Với mỗi loại mẫu xét nghiệm ADN như mẫu máu, niêm mạc miệng, tóc, móng tay/chân,… cách lấy mẫu xét nghiệm ADN như thế nào và cần lưu ý những gì trước khi lấy mẫu xét nghiệm ADN?
Nội dung:
- 1 1. Sơ lược về các loại mẫu xét nghiệm ADN
- 2 2. Chi tiết cách lấy từng loại mẫu xét nghiệm ADN và lưu ý
- 2.1 a. Cách lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN
- 2.2 b. Cách lấy mẫu niêm mạc miệng (nước bọt) để xét nghiệm ADN
- 2.3 c. Cách lấy mẫu móng tay, chân để xét nghiệm ADN
- 2.4 d. Cách lấy mẫu tóc để xét nghiệm ADN
- 2.5 e. Cách lấy mẫu cuống rốn để xét nghiệm ADN
- 2.6 f. Cách lấy các loại mẫu ADN đặc biệt
- 3 3. Mẫu xét nghiệm ADN sau khi lấy được bảo quản thế nào?
1. Sơ lược về các loại mẫu xét nghiệm ADN
Mẫu xét nghiệm ADN được chia làm 2 nhóm:
- Mẫu ADN thông thường: máu, niêm mạc miệng, móng (tay + chân), tóc có gốc chân (lông, râu), cuống rốn
- Mẫu ADN đặc biệt: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, đầu lọc thuốc lá, bã kẹo cao su, tinh trùng…
a. Mẫu xét nghiệm ADN thông thường
Mẫu xét nghiệm ADN thông thường có những đặc điểm như sau:
- Lượng ADN trong mẫu cao: Chỉ cần dùng một phần mẫu rất nhỏ đã có thể thực hiện xét nghiệm ADN. Ví dụ: Chỉ cần 5-7ml máu, 7-8 mảnh móng tay/móng chân, 5-7 sợi tóc có chân,… là đã có thể xét nghiệm được ADN.
- Dễ phân tách ADN: Việc phân tách ADN từ các mẫu thông thường không quá phức tạp, tiết kiệm thời gian và hóa chất.
- Thời gian trả kết quả: Với kỹ thuật và máy móc hiện đại hiện nay, chỉ từ 4 giờ đồng hồ kể từ khi phòng thí nghiệm nhận mẫu, khách hàng đã có thể được trả kết quả xét nghiệm ADN. Với mẫu móng tay thời gian có thể kéo dài hơn, tối đa 48 giờ đồng hồ (khoảng 2 ngày).
b. Mẫu xét nghiệm ADN đặc biệt
Mẫu xét nghiệm ADN đặc biệt có những đặc điểm như sau:
- Lượng ADN trong mẫu thấp: Những mẫu sinh phẩm đặc biệt này chứa lượng ADN thấp, bên cạnh đó mẫu lẫn nhiều tạp chất dẫn tới có khả năng sẽ không đủ lượng ADN để xét nghiệm.
- Quy trình xử lý phức tạp: Cần phải trải qua nhiều bước xử lý để lọc ra được mẫu lẫn trong vật phẩm, rồi mới dùng mẫu đã lọc tách lấy ADN.
- Thời gian trả kết quả: Lâu hơn đáng kể so với các mẫu xét nghiệm ADN thông thường, trung bình mất từ 4-8 ngày (có thể nhanh hơn hoặc lâu hơn tùy thuộc vào tình trạng thực tế của mẫu).
- Rủi ro: Đối với những mẫu khó xét nghiệm, nếu nồng độ ADN trong mẫu quá thấp, thấp hơn mức tối thiểu, hoặc trong trường hợp bị nhiễm bẩn nặng, hoặc lẫn ADN của 2 người trở lên (ví dụ: hút chung một điếu thuốc lá, dùng chung bàn chải/dao cạo) thì sẽ có rủi ro xét nghiệm không ra kết quả.
2. Chi tiết cách lấy từng loại mẫu xét nghiệm ADN và lưu ý
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách lấy mẫu xét nghiệm ADN cùng một số lưu ý khi lấy mẫu đối với từng loại mẫu
a. Cách lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN
Chích ở đầu ngón tay người làm xét nghiệm tầm 3 – 4 giọt máu thấm vào đầu que tăm bông/ Với trẻ sơ sinh, nên chích máu ở phần gót chân của trẻ.
