sẽ có nguy cơ âm tính giả/dương tính giả cao hơn đáng kể.
Với những khách hàng đã từng sử dụng tế bào gốc cần thông báo với đơn vị làm xét nghiệm ADN để tư vấn chuyên sâu hơn và chọn dịch vụ phù hợp.
3. Nhiễm phóng xạ
a. Định nghĩa & nguyên nhân
Nhiễm phóng xạ là tình trạng cơ thể tiếp xúc với các tia phóng xạ hoặc chất phóng xạ, gây tổn thương trực tiếp đến ADN trong cơ thể.
b. Ảnh hưởng & khuyến nghị
Những người làm việc trong môi trường nhiều phóng xạ hoặc sinh sống lâu dài ở những vùng có bị ảnh hưởng bởi nhà máy phóng xạ, các vụ nổ nhà máy, bom nguyên tử,…khi làm xét nghiệm ADN huyết thống có thể ghi nhận sai lệch kết quả. Do đó cần làm những xét nghiệm ADN chuyên sâu hơn để đảm bảo tính chính xác.