Xét nghiệm NIPT là xét nghiệm sàng lọc, tức là kết quả xét nghiệm NIPT chỉ kết luận về nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai nhi (nguy cơ cao/nguy cơ thấp). Xét nghiệm NIPT KHÔNG đưa ra kết luận một cách chắc chắn rằng liệu thai nhi có dị tật bẩm sinh hay không, tức là không dùng để chẩn đoán thai nhi. Vì sao xét nghiệm NIPT không phải là xét nghiệm chẩn đoán? Muốn chẩn đoán thai nhi cần dùng xét nghiệm gì?
Nội dung:
I. Xét nghiệm NIPT là gì?
NIPT (Non-Invasive prenatal testing) là xét nghiệm trước sinh không xâm lấn, dùng để sàng lọc và đánh giá nguy cơ thai nhi mắc các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể cũng như các một số bệnh di truyền trên gen gây dị tật bẩm sinh.
Sở dĩ NIPT được gọi là xét nghiệm không xâm lấn là bởi, xét nghiệm này không tác động đến môi trường an toàn của mẹ và bé bao gồm tử cung, buồng ối hay nhau thai. Xét nghiệm NIPT chỉ sử dụng 7-10ml máu tĩnh mạch cánh tay của người mẹ, tương tự như các xét nghiệm máu thông thường.
Cơ sở khoa học của xét nghiệm NIPT đó là: Trong quá trình mang thai, máu của sản phụ chứa các mảnh ADN tự do (cff-ADN) của thai nhi. Từ những mảnh ADN tự do này, chuyên viên xét nghiệm tiến hành thu thập và tổng hợp, sau đó phân tích và đánh giá nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể của thai nhi.
II. Vì sao xét nghiệm NIPT không phải là xét nghiệm chẩn đoán?
Xét nghiệm NIPT chỉ đưa ra kết luận về nguy cơ gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi mà không kết luận (chẩn đoán) chính xác thai nhi có hay không mắc dị tật bẩm sinh bởi những lý do sau đây:
- Các mảnh ADN tự do của thai nhi trong máu của sản phụ xuất phát từ nhau thai mà không phải trực tiếp từ thai nhi. Do đó, trong các trường hợp khảm bánh nhau hoặc có kết quả trái ngược giữa nhau thai và tế bào thai nhi, kết quả xét nghiệm NIPT sẽ không chẩn đoán chính xác tình trạng thực sự của thai nhi.
- Song thai tiêu biến: Tế bào nhau thai của thai nhi đã tiêu biến vẫn còn phóng thích cf-ADN tự do vào trong máu mẹ khi làm xét nghiệm NIPT.
- Thai phụ mang thể khảm, mới thực hiện truyền máu hoặc mắc các bệnh lý ác tính.
1. ADN tự do của thai nhi xuất phát từ tế bào nhau thai, không phải tế bào của thai nhi
Xét nghiệm NIPT có độ nhạy và độ đặc hiệu cao song vẫn không được coi là xét nghiệm chẩn đoán thai nhi. Lý do là bởi: Xét nghiệm NIPT sử dụng ADN tự do của thai nhi xuất phát từ các tế bào nhau thai, chứ không phải tế bào của chính thai nhi. Những tế bào nhau thai này được phóng thích vào dòng máu của người mẹ sau quá trình chết tế bào theo chu trình (apoptosis).
Như vậy, NIPT sẽ chỉ đánh giá sự bất thường số lượng nhiễm sắc thể trên các tế bào nhau thai này chứ không phải trực tiếp thai nhi. Nên khi giữa thai nhi và tế bào nhau thai có sự khác biệt về bộ vật chất di truyền giữa thai nhi và nhau thai, thì kết quả NIPT sẽ có độ sai lệch và gây nên âm tính giả hoặc dương tính giả.
Vậy khi nào có sự khác biệt giữa tế bào thai nhi và tế bào nhau thai? Đó là khi gặp phải thể khảm bánh nhau (CPM – confined placental mosaicism) với 2 trường hợp:
- Khảm bánh nhau gây dương tính giả khi làm NIPT: Khảm bánh nhau thường gây ra kết quả dương tính giả cho NIPT, hay gặp nhất ở đơn nhiễm sắc thể X và trisomy 13 (hội chứng Patau). Còn với trisomy 18 (hội chứng Edwards) hay trisomy 21 (hội chứng Down) thì tỷ lệ NIPT dương tính giả thấp hơn đáng kể.
- Khảm bánh nhau gây âm tính giả khi làm NIPT: Tỷ lệ âm tính giả của xét nghiệm sàng lọc tiền sinh vào khoảng 0.01% tức là rất thấp, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra.
2. Thai phụ xuất hiện song thai tiêu biến (Vanishing Twins)
Song thai tiêu biến là gì? Song thai tiêu biến là trường hợp mang thai đôi nhưng có 1 thai tiêu biến ngay trong giai đoạn sớm của thai kỳ (thậm chí bác sĩ cũng không thể nhận diện được thai thứ 2), hoặc có 1 thai chết lưu.
NIPT dương tính giả có thể xảy ra với thai phụ có song thai tiêu biến. Lý do là bởi: ADN tự do từ tế bào nhau thai của thai nhi tiêu biến hoặc thai chết lưu vẫn còn trong máu mẹ tại thời điểm xét nghiệm NIPT.
