Vậy siêu âm tuần 12 mẹ bầu cần chú ý những chỉ số nào của thai nhi? Mẹ hãy theo dõi những thông tin quan trọng dưới đây để có cái nhìn tổng quan về sự phát triển của con yêu trong giai đoạn 12 tuần nhé!

Sự phát triển của thai nhi 12 tuần tuổi

Trong khoảng thời gian từ tuần thai thứ 10 đến tuần thai thứ 12, thai nhi trải qua một giai đoạn phát triển đáng kinh ngạc. Mặc dù bé chỉ mới nặng khoảng 50 gram và dài hơn 50mm, nhưng các bộ phận quan trọng của cơ thể đã hình thành và đang tiếp tục hoàn thiện, như: tim, gan, thận, hệ thần kinh…

Hệ tiêu hóa hoàn thiện, thận bài tiết nước tiểu, khuôn mặt và các chi, hệ thần kinh cũng phát triển nhanh chóng.

Xương khớp cứng cáp hơn nên bé đã có những phản xạ nhiều hơn tạo ra những chuyển động nhỏ nhẹ trong bụng mẹ. Ngón tay của thai nhi đã tách rời, có thể co duỗi, các ngón chân cũng cong lên.

Đây là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển toàn diện của thai nhi, đặc biệt là trong việc hình thành và phát triển bộ não.

Siêu âm 12 tuần, mẹ tuần sẽ được kiểm tra những gì?

Trong buổi siêu âm tuần thứ 12, các hoạt động sau được thực hiện:

  • Đo độ mờ da gáy để phát hiện bất thường nhiễm sắc thể.
  • Siêu âm nhằm kiểm tra nhịp tim của thai nhi để đảm bảo sự phát triển bình thường.
  • Xác định số lượng thai nhi, từ thai đơn đến đa thai.
  • Đo chiều dài của thai nhi từ thóp đến mông để xác định tuổi thai chính xác.
  • Quan sát và đánh giá sự phát triển của các bộ phận như cánh tay, chân, ngực và đầu để đảm bảo rằng chúng đang phát triển theo tốc độ bình thường.
  • Kiểm tra cột sống của thai nhi để phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
  • Tầm soát bất thường trong các buồng tim của thai nhi.

Các hoạt động này giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quan về sự phát triển và sức khỏe của thai nhi, đồng thời cho phép phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn.

Các chỉ số siêu âm thai nhi tuần 12 mẹ bầu cần biết

Mẹ bầu thường thấy những từ được viết tắt bằng tiếng Anh ở kết quả siêu âm mà không hiểu rõ đó là gì, đó là các chỉ số thai nhi trong thai kỳ, điển hình:

  • GA (Gestational age): Chỉ số chỉ tuổi của thai từ ngày đầu chu kỳ kinh cuối cùng.
  • GSD (Gestational Sac Diameter): Chỉ số chỉ đường kính túi thai, đo trong những tuần đầu thai kỳ khi mà thai nhi vẫn chưa hình thành các cơ quan của cơ thể.
  • BPD (Biparietal diameter): Chỉ số chỉ đường kính lưỡng đỉnh – đường kính lớn nhất mặt cắt vòng đầu trẻ.
  • FL (Femur length): Chỉ số chỉ chiều dài xương đùi của thai nhi
  • EFW (estimated fetal weight): Chỉ số chỉ khối lượng thai dự đoán
  • CRL (Crown rump length): Chỉ số chỉ chiều dài đầu, mông của thai nhi.

Chỉ số thai nhi tuần 12: Chiều dài đầu mông (CRL) 74mm, nặng khoảng 35 – 50g, đường kính lưỡng đỉnh 21mm.

Những thông tin mẹ cần lưu ý khi siêu âm thai nhi tuần 12

Dưới đây là những lưu ý quan trọng mà mẹ bầu cần chú ý khi đi siêu âm vào tuần thứ 12:

Độ mờ da gáy

Ở tuần 12, bác sĩ có thể phát hiện dị tật bất thường thông qua siêu âm đo độ mờ da gáy. Nếu em bé đang bị hội chứng Down thì sẽ xuất hiện tình trạng tích tụ nhiều chất lỏng hơn ở nếp gấp da gáy, hiện diện ở đáy của cổ bé. Độ mờ da gáy ở thai nhi khỏe mạnh thường sẽ dưới 2.5mm. Tuy nhiên, trường hợp độ mờ da gáy tăng cao bất thường có thể cảnh báo thai nhi mắc các hội chứng sau đây:

  • Hội chứng Down
  • Các bất thường nhiễm sắc thể

Trong trường hợp siêu âm phát hiện chỉ số độ mờ da gáy cao, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm như sàng lọc không xâm lấn NIPT, chọc dò cuống rốn, chọc dò ối,…

Tính tuổi thai và ngày dự sinh

Theo các chuyên gia, siêu âm thai ở tuần thứ 12 sẽ cung cấp thông tin quan trọng cho bác sĩ, bao gồm kích thước chính xác của thai nhi, tuổi thai và ngày dự sinh dự kiến. Điều đó giúp bố mẹ có sự chuẩn bị từ tâm lý đến sức khỏe, tài chính cho việc chào đón con yêu.

