Theo Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có hơn 41.000 trẻ dị tật bẩm sinh chào đời, trong đó có tới 80% số trẻ em mắc rối loạn di truyền được sinh ra bởi cha mẹ hoàn toàn khỏe mạnh. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho biết, có nhiều trường hợp cha mẹ khỏe mạnh nhưng bản thân lại mang các gen đột biến trong cơ thể ở trạng thái dị hợp tử và tỷ lệ con sinh ra mắc bệnh di truyền gen lặn là 25%.
Vậy gen lặn là gì? Di truyền gen lặn cho con cái có tốt không? Tham khảo bài viết NOVAGEN chia sẻ sau đây để tìm hiểu chi tiết vấn đề này và biết thêm một số bệnh gen lặn nguy hiểm cùng nguyên nhân, biểu hiện của chúng!
Nội dung:
- 1 1. Gen lặn là gì? Di truyền gen lặn cho con cái có tốt không?
- 2 2. Một số bệnh di truyền gen lặn nguy hiểm mà bạn cần biết
- 2.1 2.1. Bệnh thiếu men G6PD – Bệnh di truyền gen lặn
- 2.2 2.2. Bệnh phenylketone niệu
- 2.3 2.3. Vàng da ứ mật do thiếu men Citrin
- 2.4 2.4. Bệnh di truyền gen lặn – Rối loạn chuyển hóa đường Galactose
- 2.5 2.5. Rối loạn phát triển giới tính nam do thiếu men 5-alpha reductase
- 2.6 2.6. Bệnh Pompe (rối loạn dự trữ Glycogen loại 2)
- 2.7 2.7. Bệnh di truyền gen lặn tan máu bẩm sinh Thalassemia
1. Gen lặn là gì? Di truyền gen lặn cho con cái có tốt không?
Gen lặn là một loại gen mà tác động của nó chỉ biểu hiện khi nó tồn tại ở dạng đồng hợp tử, tức là khi cả hai alen của một gen đều là alen lặn. Trong trường hợp alen lặn kết hợp với alen trội, đặc điểm mà alen lặn quy định sẽ không biểu hiện ra ngoài, mà chỉ có đặc điểm do alen trội quyết định xuất hiện.
Ngoài việc hiểu rõ về gen lặn, nhiều người cũng lo ngại liệu việc mang gen lặn hoặc truyền gen lặn cho con có gây ra tác động tiêu cực hay không.
Trong hầu hết các trường hợp, di truyền gen lặn có thể gây hại cho sức khỏe con người. Mặc dù bố mẹ không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu bệnh tật nào liên quan đến gen lặn, nhưng họ có thể là người mang gen lặn ở dạng dị hợp tử, tức là vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Nếu cả hai đều mang cùng một loại gen lặn gây bệnh, con cái của họ có khả năng 25% sẽ mắc bệnh do di truyền từ cả bố lẫn mẹ.
Hiện nay, nhiều bệnh di truyền gen lặn trở nên phổ biến, đặc biệt là ở người châu Á. Một số bệnh phổ biến do gen lặn bao gồm Thalassemia (tan máu bẩm sinh), thiếu hụt men G6PD, rối loạn chuyển hóa đường galactose,… Những bệnh di truyền này không chỉ gây ra nhiều khó khăn cho người mắc mà còn làm tăng nguy cơ phát sinh các bệnh nguy hiểm khác, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nói tóm lại, việc di truyền gen lặn thường không có lợi, ngược lại còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe.
2. Một số bệnh di truyền gen lặn nguy hiểm mà bạn cần biết
Khi người mang gen lặn ở dạng dị hợp tử kết hôn với người mắc bệnh di truyền gen lặn hoặc một người cũng mang gen lặn đó thì nguy cơ con cái của họ sinh ra mắc các bệnh di truyền gen lặn sẽ tăng cao. Dưới đây là một số bệnh di truyền gen lặn nguy hiểm cần biết:
2.1. Bệnh thiếu men G6PD – Bệnh di truyền gen lặn
Thiếu men G6PD là bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể X và nguyên nhân gây ra là do người mắc bệnh nhận được gen lặn bất thường trên nhiễm sắc thể giới tính từ bố và mẹ. Sự thiếu hụt men G6PD được xác định là do đột biến gen G6PD tại điểm Xq18 và tại đây có hơn 140 loại đột biến dẫn đến sự thiếu hụt men G6PD.