Lưu ý khi lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN
Thông thường khách hàng không nên tự thực hiện việc thu mẫu máu để xét nghiệm ADN tại nhà, bởi có thể làm bản thân và người làm xét nghiệm ADN bị thương, gây đau đớn hoặc hoảng sợ. Ngoài ra việc bảo quản mẫu máu sau thu cũng cần có chuyên môn nhất định để máu có thể xét nghiệm ADN được. Tốt nhất nên tới trực tiếp trung tâm xét nghiệm ADN hoặc đặt lịch để chuyên viên xét nghiệm ADN tới tận nhà trong trường hợp muốn thu mẫu máu thử ADN.
b. Cách lấy mẫu niêm mạc miệng (nước bọt) để xét nghiệm ADN
Sử dụng 2 – 3 tăm bông sạch đã được cắt bỏ một đầu. Tiếp theo, cầm vào đầu đã cắt bông lần lượt cho đầu bông còn lại vào thành má phía trong khoang miệng, xoay nhẹ và áp sát thành má hoặc quệt dọc khoảng 15 – 20 lần. Chu ý khi thu mẫu, không được chạm tay vào đầu tăm bông còn lại.
Lưu ý khi lấy mẫu niêm mạc miệng để xét nghiệm ADN
- Trước khi lấy nước bọt xét nghiệm ADN, có thể uống 1-2 ngụm nước lọc tráng miệng để mẫu nước bọt thu được lẫn ít tạp chất, vi khuẩn từ thức ăn trong khoang miệng.
- Mẫu ADN đã thu chỉ cần gói bằng giấy hoặc phong bì giấy để có độ thông khí tự nhiên, phần nước bọt sẽ bay hơi một cách tự nhiên, còn lại tế bào niêm mạc miệng sẽ bám lại ở đầu tăm bông là phần dùng tách ADN.
- Thời gian bảo quản: 7 ngày.
c. Cách lấy mẫu móng tay, chân để xét nghiệm ADN
Vệ sinh đầu bấm sạch sẽ, sau đó cắt khoảng 5 đến 7 mảnh móng (tay, chân) rồi gói lại. Lặp lại bước vệ sinh đầu bấm trước khi cắt móng tay, chân cho người tiếp theo.
Lưu ý khi lấy mẫu móng tay, chân để xét nghiệm ADN
- Thời gian bảo quản mẫu móng tay xét nghiệm ADN: từ vài tháng đến 1 năm
- Khi lấy mẫu móng tay, không cắt móng tay cùng lúc nhiều người. Nên cắt lần lượt từng người xong, vệ sinh đầu bấm sạch sẽ rồi mới cắt móng tay của người tiếp theo.
- Không nhặt móng tay rơi vì dễ bị lẫn những mẫu móng tay của nhiều người khác nhau.
- Đối với người già từ 60 tuổi trở lên, do mức độ sừng hóa của móng cao nên ưu tiên lấy các loại mẫu khác như máu, nước bọt hoặc nhổ gốc chân tóc.
d. Cách lấy mẫu tóc để xét nghiệm ADN
Dùng nhíp nhổ từ 5 – 7 sợi tóc có chân đặt lên một tờ giấy trắng sạch, rồi gói lại. Khi nhổ tóc cố gắng lấy trọn vẹn phần chân tóc phía dưới da đầu, bởi đây mới là phần chứa ADN để làm xét nghiệm.
Lưu ý khi lấy mẫu tóc để xét nghiệm ADN
- Tóc để xét nghiệm ADN bắt buộc phải là tóc nhổ trực tiếp và có gốc chân tóc. Tóc được cắt không có gốc chân, tóc tự rụng sẽ không tính là mẫu ADN đạt chuẩn. Xem thêm bài viết: Tóc cắt ngang có xét nghiệm ADN được không?
- Thời gian bảo quản mẫu tóc xét nghiệm ADN: từ vài tháng đến 1 năm
e. Cách lấy mẫu cuống rốn để xét nghiệm ADN
Thông thường, cuống rốn của trẻ sơ sinh rụng trong khoảng 1 – 2 tuần sau sinh. Cuống rốn rụng để khô tự nhiên sau đó gói lại bằng giấy học sinh hoặc giấy A4, viết thông tin của trẻ ở bên ngoài, sau đó bỏ vào một phong bì có thông tin hoặc ký hiệu tương ứng.
