“Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi có an toàn không?” là câu hỏi được rất nhiều mẹ bầu muốn thực hiện xét nghiệm này quan tâm, muốn được giải đáp cụ thể.
Xét nghiệm ADN thai nhi bằng phương pháp chọc ối là một trong những phương pháp được thực hiện để kiểm tra mối quan hệ huyết thống giữa thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ với người cha giả định. Do chọc ối là một thủ thuật y khoa xâm lấn nên có nguy cơ gặp phải các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu lẫn thai nhi trong bụng. Tham khảo bài viết NOVAGEN chia sẻ sau đây để tìm hiểu chi tiết về chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi, cách thực thực hiện, các rủi ro có thể gặp phải và hướng dẫn giúp giảm thiểu nguy cơ gặp rủi ro từ việc chọc ối.
Nội dung:
- 1 1. Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi là gì? Chọc ối được thực hiện như thế nào?
- 2 2. Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi có an toàn không? Những rủi ro có thể gặp
- 3 3. Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ gặp rủi ro từ việc chọc ối?
- 4 4. Có thể thay thế chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi bằng phương pháp nào?
- 5 5. Kết luận
1. Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi là gì? Chọc ối được thực hiện như thế nào?
Chọc ối (Amniocentesis) là một thủ thuật y khoa xâm lấn, được thực hiện để lấy mẫu dịch ối của thai nhi khi thai còn nằm trong bụng mẹ.
Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi là xét nghiệm được làm từ tuần thai thứ 15 đến tuần thai thứ 22 với mục đích lấy mẫu nước ối để tách chiết, phân tích ADN của thai nhi có trong đó, so sánh với ADN của người cha giả định và đưa ra kết luận về mối quan hệ huyết thống.
Các bước tiến hành chọc ối:
- Trước khi thực hiện chọc ối, mẹ bầu cần thực hiện siêu âm và các xét nghiệm để kiểm tra trình trạng sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn thai nhi, đánh giá xem có đủ điều kiện để chọc ối không.
- Khi chọc ối, mẹ bầu cần nằm xuống theo tư thế được bác sĩ chỉ định và bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để xác định vị trí của thai nhi, tình trạng nhau thai.
- Thông qua siêu âm, các bác sĩ có thể xác định được vị trí chọc ối an toàn cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Tiếp đó, các bác sĩ sẽ vệ sinh sạch sẽ phần bụng của mẹ bầu bằng chất khử trùng rồi bắt đầu tiêm thuốc tê tại chỗ qua da.
- Tiếp đến, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu kim chuyên dụng dài, mỏng chọc vào vị trí đã được khử trùng trước đó rồi rút khoảng 15 – 30ml nước ối (Quá trình rút nước ối mất khoảng 30 giây).
- Sau khi rút, mẫu nước ối sẽ được bảo quản nghiêm ngặt (ống chuyên dụng vô trùng đậy nắp chặt) và chuyển đến phòng thí nghiệm cùng mẫu xét nghiệm ADN của người cha giả định ngay lập tức để tiến hành làm xét nghiệm ADN thai nhi. Cuối cùng, sau khi thu mẫu nước ối thì các bác sĩ sẽ kiểm tra lại xem thai nhi trong bụng mẹ có bị ảnh hưởng gì sau khi chọc ối không.
2. Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi có an toàn không? Những rủi ro có thể gặp
Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi là phương pháp xét nghiệm huyết thống trước sinh có độ chính xác cao, giá thành phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, đây là một phương pháp xâm lấn, tác động đến môi trường an toàn của thai nhi nên vẫn có thể tiềm ẩn một số rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Cụ thể:
- Một số trường hợp mẹ bầu khi chọc ối sẽ cảm thấy đau nhói và trong vài giờ sau khi chọc ối sẽ có cảm giác khó chịu ở vùng bụng.
- Nhiễm trùng: Mặc dù nguy cơ nhiễm trùng sau chọc ối là rất hiếm, nhưng vẫn có thể xảy ra nếu không được thực hiện đúng quy trình vệ sinh và khử trùng. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, gây ra các biến chứng như viêm màng ối hoặc sinh non.