Thiếu hụt men sẽ dẫn đến việc hồng cầu bị dễ vỡ và gây ra tình trạng tán huyết, tán huyết kéo dài sẽ dẫn đến việc thiếu máu. Hồng cầu vỡ sẽ phóng thích vào trong máu chất bilirubin tự do và gây ra tình trạng vàng da, vàng mắt, ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ.
2.2. Bệnh phenylketone niệu
Phenylketone niệu là một bệnh di truyền hiếm gặp, gây rối loạn chuyển hóa một loại axit amin thiết yếu gọi là phenylalanine. Bệnh này xảy ra do cơ thể thiếu một loại enzyme quan trọng có tên là phenylalanine hydroxylase (PAH). Enzyme này có nhiệm vụ chuyển hóa phenylalanine thành tyrosine – tiền chất quan trọng để sản xuất serotonin, catecholoamine dẫn truyền thần kinh, melanin và hormon tuyến giáp.
Bệnh nếu được phát hiện, can thiệp điều trị sớm ngay sau khi sinh ra thì sẽ không xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu để bệnh kéo dài không được điều trị thì có thể sẽ dẫn tới các biến chứng ảnh hưởng đến sự phát triển của trí tuệ, hệ thần kinh, thể chất.
2.3. Vàng da ứ mật do thiếu men Citrin
Vàng da ứ mật do thiếu men Citrin hay Citrullinemia loại II là bệnh di truyền gây ra do đột biến gen SLC25A13 nằm trên nhiễm sắc thể số 7. Đây là bệnh có liên quan đến quá trình chuyển hóa ure, tác động đáng kể đến quá trình tổng hợp protein, tổng hợp nucleotit, tái tạo glucose và thường có các biểu hiện như sau:
- Trẻ sơ sinh: Da và mắt bị vàng, thường bị nhẹ cân khi sinh, chậm tăng trưởng. Ngoài ra, còn có hiện tượng ứ mật thoáng qua trong gan, xơ gan, rối loạn chức năng gan, gan to, gan nhiễm mỡ lan tỏa, giảm protein trong máu, giảm các yếu tố đông máu,…
- Trẻ trên 1 tuổi: Thường thích thực phẩm giàu protein/lipid và không thích thực phẩm giàu carbohydrate. Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng khác như hạn chế tăng trưởng, hạ đường huyết, mệt mỏi nghiêm trọng, viêm tụy, chán ăn,…
- Người trưởng thành: Xuất hiện các triệu chứng thần kinh như mất phương hướng, tính cách bất thường, hôn mê và có thể dẫn tới tử vong.
2.4. Bệnh di truyền gen lặn – Rối loạn chuyển hóa đường Galactose
Rối loạn chuyển hóa đường galactose là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, gây ra do đột biến gen GALT được thừa hưởng từ cả cha và mẹ, dẫn tới tình trạng thiếu hụt các enzym chuyển đổi galactose thành glucose.
75% trẻ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa đường galactose có những biểu hiện như khó bú, nôn mửa, tổn thương gan, vàng da, vàng mắt, chậm phát triển. Không chỉ vậy, do cơ thể trẻ thiếu enzym chuyển hóa galactose thành glucose, gây tích tụ galactose lên các cơ quan nên sẽ dẫn tới các biến chứng như đục thủy tinh thể sớm, chậm phát triển tâm thần vận động, mắc bệnh gan,…
2.5. Rối loạn phát triển giới tính nam do thiếu men 5-alpha reductase
Thiếu 5-alpha reductase là bệnh di truyền gây ra do các đột biến gen SRD5A2. Gen SRD5A2 cung cấp hướng dẫn để tạo ra enzym steroid 5-alpha reductase 2 tham gia vào quá trình xử lý các hormone định hướng sự phát triển giới tính nam (nội tiết tố androgen). Các đột biến trên gen SRD5A2 gây cản trở steroid 5-alpha reductase 2 chuyển đổi testosterone thành DHT trong các mô sinh sản đang phát triển.
