Cứ 15.000 trẻ sơ sinh thì có một trường hợp mắc hội chứng Angelman. Mặc dù hiếm gặp, nhưng hội chứng này lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người mắc phải và gia đình của họ. Vậy Angelman Syndrome là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao? Mời bạn đọc tham khảo chi tiết trong bài viết dưới đây!
Nội dung:
1. Hội chứng Angelman là gì? Lịch sử của Angelman Syndrome
Hội chứng Angelman (Angelman Syndrome, viết tắt AS) là một rối loạn di truyền hiếm gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và xảy ra ở 1/15.000 ca sinh sống (500.000 người trên toàn thế giới).
Hội chứng Angelman lần đầu tiên được phát hiện bởi Tiến sĩ Harry Angelman, một bác sĩ người Anh tại Bệnh viện đa khoa Warrington. Tiến sĩ Angelman đã quan sát ba đứa trẻ không có quan hệ họ hàng nhưng có các triệu chứng tương tự như chậm phát triển trí tuệ nghiêm trọng, dáng đi cứng nhắc, khập khiễng, không nói được, co giật, rối loạn vận động và có thái độ vui vẻ. Tuy nhiên, ông vẫn không thể đưa ra bằng chứng khoa học rằng cả ba đứa trẻ này đều có cùng một khuyết tật.
Khi đi nghỉ ở Ý, ông đã tình cờ nhìn thấy một bức tranh sơn dầu có tên là A Boy With A Puppet của họa sĩ thời Phục hưng Giovanni Francesco Caroto tại bảo tàng Castelvecchio ở Verona. Khuôn mặt cười của cậu bé trong bức tranh cùng những biểu hiện chuyển động giật cục của ba đứa trẻ mà ông đã quan sát kiến ông nảy ra ý định viết một bài báo về ba đứa trẻ này với tiêu đề là “Puppet Children – Những đứa trẻ con rối”. Bài báo được xuất bản vào năm 1965 và sau một số sự quan tâm ban đầu thì gần như bị lãng quên cho đến đầu những năm tám mươi.
Mãi đến năm 1982, Tiến sĩ Charles Williams và Tiến sĩ Jaime Frias thuộc khoa Nhi, Phân khoa Di truyền học, Đại học Y khoa Florida, Gainesville mới khám cho những bệnh nhân đầu tiên mà họ tin rằng mắc “Hội chứng con rối vui vẻ” (nay được gọi là hội chứng Angelman) dựa trên những quan sát trước đây của Tiến sĩ Angelman.
Rõ ràng là tình trạng này phổ biến hơn so với suy nghĩ trước đây và Tiến sĩ Williams cùng Tiến sĩ Frias đã đề xuất đổi tên rối loạn này thành hội chứng Angelman để vinh danh những phát hiện ban đầu của Tiến sĩ Harry Angelman vào năm 1965.
Dấu hiệu di truyền của hội chứng này cuối cùng đã được xác định vào năm 1982. Vào ngày 2 tháng 1 năm 1987, Ellen Magenis, bác sĩ tại Trung tâm Khoa học Y tế Oregon, đã phát hiện ra một “dấu hiệu” di truyền của AS – một mã di truyền bị thiếu trên một phần nhỏ của nhiễm sắc thể số 15.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng Angelman
Nhiều đặc điểm đặc trưng của hội chứng Angelman là kết quả của việc mất chức năng của một gen có tên là UBE3A . Mỗi người thường thừa hưởng một bản sao của gen UBE3A từ mỗi cha mẹ của mình. Cả hai bản sao của gen này đều được bật (hoạt động) trong hầu hết các mô của cơ thể. Tuy nhiên, trong các tế bào thần kinh (nơ-ron) trong não và tủy sống (hệ thần kinh trung ương), chỉ có bản sao được thừa hưởng từ mẹ của một người (bản sao của mẹ) là hoạt động. Sự kích hoạt gen đặc hiệu của cha mẹ này là do hiện tượng in dấu bộ gen. Nếu bản sao của gen UBE3A từ mẹ bị mất do thay đổi nhiễm sắc thể hoặc biến thể gen (còn gọi là đột biến) thì một người sẽ không có bản sao hoạt động của gen ở hầu hết các phần của não.
Một số cơ chế di truyền khác nhau có thể vô hiệu hóa hoặc xóa bản sao gen UBE3A của mẹ. Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Angelman (khoảng 70%) xảy ra khi một đoạn nhiễm sắc thể 15 của mẹ chứa gen này bị xóa. Trong các trường hợp khác (khoảng 10 – 20%), hội chứng Angelman là do một biến thể trong bản sao gen UBE3A của mẹ .
Trong một tỷ lệ nhỏ các trường hợp, hội chứng Angelman xảy ra khi một người thừa hưởng hai bản sao nhiễm sắc thể 15 từ cha mình (bản sao của cha) thay vì một bản sao từ mỗi cha mẹ. Hiện tượng này được gọi là dị nhiễm sắc thể đơn bội của cha. Hiếm hơn, hội chứng Angelman cũng có thể xảy ra do sự sắp xếp lại nhiễm sắc thể được gọi là chuyển đoạn, hoặc do một biến thể hoặc khiếm khuyết khác trong vùng ADN kiểm soát sự hoạt hóa của gen UBE3A . Những thay đổi di truyền này có thể tắt (bất hoạt) UBE3A hoặc các gen khác trên bản sao nhiễm sắc thể 15 của mẹ một cách bất thường.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Angelman không rõ ở 10 – 15% những người bị ảnh hưởng. Những thay đổi liên quan đến các gen hoặc nhiễm sắc thể khác có thể là nguyên nhân gây ra rối loạn trong những trường hợp này.