Lưu ý khi lấy mẫu cuống rốn để xét nghiệm ADN
- Mẫu cuống rốn để xét nghiệm ADN sẽ cần đảm bảo phần bên trong khi cắt ra phải còn lõi màu trắng, không bị quắt lại, không có nấm mốc. Nên lấy cả hoặc cắt khoảng >1cm cuống rốn khô, sạch, đã rụng.
- Thời gian bảo quản mẫu cuống rốn xét nghiệm ADN: từ vài tháng cho đến dưới 2 năm
f. Cách lấy các loại mẫu ADN đặc biệt
Hướng dẫn cách lấy các loại mẫu xét nghiệm ADN đặc biệt như sau:
- Mẫu bàn chải đã dùng được tối thiểu 2 tuần
- Mẫu dao cạo lưỡi lam (dao cạo bằng tay) đã dùng được tối thiểu 2 tuần, nên lấy cả bàn cạo và phần dao.
- Đầu lọc thuốc còn lại sau khi được sử dụng, chưa bị bẩn (giẫm dưới giày, vứt xuống đất)
- Bã kẹo cao su đã được nhai, chưa bị bẩn (giẫm dưới giày, vứt xuống đất)
- Với tinh dịch (trong bao cao su, khăn lau hoặc quần lót,…): Dùng 3-5 que tăm bông thấm vào trong tinh trùng.
Một số lưu ý với mẫu xét nghiệm ADN đặc biệt
– Nên cố gắng lấy số lượng mẫu càng nhiều càng tốt để đảm bảo đủ lượng ADN trong mẫu.
– Nên sử dụng loại dao cạo râu lưỡi lam thay vì máy cạo râu, bởi các loại máy cạo râu thường có rất ít tế bào da chết bám trên bề mặt, dẫn tới khả năng không đủ ADN để làm xét nghiệm.
3. Mẫu xét nghiệm ADN sau khi lấy được bảo quản thế nào?
Mẫu xét nghiệm ADN sau khi lấy cần để khô tự nhiên, gói vào giấy sạch (giấy ăn, giấy viết,….) hoặc phong bì, không để mẫu vào túi nilon hoặc túi zip, không chạm tay vào mẫu ADN (sử dụng găng tay y tế trong trường hợp cần chạm tay vào mẫu ADN).
a. Lý do không nên để mẫu xét nghiệm ADN vào trong túi nilon hoặc túi zip?
Khi đặt mẫu xét nghiệm ADN vào trong túi nilon hoặc túi zip sẽ dễ làm mẫu ADN bị đọng hơi nước, dẫn tới bị nhiễm ẩm, mốc, vi khuẩn bị yếm khí, làm biến đổi những thành phần ADN có trong mẫu. Mẫu ADN bị nhiễm hơi ẩm sẽ có thể không thực hiện xét nghiệm được. Do đó, khách hàng cần chú ý bảo quản mẫu xét nghiệm ADN đã thu vào giấy sạch ((giấy ăn, giấy viết,….) hoặc phong bì như đã hướng dẫn
b. Tại sao không nên chạm tay vào mẫu xét nghiệm ADN?
Trên ngón tay của người có lẫn nhiều tạp chất như mồ hôi, bụi bẩn, thậm chí có thể chứa cả những niêm mạc da chứa một lượng ADN nhất định. Trong trường hợp chạm tay vào mẫu xét nghiệm ADN đã thu, những thành phần tạp chất này sẽ làm cho mẫu ADN bị nhiễm bẩn, có thể bị trộn lẫn một phần của người khác ADN dẫn tới tình trạng lẫn lộn mẫu ADN.
Mẫu xét nghiệm ADN bị lẫn lộn ADN của người khác thì sẽ không thể xét nghiệm ADN được. Do đó để hạn chế tối đa rủi ro phải thu lại mẫu xét nghiệm ADN, khi thu mẫu ADN tại nhà cần chú ý không nên chạm tay vào mẫu xét nghiệm ADN.