Nhiều người thiếu 5-alpha reductase có biểu hiện lâm sàng là được sinh ra với cơ quan sinh dục có vẻ ngoài là nữ và một số trường hợp khác thì có thể có dương vật kém phát triển hoặc bộ phận sinh dục không rõ ràng về giới tính.
Tới giai đoạn dậy thì thì nồng độ hormone sinh dục nam gia tăng dẫn tới sự phát triển của một số đặc điểm giới tính phụ như tăng khối lượng cơ, phát triển lông mu, chiều cao, giọng trầm, dương vật và bìu phát triển lớn hơn. Tuy nhiên, so với nam giới bình thường thì không phát triển nhiều lông trên mặt, cơ thể và hầu hết người bệnh sẽ không thể có con nếu không sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
2.6. Bệnh Pompe (rối loạn dự trữ Glycogen loại 2)
Bệnh pompe là bệnh rối loạn di truyền, gây ra chủ yếu do các đột biến trên gen GAA – gen quan trọng tham gia vào việc phân hủy loại phức hợp đường glycogen thành glucose. Có hơn 550 đột biến khác nhau trên gen GAA ở những người mắc bệnh pompe, trong đó một số đột biến có thể dẫn đến tình trạng thiếu hoàn toàn enzyme axit alpha-glucosidase và một số đột biến khác chỉ làm giảm hoạt động của enzyme này.
Bệnh Pompe được chia thành 3 dạng chính dựa theo mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt enzyme axit alpha-glucosidase và thời điểm xuất hiện triệu chứng. Cụ thể:
- Khởi phát trẻ sơ sinh cổ điển: Xuất hiện trong vòng vài tháng sau khi sinh và trẻ sơ sinh mắc loại này thường bị yếu cơ, bệnh cơ bẩm sinh, gan to, dị tật tim, kém phát triển kỹ năng vận độ, khó hô hấp, khó bú, không tăng cân đúng mốc,…
- Khởi phát trẻ sơ sinh không cổ điển: Xuất hiện khi trẻ đã được 1 tuổi và thường có các triệu chứng như yếu cơ, chậm kỹ năng phát triển vận động, dị tật tim,… Yếu cơ trong loại này sẽ dẫn đến việc gặp vấn đề nghiêm trọng về hô hấp và nếu không có liệu pháp thay thế enzyme thì chỉ sống được vài năm.
- Khởi phát muộn: Bắt đầu từ 10 – 60 tuổi, thường có các triệu chứng nhẹ hơn và ít liên quan đến vấn đề tim mạch.
2.7. Bệnh di truyền gen lặn tan máu bẩm sinh Thalassemia
Thalassemia (tan máu bẩm sinh) là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây tan máu di truyền. Mỗi thể bệnh là do bất thường tổng hợp một loại chuỗi globin. Đây là bệnh di truyền có tỷ lệ mắc cao nhất trên thế giới.
Thalassemia gồm có 02 thể bệnh chính là alpha-Thalassemia và beta-Thalassemia. Trong đó:
- alpha-Thalassemia: gây nên do bất thường gen HBA1, HBA2 nằm trên nhiễm sắc thể số 16. Đôt biến này khiến chuỗi alpha globin trong phân tử Hemoglobin bị suy giảm và thiếu hụt, dẫn tới lượng huyết sắc tố ít hơn so với người bình thường.
- beta-Thalassemia: gây nên do bất thường gen HBB nằm trên nhiễm sắc thể số 11. Đột biến này khiến khả năng sản xuất chuỗi beta globin trong phân tử Hemoglobin giảm hoặc không sản xuất, khiến cơ thể thiếu máu từ nhẹ cho tới rất nặng.
Mặc dù bố mẹ không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu bệnh tật nào liên quan đến gen lặn, nhưng họ có thể là người mang gen lặn ở dạng dị hợp tử, tức là vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Đặc biệt, nếu cả hai đều mang cùng một loại gen lặn gây bệnh, con cái của họ có khả năng 25% sẽ mắc bệnh do di truyền từ cả bố lẫn mẹ. Chính vì vậy, các cặp vợ chồng nên thực hiện xét nghiệm gen lặn trước khi mang thai để sàng lọc các bệnh di truyền phổ biến như alpha Thalassemia hay beta Thalassemia, nhằm đảm bảo con sinh ra khỏe mạnh, lành lặn.