Tâm lý của hầu hết chị em phụ nữ khi mang thai đều nóng lòng, mong muốn biết sự phát triển của thai nhi nên đã siêu âm nhiều lần để theo dõi. Vậy siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không? Cùng NOVAGEN tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây.

Tầm quan trọng của việc siêu âm trong thai kỳ

Siêu âm thai nhi là một kỹ thuật hình ảnh sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của thai nhi trong tử cung, giúp bác sĩ đánh giá sự tăng trưởng và phát triển của em bé và theo dõi thai kỳ của mẹ bầu.

Ngày nay, với sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực y học, các phương pháp siêu âm thai ngày càng đa dạng, bao gồm những kỹ thuật như siêu âm đầu dò, siêu âm thành bụng, siêu âm Doppler màu, siêu âm tim thai, siêu âm 3D, và 4D….

Trong quá trình khám thai định kỳ hoặc khi có chỉ định cụ thể, siêu âm thai trở thành một phần quan trọng để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán về số tuần tuổi của thai, cũng như theo dõi vị trí và tình trạng phát triển của em bé. Khám siêu âm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá nguy cơ về các tình trạng dị tật bẩm sinh và kiểm tra các biến chứng có thể phát sinh trong thai kỳ. Điều này làm tăng tính chính xác và khả năng dự đoán, giúp bảo vệ sức khỏe của thai nhi và mang lại an tâm cho mẹ bầu và gia đình.

Siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Trên nhiều diễn đàn và hội nhóm chia sẻ về sức khỏe mẹ và bé, hiện nay không khó để bắt gặp những chia sẻ của các bà bầu xoay quanh việc thường xuyên thực hiện siêu âm trong suốt thời kỳ mang thai, một số thậm chí lên đến 10-15 lần và tự hào "khoe" bộ sưu tập phiếu siêu âm thai của mình.

Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào mang ý nghĩa lâm sàng về tác động tiêu cực hoặc gây dị tật của sóng siêu âm đối với thai nhi. Tuy nhiên, khi thai nhi mới được 1 – 2 tháng (hoặc dưới 10 tuần) thì khuyến cáo không nên lạm dụng siêu âm Doppler, không sử dụng nếu không cần thiết vì có tác dụng nhiệt, có thể ảnh hưởng đến thai nhi vì đây là thời điểm hình thành các cơ quan quan trọng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện siêu âm quá nhiều là không cần thiết và gây lãng phí về tài chính cho thai phụ. Hơn nữa, việc lạm dụng siêu âm trong thai kỳ có thể dẫn đến tâm lý bồn chồn, hồi hộp cho người mẹ trước mỗi lần kiểm tra sức khỏe. Bà bầu phải đi lại nhiều lần, có thể gặp rủi ro nhất là khi thai đã phát triển lớn.

Trong những trường hợp mà việc thực hiện siêu âm thai nhiều lần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, nhằm theo dõi sự phát triển của thai nhi hoặc theo dõi bất kỳ vấn đề nào có thể xuất hiện, đây là biện pháp cần thiết và an toàn. Việc tuân thủ chỉ định của chuyên gia sức khỏe trong trường hợp này giúp đảm bảo rằng mọi tình huống bất thường sẽ được phát hiện và giải quyết kịp thời, tăng cơ hội cho sự an toàn của cả mẹ và thai nhi.

Ngược lại, nếu sức khỏe của mẹ và bé đang ổn định và không có dấu hiệu bất thường, việc thực hiện siêu âm theo định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ là đủ, đặc biệt không nên bỏ qua các thời điểm "vàng" để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi, để được sự tư vấn từ bác sĩ và có kế hoạch quản lý thai nghén phù hợp. Việc lạm dụng siêu âm chỉ để muốn nhìn thấy thai nhi trong bụng có thể làm gia tăng rủi ro không cần thiết và tạo ra những lo lắng không đáng có cho người mẹ. Điều quan trọng là duy trì sự cân nhắc và chấp nhận sự hướng dẫn chính xác từ bác sĩ để đảm bảo một thai kỳ mang thai an toàn và khỏe mạnh.

4 thời điểm siêu âm quan trọng mẹ bầu không nên bỏ qua

Các giai đoạn quan trọng trong quá trình siêu âm thai nghén hiện nay được xác định ở 4 thời điểm chính: 8 tuần, 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Mỗi giai đoạn này mang đến thông tin quan trọng để chẩn đoán và đảm bảo sức khỏe của thai nhi từ khi còn trong bụng mẹ.

Tuần 6 - 10: Siêu âm thai từ tuần thứ 6 - 10 để xác định thai đã vào tử cung hay chưa, thai đơn hay thai đôi và thai có sự sống (tim thai) hay không.

Trong tuần thứ 12-14 của thai kỳ, việc thực hiện siêu âm giúp phát hiện các dị tật lớn như thoát vị rốn, khe hở thành bụng, hay các vấn đề về hệ thần kinh trung ương như thai vô sọ, não lộn ngoài. Đặc biệt, đo khoảng sáng sau gáy kết hợp với Double test làm tăng khả năng sàng lọc một số hội chứng rối loạn di truyền như Hội chứng Down, Hội chứng Edwards, Hội chứng Patau,...

Giai đoạn 21-24 tuần là thời điểm siêu âm hữu ích nhất để phát hiện bất thường về hình thái thai nhi, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tim bẩm sinh. Còn 28-32 tuần, lúc thai phát triển trong tử cung, là cơ hội để đánh giá sự phát triển và kiểm tra một số bất thường khác.

Việc nắm vững thông tin từ siêu âm thai nghén giúp mẹ bầu yên tâm hơn trong quá trình mang thai. Sự quan tâm đặc biệt vào các giai đoạn quan trọng này sẽ đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và thai nhi, đồng thời là cơ hội để chuẩn bị tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của em bé từ khi mới hình thành phôi thai cho đến khi bước vào giai đoạn chuyển dạ.

Hy vọng qua bài viết sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi: “Siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi không?” Tóm lại, việc đi siêu âm định kỳ là cần thiết và quan trọng nhưng không nên lạm dụng, đi siêu âm thai quá nhiều để phòng ngừa tối đa các vấn đề có thể ảnh hưởng.