“Bầu mấy tuần thì có thể chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi?” là câu hỏi được rất nhiều mẹ bầu muốn thực hiện xét nghiệm này quan tâm và muốn được giải đáp một cách cụ thể.
Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi là thủ thuật ý khoa được khuyến cáo thực hiện từ sau tuần thứ 15 đến tuần thứ 22 của thai kỳ để giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ra rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Chi tiết mời bạn đọc tham khảo chi tiết trong bài viết được NOVAGEN chia sẻ ngay sau đây!
Nội dung:
1. Chọc ối là gì? Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi được thực hiện trên cơ sở nào?
Chọc ối là một thủ thuật y khoa được thực hiện để lấy mẫu dịch ối của thai, Dịch ối được lấy bằng cách sử dụng một kim nhỏ xuyên qua thành bụng và cơ tử cung của thai phụ để vào buồng ối. Mẫu dịch ối sau khi thu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để tiến hành xét nghiệm ADN, xác định quan hệ huyết thống giữa thai nhi và người cha giả định.
Vậy tại sao lại có thể dùng mẫu dịch ối để thực hiện xét nghiệm ADN thai nhi? Sở dĩ, xét nghiệm ADN thai nhi bằng phương pháp chọc ối được thực hiện là vì:
- Bộ gen người là bộ hoàn chỉnh các trình tự axit nucleic được mã hóa dưới dạng ADN bên trong 23 cặp nhiễm sắc thể gồm 1 cặp NST giới tính và 22 cặp NST thường.
- Các gen trên ADN trong các cặp NST này sẽ quyết định các tính trạng của cơ thể và được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó, con sẽ luôn được thừa hưởng các đặc tính di truyền thông qua 23 NST nhận từ bố (tinh trùng) và 23 NST nhận từ mẹ (trứng).
- Nước ối là một môi trường giàu dưỡng chất, có vai trò quan trọng trong việc tái tạo và trao đổi chất, đảm bảo sự sống và phát triển của thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Từ ngày thứ 12 sau quá trình thụ tinh, nước ối bắt đầu xuất hiện và được hình thành từ thai nhi, màng ối và máu mẹ.
- Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, da thai nhi đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo nước ối, và từ tuần thứ 15 trở đi, quá trình tái hấp thụ nước ối chủ yếu diễn ra qua hệ tiêu hóa của thai nhi. Ngoài ra, nước ối còn được tái hấp thu thông qua màng ối, dây rốn, da thai nhi.
- Trong suốt quá trình phát triển trong nước ối, một số tế bào từ thai nhi sẽ được trộn lẫn vào dịch nước ối. Khi các tế bào này chết đi, chúng sẽ phân rã và giải phóng các đoạn ADN vào môi trường nước ối. Điều này cho phép xét nghiệm ADN huyết thống trước khi sinh được thực hiện thông qua việc thu thập mẫu dịch ối để phân tích ADN của thai nhi.
2. Bầu mấy tuần thì có thể chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi? Thời điểm để chọc ối
Thời điểm thích hợp để chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi là từ tuần thứ 15 đến tuần thứ 22 của thai kỳ. Vì đây là thời điểm có tỷ lệ lấy thành công nước ối cao nhất và tỷ lệ gặp phải biến chứng cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi thấp nhất. Ngoài ra, khoảng thời gian này cũng là khoảng thời gian mà nồng độ ADN trong mẫu dịch ối đủ để tiến hành làm xét nghiệm ADN thai nhi.
3. Chọc ối được thực hiện như thế nào? Cần lưu ý gì sau khi chọc ối
3.1. Quy trình thực hiện chọc ối
Trước khi tiến hành chọc ối, mẹ bầu cần được siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra tình trạng sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi, nhằm đánh giá xem có đủ điều kiện để thực hiện thủ thuật này hay không.
Khi chọc ối, mẹ bầu sẽ nằm theo tư thế được bác sĩ hướng dẫn. Bác sĩ sau đó sẽ tiến hành siêu âm để xác định chính xác vị trí của thai nhi cũng như tình trạng của nhau thai.
Dựa trên hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ xác định vị trí an toàn nhất để thực hiện chọc ối nhằm bảo đảm an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Tiếp theo, khu vực bụng của mẹ sẽ được làm sạch bằng dung dịch khử trùng rồi mới bắt đầu tiêm thuốc tê tại chỗ qua da.
Bác sĩ sẽ sử dụng một kim tiêm mỏng và dài, chọc vào vị trí đã được khử trùng trước đó để lấy ra khoảng 15 – 30ml nước ối. Quá trình lấy nước ối chỉ kéo dài khoảng 30 giây.
Sau khi mẫu nước ối được thu thập, nó sẽ được bảo quản trong ống vô trùng và đậy kín nắp để đảm bảo an toàn, không bị rò rỉ. Mẫu này sẽ được chuyển ngay lập tức đến phòng thí nghiệm, cùng với mẫu ADN của người cha giả định để tiến hành thực hiện xét nghiệm ADN thai nhi.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lại tình trạng của thai nhi qua siêu âm nhằm đảm bảo rằng không xảy ra ảnh hưởng sau thủ thuật chọc ối.
3.2. Lưu ý sau khi chọc ối mà mẹ bầu cần nắm rõ
Một số trường hợp mẹ bầu sẽ cảm thấy hơi đau nhói lúc chọc ối và có cảm giác khó chịu ở vùng bụng sau khi chọc vài giờ. Ngoài ra, chọc ối cũng có khả năng gây rò rỉ ối, vỡ ối, nhiễm trùng, sảy thai, thai lưu,… Chính vì vậy, mẹ bầu cần nắm rõ các lưu ý sau để giảm thiểu tối đa tình trạng gặp phải rủi ro. Cụ thể:
- Để giảm thiểu rủi ro sau khi thực hiện chọc ối, mẹ bầu thường được bác sĩ kê đơn các loại thuốc phòng ngừa sảy thai. Tuy nhiên, mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý mua hoặc sử dụng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
- Trước – trong – sau khi chọc ối, mẹ bầu cần giữ tâm lý thoải mái và không nên lo lắng quá mức. Việc căng thẳng có thể ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và thai nhi.
- Sau khi hoàn tất thủ thuật, mẹ bầu cần nghỉ ngơi, không làm nặng và tránh các tác động đến vùng bụng dưới như việc mang vác đồ nặng, leo nhiều tầng cầu thang,… Hơn nữa, không nên xoa bụng để tránh kích thích dọa sảy thai.
- Mẹ bầu cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường trên cơ thể. Nếu xuất hiện các triệu chứng như chảy máu âm đạo, rỉ nước ối, đau tức bụng dưới, sốt,… thì mẹ bầu nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Sau khi chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi bị đau bụng cần làm gì?
- Tại sao thai to thì không chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi được?
4. Kết luận
Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi là phương pháp kiểm tra mối quan hệ huyết thống trước sinh giữa người cha giả định và thai nhi được thực hiện từ tuần thai thứ 15 đến tuần thai thứ 22. Tuy nhiên, đây là một phương pháp xâm lấn, tác động đến môi trường an toàn của thai nhi nên có nguy cơ xảy ra các rủi ro như rò rỉ ối, vỡ ối, nhiễm trùng, sảy thai, thai lưu,… và mẹ bầu phải cân nhắc kỹ lưỡng, thăm khám sức khỏe cẩn thận trước khi thực hiện xét nghiệm này. Trong trường hợp có thể, vẫn nên ưu tiên thực hiện các xét nghiệm ADN thai nhi không xâm lấn hơn để đảm bảo an toàn tuyệt đối.