Một số người mắc hội chứng Angelman còn có thể bị mất một gen gọi là OCA2 có liên quan đến tóc sáng màu và da trắng. Gen OCA2 nằm trên đoạn nhiễm sắc thể 15 thường bị xóa ở những người mắc chứng rối loạn này. Tuy nhiên, việc mất gen OCA2 không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng khác của hội chứng Angelman. Protein được sản xuất từ gen này giúp xác định màu sắc (sắc tố) của da, tóc và mắt.
3. Các triệu chứng của hội chứng Angelman
Ở hầu hết trẻ em được chẩn đoán mắc AS (hội chứng Angelman) thì đều có những triệu chứng sau:
Chậm phát triển: Những chậm phát triển này có thể khác nhau tùy từng cá nhân, nhưng chậm phát triển thường gặp là:
- Trẻ sơ sinh (0-24 tháng): Không có khả năng tự đỡ đầu, tự kéo mình lên để đứng và chậm các kỹ năng vận động như bò, gặp khó khăn trong việc ăn uống như bú sữa hoặc nuốt thức ăn.
- Trẻ nhỏ: Chậm biết đi và dáng đi không ổn định hoặc gặp các vấn đề về thăng bằng.
Co giật: Thường bắt đầu xảy ra trong độ tuổi từ 18 tháng đến 3 tuổi.
Thái độ vui vẻ: Thường xuyên cười, mỉm cười và dễ bị kích động.
Các vấn đề về giấc ngủ: Chu kỳ ngủ – thức bất thường và nhu cầu ngủ giảm.
Thiếu khả năng nói: Trẻ sơ sinh biểu hiện thiếu khả năng bi bô hoặc không bi bô; trẻ nhỏ thường sử dụng các phương pháp giao tiếp phi ngôn ngữ vì lời nói đàm thoại không có hoặc chỉ giới hạn ở rất ít từ.
4. Kiểm tra và chẩn đoán Angelman Syndrome
Do AS có nhiều triệu chứng giống với các rối loạn khác (chậm phát triển, vấn đề về vận động và thiếu khả năng bập bẹ, bi bô hoặc nói) nên có tới 50% cá nhân mắc hội chứng Angelman ban đầu được chẩn đoán sai. Việc chẩn đoán muộn hoặc chẩn đoán sai có thể khiến cá nhân mất cơ hội tham gia các chương trình can thiệp sớm, nhận được các nguồn lực hỗ trợ để thay đổi cuộc sống.
Để chẩn đoán mắc hội chứng Angelman, các bác sĩ sẽ thực hiện kết hợp các xét nghiệm di truyền có thể bao gồm những xét nghiệm sau:
- Phân tích nhiễm sắc thể để kiểm tra kích thước, hình dạng và số lượng nhiễm sắc thể trong một tế bào;
- Lai huỳnh quang tại chỗ (FISH) để xem có nhiễm sắc thể nào bị thiếu không;
- Xét nghiệm methyl hóa ADN để xem cả hai bản sao của gen — một từ mẹ và một từ cha — có hoạt động hay không;
- Giải trình tự của ubiquitin-protein ligase E3A (UBE3A):Tìm kiếm đột biến trong đột biến gen này từ mẹ, đây là nguyên nhân hiếm gặp gây ra hội chứng Angelman.
5. Biện pháp điều trị cho người mắc AS
Hiện tại vẫn chưa có cách chữa khỏi hội chứng Angelman. Việc điều trị bao gồm kiểm soát các triệu chứng của tình trạng này. Tuy nhiên, không có liệu pháp điều trị cụ thể nào cho AS và thay vào đó, các bác sĩ sẽ tập trung điều trị vào các triệu chứng cụ thể mà mỗi trẻ mắc hội chứng Angelman có. Chẩn đoán và điều trị sớm là chìa khóa giúp trẻ mắc hội chứng Angelman duy trì chất lượng cuộc sống cao nhất có thể.
Tùy vào từng triệu chứng mà các biện pháp can thiệp, điều trị có thể gồm:
- Sử dụng thuốc chống co giật dành cho những người bị co giật.
- Vật lý trị liệu giúp cải thiện tư thế, thăng bằng và các vấn đề về đi lại, đồng thời ngăn ngừa cứng khớp.
- Sử dụng nẹp mắt cá chân hoặc bàn chân để hỗ trợ việc đi lại.
- Tuân thủ nghiêm ngặt thói quen đi ngủ để giúp điều trị chứng rối loạn giấc ngủ.
- Liệu pháp thay đổi hành vi giúp thay đổi những hành vi không mong muốn.
- Các phương tiện hỗ trợ và liệu pháp giao tiếp như ngôn ngữ ký hiệu, cử chỉ và sử dụng các thiết bị giao tiếp máy tính đặc biệt để cải thiện khả năng học tập, giao tiếp xã hội.
Tham khảo: