Trong trường hợp sinh đôi thì xét nghiệm ADN bố con thế nào? Liệu có khi nào có 1 người con là con ruột của cha còn 1 người con thì không phải hay không? Sinh đôi cùng trứng và sinh đôi khác trứng khi xét nghiệm ADN cha con có gì khác nhau không?
Nội dung:
1. Sinh đôi là gì? Sinh đôi cùng trứng và sinh đôi khác trứng là thế nào?
Sinh đôi là gì? Sinh đôi hay song sinh là trường hợp người mẹ mang thai 2 thai nhi cùng một lúc, tức là có 2 đứa trẻ cùng ra đời trong một lần mang thai của người mẹ.
Có 2 trường hợp sinh đôi đó là sinh đôi cùng trứng và sinh đôi khác trứng.
- Sinh đôi cùng trứng: Là trường hợp mà chỉ có 1 trứng và 1 tinh trùng kết hợp với nhau và tạo thành hợp tử, hợp tử phát triển thành 1 phôi trong tử cung của mẹ. Trong quá trình phát triển của phôi, phôi tự động tách thành 2 và trở thành 2 thai nhi. 2 thai nhi này được tách từ cùng 1 hợp tử nên được gọi là sinh đôi cùng trứng.
- Sinh đôi khác trứng: Là trường hợp mà người mẹ có 2 trứng cùng rụng, mỗi trứng được thụ tinh bởi một tinh trùng khác nhau, tạo thành 2 hợp tử khác nhau, phát triển thành 2 phôi khác nhau và trở thành 2 thai nhi trong tử cung người mẹ.
2. Xét nghiệm ADN cha con cho trường hợp sinh đôi
Với trường hợp 2 trẻ sinh đôi, dù là cùng trứng hay khác trứng thì đều có thể thực hiện xét nghiệm ADN cha con giữa trẻ và người cha như bình thường. Còn với xét nghiệm ADN thai nhi khi mang thai đôi sẽ có một số lưu ý quan trọng.
a. 2 trẻ sinh đôi xét nghiệm ADN cha con thế nào?
Với trường hợp 2 trẻ song sinh đã sinh ra đời, tiến hành xét nghiệm ADN cha con như trường hợp sinh đơn. Tức là xét nghiệm ADN cha con lần lượt giữa người cha và từng người con.
b. Mang thai đôi xét nghiệm ADN cha con trước sinh được không?
Hiện nay, không cần phải chờ tới khi đứa trẻ sinh ra đời thì mới có thể xét nghiệm ADN cha con mà ngay từ tuần thai thứ 7 đã có thể xét nghiệm ADN để tìm ra người cha thực sự của đứa trẻ bằng các phương pháp xét nghiệm ADN cha con trước sinh, bao gồm: xét nghiệm ADN thai nhi không xâm lấn (sử dụng mẫu máu mẹ) và xét nghiệm ADN thai nhi chọc ối (sử dụng mẫu nước ối mẹ).
Xét nghiệm ADN cha con trước sinh (xét nghiệm ADN thai nhi) thực chất là thu thập các “mảnh” ADN tự do của thai nhi lẫn trong máu mẹ hoặc nước ối của mẹ, sau đó tổng hợp lại thành ADN thai nhi để tiến hành so sánh với ADN của người đàn ông nghi ngờ là cha. Nếu ADN thai nhi và ADN người đàn ông trùng khớp thì kết luận người đàn ông là cha của thai nhi. Ngược lại, nếu ADN thai nhi và ADN người đàn ông không trùng thì kết luận người đàn ông không phải cha của thai nhi.
Với trường hợp mang thai đôi, việc xét nghiệm ADN cha con trước sinh sẽ có sự khác biệt đáng kể giữa thai đôi cùng trứng và thai đôi khác trứng.
Trong trường hợp thai đôi cùng trứng, mang thai đôi tự nhiên
Khi xét nghiệm ADN cha con trước sinh sẽ kết luận được người cha thực sự của cả 2 thai.
Lý do là bởi, hai thai sinh đôi cùng trứng có ADN trùng khớp với nhau, tức là các “mảnh” ADN tự do của 2 thai sẽ hoàn toàn giống nhau. Do đó xét nghiệm ADN cha con trước sinh cho thai đôi cùng trứng sẽ tương tự như với thai đơn.
Trong trường hợp thai đôi khác trứng, mang thai đôi tự nhiên
Khi xét nghiệm ADN cha con trước sinh sẽ chỉ khẳng định được người cha cho 1 trong 2 thai.
Lý do là bởi, hai thai sinh đôi khác trứng, khác tinh trùng sẽ mang ADN khác nhau, giống như anh chị em ruột cùng cha mẹ. Khi tổng hợp ADN tự do của thai nhi sẽ chỉ tổng hợp được ADN của 1 trong 2 thai nhi và do đó, sẽ chỉ kết luận được về người cha của 1 trong 2 thai nhi.
Riêng với trường hợp thai đôi IVF sẽ không thực hiện xét nghiệm ADN thai nhi trước sinh.
3. Có khi nào 2 trẻ sinh đôi có 2 người cha khác nhau hay không?
Có, nhưng đây là tình huống vô cùng hiếm gặp. Tại Việt Nam mới chỉ ghi nhận duy nhất 01 trường hợp trẻ sinh đôi có 2 người cha khác nhau tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, do TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ.
Thông tin chi tiết mời bạn tham khảo bài viết của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với tiêu đề: Ca sinh đôi cùng mẹ khác cha đầu tiên ở Việt Nam
Đây là trường hợp 2 bé gái sinh đôi ở Hòa Bình, trong đó mỗi bé gái lại là con ruột của một người cha khác nhau. Khi quan sát thấy 2 đứa con gái sinh đôi của mình có ngoại hình không hề giống nhau, trong đó có 1 bé giống mình, bé còn lại không hề giống mình, người đàn ông đã nảy sinh nghi ngờ và mang 2 đứa trẻ đi xét nghiệm ADN cha con. Kết quả, có 1 bé gái trong cặp song sinh không phải con ruột của người cha.
Người mẹ cũng đã thực hiện xét nghiệm ADN mẹ con để loại trừ trường hợp trao nhầm con trong bệnh viện, kết quả xét nghiệm ADN đã khẳng định cả hai đứa trẻ song sinh là do một mẹ đẻ ra. Như vậy kết luận rằng, 2 bé gái sinh đôi lại là con của hai người cha khác nhau, dù sinh ra cách nhau chỉ vài tiếng.
Trường hợp hi hữu này xảy ra khi người phụ nữ rụng 2 quả trứng trong cùng 1 chu kỳ, và mỗi trứng được thụ tinh bởi 1 dòng tinh trùng khác nhau, dẫn đến sinh đôi khác cha.
Hy hữu là bởi, thời gian để thụ thai song sinh trong tình huống này chỉ cách nhau vài ngày, ở hai thời điểm khác nhau, với hai người khác nhau. Có thể tinh trùng từ người cha đầu tiên đã đọng lại ở vòi trứng từ 3 – 4 ngày để “chờ” ngày trứng rụng, sau đó khi người phụ nữ rụng trứng sẽ tiến tới để tạo hợp tử đầu tiên, trong khi trứng còn lại thụ tinh với dòng tinh trùng của người cha thứ hai.
Trên thế giới hiện cũng chỉ mới ghi nhận 03 trường hợp 2 trẻ sinh đôi có 2 người cha khác nhau như vậy, với tỷ lệ 1/1.000.000.000 (tức là 1 trên 1 tỷ).