Và như vậy, mẫu máu NIPT từ mẹ có cả ADN tự do của 2 thai nhi, trong đó ADN thai nhi tiêu biến có nguy cơ cao xuất hiện các bất thường nhiễm sắc thể, dẫn tới việc xét nghiệm NIPT không chính xác.
Ngay cả khi thai nhi chỉ tồn tại trong 1 khoảng thời gian vô cùng ngắn và tiêu biến đi, thì ADN tự do của song thai tiêu biến vẫn tồn tại trong nhiều tuần sau khi thai nhi bị tiêu biến. Tuổi thai lúc tiêu biến càng lớn thì thời gian ADN tự do còn xuất hiện trong máu mẹ càng kéo dài.
3. Thai phụ mang thể khảm, mới truyền máu hoặc mắc bệnh lý ác tính làm ảnh hưởng kết quả NIPT
Với thai phụ mang thể khảm có thể làm sai lệch kết quả NIPT. Thường gặp nhất là thai phụ có là khảm đơn NST X dẫn tới thai nhi dương tính giả với đơn NST X.
Ngoài ra, trong một số trường hợp mẹ mới truyền máu hoặc mắc các bệnh lý ác tính (ví dụ ung thư hay các bệnh miễn dịch, bệnh tự miễn) cũng có thể gây ra sai lệch kết quả NIPT. Bác sĩ khuyến cáo thai phụ không nên làm NIPT trong vòng 6 tháng sau khi truyền máu.
Kết luận: Như vậy xét nghiệm NIPT là một xét nghiệm sàng lọc thai nhi có với độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao (đặc biệt với tam nhiễm sắc thể 21, 18 và 13). Tuy nhiên không thể sử dụng kết quả NIPT như một yếu tố duy nhất để đưa ra các quyết định đối với thai kỳ. Ngoài ra NIPT chỉ khảo sát mức độ số lượng nhiễm sắc thể. Vì thể để sàng lọc toàn bộ thai kỳ cần kết hợp với lâm sàng và các xét nghiệm khác cũng như tư vấn kết quả xét nghiệm với bác sỹ sản khoa và bác sỹ di truyền.
Tham khảo: Xét Nghiệm Karyotype Cho Ra Dạng Thể Khảm 45,X ; 46, XY
III. Muốn chẩn đoán thai nhi dùng xét nghiệm gì?
Để có thể chẩn đoán thai nhi, các bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng phương pháp siêu âm hình thái, chọc ối, sinh thiết gai nhau và lấy mẫu lông nhung màng đệm (CVS)
1. Siêu âm thai nhi tại các mốc quan trọng
Siêu âm là việc tạo hình ảnh của thai nhi trong tử cung mẹ bằng sóng siêu âm. Siêu âm thường được thực hiện ở mốc từ 6 đến 8 tuần cho tới cuối thai kỳ.
Siêu âm dùng để kiểm tra sự phát triển của thai nhi và phát hiện các bất thường về hình thái. Bao gồm một số các vấn đề như sau: đo độ mờ da gáy, đo độ dài xương đùi, kiểm tra hình thái thai nhi: thiểu sản xương mũi, sứt môi hở hàm, thừa thiếu ngón tay/chân, bất thường các cơ quan như tim, thận, phổi,… Tham khảo: Siêu Âm Phát Hiện Được Những Dị Tật Thai Nhi Nào?
Các mốc siêu âm quan trọng bao gồm:
- Siêu âm thai từ 4-8 TUẦN. …
- Siêu âm thai 12 tuần – 13 tuần 6 ngày: Đo độ mờ da gáy
- Siêu âm thai 20 tuần – 24 tuần: Siêu âm hình thái
- Siêu âm thai 30- 32 tuần: Đánh giá sự tăng trưởng của thai
Rủi ro của siêu âm: Rất an toàn, không gây rủi ro cho mẹ hoặc thai nhi.
2. Chọc ối (Amniocentesis)
Chọc ối là việc dùng một kim mỏng chuyên dụng chọc xuyên qua bụng mẹ để lấy mẫu nước ối trong buồng ối mẹ, sau đó thực hiện phân tích để phát hiện các rối loạn di truyền của thai nhi. Chọc ối được thực hiện ở tuần 15-20 của thai kỳ.
Rủi ro của chọc ối: Khoảng 1/300 đến 1/500 nhiễm trùng ối, rò rỉ ối, sảy thai
3. Sinh thiết gai nhau hoặc Lấy mẫu lông nhung màng đệm (CVS)
Sinh thiết gai nhau, sinh thiết lông nhung màng đệm,.. đều là tên gọi của 1 phương pháp xét nghiệm chẩn đoán thai nhi xâm lấn. Trong đó bác sĩ lấy mẫu tế bào từ nhau thai qua bụng hoặc âm đạo để đem đi xét nghiệm, từ đó phát hiện các rối loạn di truyền của thai nhi
Sinh thiết gai nhau hoặc Lấy mẫu lông nhung màng đệm thường được thực hiện từ tuần 10 đến 13 của thai kỳ.
Rủi ro: Có một số rủi ro tương tự như chọc ối, bao gồm nguy cơ sảy thai.