Kể từ ngày 01/07/2024, Luật Căn cước số 26/2023/QH15 chính thức có hiệu lực, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công tác quản lý dân cư và an ninh quốc gia. Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Luật này là quy định về việc thu thập và tích hợp thông tin sinh trắc học về ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước. Vậy việc ADN cá nhân được đưa vào cơ sở dữ liệu căn cước sẽ mang lại lợi ích và thách thức gì? Bài viết sau sẽ đi sâu phân tích vấn đề này.
Nội dung:
1. Quy định của Luật Căn cước về tích hợp ADN cá nhân
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Luật Căn cước 2023 thì thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm có:
- Thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18, khoản 24 và khoản 25 Điều 9 của Luật này.
- Thông tin nhân dạng.
- Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
- Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.
- Trạng thái của căn cước điện tử: Trạng thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở khóa và các mức độ định danh điện tử.
Trong đó, thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
2. ADN cá nhân là gì? Lợi ích của việc tích hợp ADN cá nhân
ADN (axit deoxyribonucleic) là vật liệu di truyền của tế bào, lưu trữ trong các nhiễm sắc thể ở nhân tế bào và ty thể. Mỗi người sinh ra sẽ được thừa hưởng ADN từ cha mẹ của mình và thông tin di truyền chứa đựng bên trong ADN sẽ quyết định những đặc điểm như màu tóc, màu mắt,… ADN của mỗi người là duy nhất và không thay đổi theo thời gian. Do đó, thông tin sinh trắc học về ADN là loại thông tin có tính đặc trưng và đại diện trọn đời cho một người.
Việc ADN cá nhân được đưa vào cơ sở dữ liệu căn cước đem lại nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ đối với người dân mà còn góp phần đẩy mạnh sự phát triển của đất nước. Cụ thể, thông tin ADN dạng STR sẽ được sử dụng để xác minh danh tính công dân trong những trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, hỗ trợ nhận diện người thân,… Ngoài ra, việc có thêm thông tin về dữ liệu sinh trắc học (ADN, giọng nói) sẽ giúp các công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phòng chống tội phạm,… trở nên tốt hơn.
3. Cách ADN cá nhân được đưa vào cơ sở dữ liệu căn cước
Để đưa ADN cá nhân được đưa vào cơ sở dữ liệu căn cước thì công dân có nhu cầu cần phải thực hiện theo quy trình 4 bước sau:
- Bước 1: Công dân có nhu cầu tích hợp ADN sẽ đăng ký và sẽ được điều phối tới cơ sở thu mẫu gần nhất.
- Bước 2: Tại cơ sở thu mẫu, công dân cần xác minh thông tin bằng căn cước công dân có gắn chip để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu.
- Bước 3: Chuyên viên sẽ tiến hành lấy mẫu ADN, thường là nước bọt, máu hoặc niêm mạc miệng. Mẫu sau khi thu thập sẽ được niêm phong và chuyển đến phòng thí nghiệm để thực hiện quy trình phân tích, tách chiết.
- Bước 4: Trong vòng 7 ngày làm việc, công dân sẽ nhận được kết quả và có thể đến cơ quan quản lý căn cước để yêu cầu tích hợp thông tin sinh trắc học ADN vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
>>> Xem thêm: Tích hợp thông tin ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước
4. Kết luận
Việc đưa thông tin ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân là một quyết định mang tính chiến lược, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng của nhà nước, các cơ quan quản lý và sự đồng thuận của toàn xã hội. Với những lợi ích to lớn mà nó mang lại, chúng ta cần nỗ lực để vượt qua những thách thức và xây dựng một hệ thống quản lý dân cư hiện đại, an toàn và hiệu quả.