Việc kiểm tra các chỉ số này thiết yếu và quan trọng. Mẹ bầu hãy đảm bảo tham gia đầy đủ vào buổi siêu âm này nhé!

Siêu âm thai nhi 12 tuần để biết số lượng thai

Mốc siêu âm ở tuần thứ 12 còn giúp bác sĩ xác định được số lượng thai thông qua số lượng bánh nhau. Vì sau tuần thứ 12, việc xác định số bánh nhau không được chính xác.

Siêu âm 12 tuần đã biết trai hay gái chưa?

“Siêu âm tuần 12 có xác định được giới tính thai nhi không” là câu hỏi các ông bà mẹ đều quan tâm. Tuy nhiên, siêu âm tuần 12 thường được thực hiện để đánh giá sức khỏe và sự phát triển bình thường của thai nhi. Mặc dù các cơ quan sinh dục của bé đã phát triển. Tuy nhiên, do cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn chỉnh nên đôi khi việc dự đoán giới tính có thể không chính xác.

Tại Việt Nam, Nghị định 114/2006/NĐ-CP được ban hành, trong đó có mục cấm công bố giới tính thai nhi nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt nên các bệnh viện sẽ không cho mẹ bầu biết giới tính của bé cho đến khi con ra đời.

Các xét nghiệm quan trọng ở tuần 12 cho mẹ bầu

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh

Double Test là xét nghiệm sàng lọc sớm có thể thực hiện khi thai 12 tuần tuổi. Với xét nghiệm Double Test, bác sĩ có thể phát hiện nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh nguy hiểm như hội chứng Down, Trisomy 13 hay Trisomy 18. Kết quả xét nghiệm này kết hợp với siêu âm đo độ mờ da gáy để phát hiện các trường hợp thai có nguy cơ dị tật để tiến hành chọc ối hoặc sinh thiết gai rau.

Ngoài ra, đối với những mẹ bầu chưa làm xét nghiệm NIPT ở tuần thứ 10 thai kỳ thì có thể thực hiện xét nghiệm NIPT ở tuần thứ 12 thay cho xét nghiệm Double test.

=> Tìm hiểu thêm:

3 lý do nên sàng lọc dị tật thai nhi

Xét nghiệm NIPT gói cơ bản

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm này là bắt buộc cho phụ nữ mang thai để kiểm tra hàm lượng hemoglobin và số lượng tiểu cầu. Nếu kết quả cho thấy hàm lượng hemoglobin thấp, đó có nghĩa là bạn có nguy cơ bị thiếu máu hoặc thiếu sắt khi mang thai. Bác sĩ sẽ xem xét và đề xuất việc bổ sung viên sắt nhằm giảm thiểu tình trạng này.

Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc thai kỳ và được thực hiện đối với các phụ nữ mang thai. Xét nghiệm này giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường và cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe của mẹ và thai nhi. Một số yếu tố được xem xét trong xét nghiệm nước tiểu bao gồm:

  • Dư lượng protein: Một lượng protein cao trong nước tiểu có thể gợi ý về tổn thương thận hoặc vấn đề khác liên quan đến chức năng thận.
  • Mức đường (glucose): Đo mức đường trong nước tiểu giúp phát hiện nguy cơ tiểu đường thai kỳ hoặc bất thường về quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể.
  • Bạch cầu: Số lượng bạch cầu trong nước tiểu được kiểm tra để đánh giá nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu, một vấn đề phổ biến trong thai kỳ.

Qua xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ có thể đưa ra đánh giá tổng thể về sức khỏe của mẹ bầu và đưa ra các biện pháp chăm sóc và điều trị thích hợp nếu cần thiết.

Xét nghiệm thai ở tuần thứ 12 là một bước quan trọng trong quá trình chăm sóc thai kỳ. Xét nghiệm này giúp kiểm tra sự phát triển và ổn định của thai nhi, đồng thời phát hiện và sàng lọc các dị tật nguy hiểm. Để đảm bảo kết quả chính xác và nhận được lời khuyên chăm sóc thai tốt hơn, mẹ bầu nên đi khám và thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế chuyên khoa sản uy tín.