Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, xét nghiệm ADN có độ chính xác từ 99,999999% trở lên, tức là gần như tuyệt đối.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ADN hoàn toàn có thể xảy ra nhầm lẫn bởi nhiều nguyên nhân như: thu sai mẫu ADN, có sai sót trong quá trình xét nghiệm ADN, nhầm lẫn khi trả kết quả,… dẫn tới những hậu quả nặng nề về mặt danh dự cũng như mối quan hệ gia đình. Do vậy, khi cảm thấy nghi ngờ kết quả ADN bị nhầm lẫn , bạn cần bình tĩnh để đưa ra phương án xử lý phù hợp nhất.
Nội dung:
I. Những nguyên nhân khiến kết quả ADN bị nhầm lẫn
Kết quả xét nghiệm ADN bị nhầm lẫn từ nhiều lý do khác nhau: từ việc sai mẫu ADN, quy trình xét nghiệm ADN có vấn đề, trả kết quả nhầm,…
1. Cố tình tráo mẫu ADN hoặc lấy mẫu ADN nhầm người
Đây là tình huống thường xảy ra khi làm xét nghiệm ADN tự nguyện, tức là khách hàng tự thu mẫu của người làm xét nghiệm rồi gửi về trung tâm. Việc nhầm mẫu có thể do khách hàng chủ quan, hoặc cố tình đổi sang mẫu xét nghiệm sang người khác.
Hoặc có trường hợp khách hàng thu mẫu tại đơn vị xét nghiệm ADN, song cấu kết với nhân viên để tráo đổi thành mẫu xét nghiệm khác.
Hậu quả: Kết quả xét nghiệm ADN có thể biến từ không thành có quan hệ huyết thống hoặc ngược lại. Gây ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ trong gia đình, thậm chí có thể làm tan vỡ hạnh phúc, tác động nặng nề tới tinh thần và ảnh hưởng tới danh dự của con người.
Do đó, việc chọn được đơn vị xét nghiệm ADN uy tín có quy trình thu nhận mẫu chặt chẽ, được giám sát nghiêm ngặt là rất quan trọng. Tại những đơn vị lớn, nhân viên có đạo đức nghề nghiệp và thượng tôn pháp luật, do đó sẽ không chấp nhận trở thành đồng lõa với cái sai, đi ngược lại đạo đức.
2. Mẫu ADN của những người làm xét nghiệm bị trộn lẫn
Đây là tình huống lẫn mẫu – nhiễm mẫu, khi mẫu xét nghiệm ADN của một người bị lẫn với mẫu xét nghiệm của người khác. Nguyên nhân là do quá trình thu mẫu không cẩn trọng dẫn tới lẫn lộn.
Ví dụ:
– Trong túi nhỏ chứa tóc của người A lại lẫn 1-2 sợi tóc của người B.
– Trong túi móng tay của người C có lẫn các mẩu vụn móng tay của người D bám trên cắt móng tay/kềm bấm móng dùng trước đó,…
Vậy việc lẫn mẫu có làm thay đổi kết quả xét nghiệm từ không thành có quan hệ huyết thống hoặc ngược lại không?
Câu trả lời là không. Bởi khi thực hiện phân tích ADN, hệ thống sẽ nhận diện được trong mẫu chứa ADN của nhiều người khác nhau và kết luận là mẫu không thể xét nghiệm được.
Trong trường hợp này, chuyên viên xét nghiệm sẽ thông báo lại cho khách hàng để hỗ trợ thu lại mẫu xét nghiệm chuẩn. Khách hàng có thể đọc lại Hướng dẫn chi tiết cách thu mẫu xét nghiệm ADN tại nhà để tránh trường hợp làm lẫn mẫu, phải thu lại mẫu mới.
3. Quá trình xét nghiệm ADN tại phòng thí nghiệm xảy ra sai sót
Quá trình xử lý mẫu trước khi xét nghiệm và các bước thực hiện trong khi xét nghiệm cũng là một yếu tố có thể khiến kết quả ADN bị nhầm lẫn. Tại những phòng thí nghiệm lớn, khâu xử lý mẫu được giám sát chặt chẽ, sử dụng máy móc để hỗ trợ chuẩn bị mẫu thay cho các thao tác thủ công sẽ giúp hạn chế tối đa những sai sót này. Tuy nhiên với những đơn vị nhỏ lẻ thì hoàn toàn có thể xảy ra tình huống sai sót khi chuẩn bị mẫu xét nghiệm ADN.
Ngoài ra, tại các phòng thí nghiệm lớn, mỗi ca xét nghiệm ADN đều được giám sát rất nghiêm ngặt, được bảo đảm từ khâu thu mẫu, đóng gói mẫu cho tới thực hiện xét nghiệm và ra kết quả đều được giám sát chéo để hạn chế sai sót.
