Chú/bác trai với cháu trai (dòng cha) hoàn toàn có thể làm xét nghiệm ADN để biết quan hệ họ hàng được. Tuy nhiên, chú/bác trai lại không thể làm xét nghiệm với ADN với cháu gái để đưa ra kết luận về mối quan hệ họ hàng. Vậy tại sao lại có sự khác biệt này? Chi tiết thông tin giải đáp, mời bạn đọc tham khảo trong bài viết NOVAGEN chia sẻ ngay dưới đây!
Nội dung:
1. Xét nghiệm ADN chú/bác trai với cháu trai được không?
Thông thường, trong mỗi tế bào của cơ thể con người đều có một cặp nhiễm sắc thể giới tính. Ở nữ, cặp này bao gồm hai nhiễm sắc thể X, trong khi ở nam lại là một nhiễm sắc thể X kết hợp với một nhiễm sắc thể Y.
Nhiễm sắc thể Y chứa các gen quyết định giới tính nam và được truyền từ cha sang con trai với tỷ lệ đột biến rất thấp. Vì vậy, tất cả các nam giới trong dòng cha như ông nội, bác trai, chú trai, cha, con trai, cháu trai,… đều có chung một hệ gen trên nhiễm sắc thể Y.
Trong trường hợp này, xét nghiệm ADN chú/bác trai – cháu trai hoàn toàn có thể thực hiện được và xét nghiệm này sẽ được tiến hành thông qua việc phân tích 23 locus gen trên nhiễm sắc thể Y để đưa ra kết quả chính xác về mối quan hệ huyết thống.
2. Xét nghiệm ADN chú/bác trai với cháu gái được không?
Khác với cháu trai, cháu gái có giới tính nữ và giới tính nữ được xác định bởi cặp nhiễm sắc thể XX. Nhiễm sắc thể X của cháu gái sẽ được di truyền một phần từ cha và phần còn lại sẽ được nhận từ mẹ. Trong đó, nhiễm sắc thể X của người cha được truyền từ bà nội.
Tuy nhiên, vì bà nội có 2 nhiễm sắc thể giới tính X và không thể chắc chắn rằng đã truyền nhiễm sắc thể X nào cho các con của mình (cha, chú, bác trai, cô của cháu gái) nên không thể thực hiện xét nghiệm ADN chú/bác trai với cháu gái dựa trên việc phân tích nhiễm sắc thể X được.
3. Cháu gái có thể xét nghiệm ADN với những ai bên họ nội (dòng cha)?
Dựa vào nhiễm sắc thể X, có thể xét nghiệm ADN cháu gái với bà nội hoặc với chị/em gái ruột cùng cha cùng mẹ, chị/em gái cùng cha khác mẹ. Những xét nghiệm này thường được thực hiện khi không thu thập được mẫu xét nghiệm ADN của bố (không thể có mặt, qua đời hoặc không sẵn sàng để xét nghiệm ADN cha – con) để xác định quan hệ huyết thống cha – con.
4. Xét nghiệm ADN chú/bác trai với cháu trai được thực hiện như thế nào?
Để tiến hành xét nghiệm ADN giữa chú/bác trai và cháu trai, trước tiên, bạn cần tìm một trung tâm xét nghiệm ADN có uy tín để đảm bảo tính chính xác của kết quả và tính bảo mật thông tin. Tại trung tâm, các chuyên viên sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn và giới thiệu các gói dịch vụ xét nghiệm phù hợp với nhu cầu cũng như ngân sách của bạn.
Sau khi đã lựa chọn được gói dịch vụ xét nghiệm thích hợp, quy trình thu thập mẫu, làm thủ tục xét nghiệm ADN sẽ được tiến hành. Bạn có thể chọn một trong những phương thức sau:
- Tự thu mẫu tại nhà và gửi về trung tâm (chỉ áp dụng cho các xét nghiệm dân sự tự nguyện).
- Đăng ký dịch vụ thu mẫu tại nhà, trong đó các chuyên viên sẽ đến tận nơi thu mẫu (áp dụng cho cả xét nghiệm tự nguyện và pháp lý).
- Đến trực tiếp trung tâm xét nghiệm để thu mẫu tại chỗ (áp dụng cho cả xét nghiệm tự nguyện và pháp lý).
Các mẫu sinh phẩm có thể sử dụng trong xét nghiệm này bao gồm: mẫu máu, mẫu niêm mạc miệng, mẫu tóc có gốc chân tóc, mẫu móng tay, mẫu cuống rốn và một số mẫu xét nghiệm đặc biệt khác như dao cạo râu, bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá,… dùng trong trường hợp bí mật. Mặc dù tất cả các loại mẫu đều cho độ chính xác như nhau, nhưng mẫu máu và niêm mạc miệng thường được ưu tiên hơn vì có nồng độ ADN cao cũng như tách chiết, phân tích ADN dễ dàng.
Sau khi mẫu xét nghiệm ADN được thu thập, chúng sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm để tách chiết, phân tích thông tin di truyền. Xét nghiệm ADN chú/bác trai với cháu trai được thực hiện dựa trên việc so sánh 23 locus gen trên nhiễm sắc thể Y. Nếu hai người có quan hệ huyết thống, các locus gen này sẽ hoàn toàn trùng khớp. Nếu có sự khác biệt từ 3 locus gen trở lên, có thể kết luận rằng họ không có quan hệ huyết thống.
Như vậy, chú/bác trai với cháu trai hoàn toàn có thể làm xét nghiệm ADN để biết rõ quan hệ họ hàng được nhưng chú/bác trai với cháu gái lại không thể tiến hành làm xét nghiệm ADN được. Nếu vẫn muốn xét nghiệm ADN với cháu gái thì có thể thay thế bằng bà nội hoặc chị em gái cùng cha tiến hành phân tích các locus gen trên nhiễm sắc thể X để đưa ra kết luận về mối quan hệ huyết thống.