Khi thực hiện những xét nghiệm máu thông thường, người làm xét nghiệm không được phép uống rượu bia bởi nó có thể gây sai lệch kết quả. Vậy uống rượu có ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm ADN không? Liệu mẫu ADN của người say rượu có xét nghiệm được không hay cần phải thu lại?
1. Uống rượu có ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm ADN không?
Uống rượu bia hoàn toàn KHÔNG ảnh hưởng tới xét nghiệm ADN, người uống rượu bia xét nghiệm ADN được bình thường, với bất cứ loại mẫu ADN nào: mẫu máu, mẫu nước bọt, mẫu móng tay/chân, mẫu tóc có chân tóc,…
Lý do là bởi: Rượu bia KHÔNG làm thay đổi ADN của con người. ADN của một người lúc không uống rượu và lúc uống rượu hoàn toàn giống hệt nhau.
ADN là gì? ADN là vật chất nằm ở trong các tế bào của con người. ADN là duy nhất và không thay đổi theo thời gian, ngoại trừ các trường hợp đột biến gen do nhiễm phóng xạ, hay các đột biến khác trong quá trình trưởng thành với một tỷ lệ không đáng kể. Còn lại, rượu bia không làm thay đổi ADN của con người.
Khi uống rượu bia, rượu bia xuất hiện trong máu hay nước bọt của người làm xét nghiệm ADN, nhưng những thành phần rượu bia trong máu và nước bọt sẽ bị lọc hết ra ngoài, chỉ giữ lại phần tế bào bên trong, sau đó tách lấy ADN bên trong tế bào. Do đó uống rượu hoàn toàn KHÔNG ảnh hưởng tới xét nghiệm ADN, người uống rượu xét nghiệm ADN được bình thường.
2. Uống rượu ảnh hưởng tới xét nghiệm máu như thế nào?
Uống rượu bia ảnh hưởng đáng kể tới các xét nghiệm sinh hóa máu để đánh giá chức năng cơ thể như: gan, chỉ số mỡ máu, chỉ số đường máu,… Cụ thể như sau
Uống rượu làm sai lệch kết quả xét nghiệm chức năng gan: Khi uống rượu, gan sẽ sản sinh những enzyme để giúp cơ thể phân giải rượu như là GGT, ALT, AST,… khiến nồng độ những enzyme này tăng cao bất thường trong khoảng 6-12 tiếng sau khi uống. Như vậy, bác sĩ sẽ không thể biết chính xác được rằng liệu các chỉ số enzyme đó chỉ tăng nhất thời hay đây là dấu hiệu bất thường về gan.
Uống rượu làm xuất hiện tình trạng gan nhiễm mỡ tạm thời: Khi uống rươu bia, việc phân giải rượu bia có thể gây lấn át quá trình trao đổi chất thông thường, làm tăng các chỉ số cholesterol, triglycerid,… gây tình trạng gan nhiễm mỡ tạm thời và tăng mỡ máu.
Uống rượu làm ảnh hưởng chỉ số đường máu: Khi gan phải tập trung phân giải rượu, việc dự trữ đường cho cơ thể và các cơ quan dưới dạng glycogen sẽ bị giảm xuống, làm thay đổi các chỉ số xét nghiệm đường máu so với thông thường.
Uống rượu sau bao lâu thì xét nghiệm máu được? Ít nhất 12 tiếng sau khi uống rượu bia, bạn mới nên thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu để tránh làm sai lệch kết quả các chỉ số về gan, mỡ máu, đường huyết,…
Kết luận:
Việc uống rượu bia hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới việc xét nghiệm ADN. Người uống rượu bia có thể thực hiện xét nghiệm ADN bình thường mà không sợ ảnh hưởng tới kết quả.