Bất cứ một sai sót nhỏ trong một khâu thôi cũng có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm, hỏng mẫu và cần làm lại xét nghiệm, gây chậm trễ việc trả kết quả,… Do đó việc có quy trình giám sát mỗi ca xét nghiệm sẽ giúp nâng cao độ chính xác của kết quả xét nghiệm ADN, hạn chế tối đa khả năng nhầm lẫn kết quả ADN.
4. Không soát lại kết quả ADN dẫn tới kết quả nhầm lẫn
Hệ thống máy móc phòng thí nghiệm dù có hiện đại tới đâu vẫn hoàn toàn có thể gây nhầm lẫn, dù là tại những phòng thí nghiệm lớn. Do đó, nếu như không có bước kiểm tra và rà soát lại những kết quả này thì hoàn toàn có thể mang tới kết quả xét nghiệm ADN nhầm lẫn cho khách hàng.
Tại những đơn vị xét nghiệm ADN chuyên nghiệp và có quy trình xét nghiệm chặt chẽ, khi nhận kết quả từ máy, khâu rà soát kết quả kỹ lưỡng cuối cùng bởi chuyên viên xét nghiệm sẽ giúp hạn chế tối đa tỷ lệ sai sót của máy móc, hoàn thiện kết quả, bảo đảm tính chính xác của xét nghiệm ADN.
II. Nghi ngờ kết quả xét nghiệm ADN bị nhầm lẫn cần làm gì?
Trong trường hợp khách hàng cảm thấy kết quả xét nghiệm ADN bị nhầm lẫn, bị sai thì cần tiến hành kiểm tra lại việc thu nhận mẫu ADN, xem lại bản kết quả, yêu cầu được giải thích và tiến hành xét nghiệm ADN lại để đối chứng.
1. Kiểm tra lại quá trình thu mẫu xét nghiệm ADN (với xét nghiệm ADN tự nguyện)
Nếu khách hàng tự thu thập mẫu ADN và gửi tới đơn vị làm xét nghiệm, thì cần phải rà soát lại mẫu ADN dùng để xét nghiệm. Có nhiều trường hợp có thể xảy ra việc nhầm lẫn mẫu ADN từ đó dẫn tới việc sai kết quả xét nghiệm ADN như là:
- Thu mẫu ADN nhầm người
- Lẫn lộn gói mẫu ADN của những người xét nghiệm ADN với nhau
- Bị tráo mẫu ADN đã lấy thành mẫu ADN của người khác,…
2. Kiểm tra lại bản kết quả ADN và yêu cầu nhân viên xét nghiệm ADN giải thích
Khi nhận kết quả xét nghiệm ADN và cảm thấy nghi ngờ kết quả sai, hãy yêu cầu nhân viên xét nghiệm cho xem bản peak xét nghiệm ADN và yêu cầu được giải thích. Đây là bản dữ liệu gốc của kết quả ADN được in ra từ hệ thống máy móc trong phòng thí nghiệm, được dùng làm căn cứ để đưa ra kết luận về quan hệ huyết thống trong xét nghiệm ADN.
Trên bản peak sẽ thể hiện các locus gen (các điểm gen) của những người được làm xét nghiệm ADN với nhau. Nhân viên xét nghiệm ADN cần phải giải thích cho khách hàng một cách sơ lược nhất về bản peak và lý do tại sao lại đưa ra kết luận có/không quan hệ huyết thống dựa trên bản peak này.
Việc yêu cầu kiểm tra lại bản kết quả ADN sẽ giúp rà soát và phát hiện được lỗi sai của việc xét nghiệm ADN, trong trường hợp lỗi từ phía phòng thí nghiệm hoặc do sơ sót của nhân viên khi soát kết quả.
3. Thực hiện xét nghiệm ADN lại để đối chiếu, so sánh
Nếu có nghi ngờ về kết quả xét nghiệm ADN, khách hàng nên tiến hành thực hiện xét nghiệm lại một lần nữa.
Trong lần xét nghiệm ADN lại, khuyến nghị khách hàng nên thực hiện xét nghiệm ADN công khai, tức là lấy mẫu ADN trực tiếp tại đơn vị làm xét nghiệm, hoặc chuyên viên xét nghiệm ADN đến thu mẫu tại nhà, nhằm đảm bảo mẫu ADN được lấy từ đúng những người xét nghiệm ADN.
Trong trường hợp khách hàng vẫn có mong muốn thu mẫu ADN bí mật và giữ kín thông tin xét nghiệm, cần đảm bảo thao tác lấy mẫu, gói mẫu ADN cho từng người được thực hiện cẩn thận, không xảy ra nhầm lẫn và sai sót.
III. Kết luận
Xét nghiệm ADN hoàn toàn có khả năng xảy ra nhầm lẫn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, từ việc thu sai mẫu ADN, có sai sót trong quá trình xét nghiệm ADN, nhầm lẫn khi trả kết quả,… dẫn tới những hậu quả nặng nề về mặt danh dự cũng như mối quan hệ gia đình. Do vậy, khi cảm thấy nghi ngờ kết quả ADN bị nhầm lẫn , bạn cần bình tĩnh để đưa ra phương án xử lý phù hợp nhất.