- Rò rỉ nước ối: Sau khi chọc ối, một số trường hợp mẹ bầu có thể gặp tình trạng rò rỉ nước ối. Nếu lượng nước ối mất đi nhỏ, tình trạng này thường không nguy hiểm và có thể tự phục hồi. Tuy nhiên, nếu rò rỉ nước ối nghiêm trọng hoặc kéo dài, điều này có thể đe dọa đến sự phát triển của thai nhi.
- Nguy cơ thai lưu, sảy thai: Một trong những lo ngại lớn nhất của mẹ bầu khi chọc ối là nguy cơ sảy thai. Tỷ lệ sảy thai do chọc ối dao động từ 0,1% đến 0,3%. Nguy cơ này thường xảy ra khi kim tiêm vô tình làm tổn thương thai nhi, gây ra phản ứng bất thường của cơ thể mẹ hoặc do tình trạng nhiễm trùng sau thủ thuật.
3. Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ gặp rủi ro từ việc chọc ối?
Để giảm thiểu rủi ro liên quan đến chọc ối, có một số biện pháp và khuyến nghị cần được thực hiện như:
- Việc lựa chọn đơn vị xét nghiệm ADN uy tín và bác sĩ phụ sản chọc ối có kinh nghiệm là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ gặp rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu, thai nhi. Bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn, tay nghề cao sẽ biết cách thực hiện chọc ối an toàn, tránh gây tổn thương cho mẹ và thai nhi.
- Khử trùng vùng bụng mẹ bầu và các dụng cụ sử dụng để chọc ối cũng là yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Các bác sĩ thực hiện chọc ối cần tuân thủ quy trình vệ sinh nghiêm ngặt trước, trong và sau khi thực hiện thủ thuật.
- Sau khi thực hiện chọc ối, mẹ bầu cần nghỉ ngơi và theo dõi các dấu hiệu bất thường như mệt mỏi trong người, đau bụng dữ dội, rò rỉ nước ối,… Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào, mẹ bầu nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra và xử lý kịp thời.
- Trước khi quyết định thực hiện chọc ối, mẹ bầu cần được tư vấn rõ ràng về các rủi ro và lợi ích của phương pháp này. Các xét nghiệm trước sinh không xâm lấn khác có thể được xem xét trước khi chọn phương pháp chọc ối nếu có thể.
4. Có thể thay thế chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi bằng phương pháp nào?
Ngoài chọc ối, hiện nay có một số phương pháp khác có thể thay thế để xét nghiệm ADN thai nhi gồm:
4.1. Xét nghiệm ADN thai nhi sinh thiết gai nhau
Sinh thiết gai nhau (Chorionic Villus Sampling – CVS) là một phương pháp xâm lấn tương tự chọc ối, nhưng được thực hiện sớm hơn, từ tuần thứ 12 đến tuần 14 của thai kỳ. Mẫu xét nghiệm là mẫu được lấy từ mô bánh nhau trong cổ tử cung của mẹ bầu và khi thu thập, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê đặc biệt để giảm đau rồi dùng ống chuyên dụng để lấy mô qua đường âm đạo). Tuy nhiên, cũng giống như chọc ối thì phương pháp này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và mẹ bầu.
4.2. Xét nghiệm ADN thai nhi không xâm lấn
Xét nghiệm ADN thai nhi không xâm lấn là một phương pháp an toàn hơn vì chỉ yêu cầu lấy một lượng nhỏ khoảng 7 – 10ml mẫu máu của người mẹ mang thai từ tuần thai thứ 7 để phân tích ADN của thai nhi có trong đó. Phương pháp này không tác động đến môi trường an toàn của thai nhi nên không gây nguy cơ sảy thai, nhiễm trùng, rò rỉ nước ối,…
Xem thêm:
- Xét nghiệm ADN thai nhi bằng chọc ối là như thế nào?
- Tại sao thai to thì không chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi được?
5. Kết luận
Chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi là phương pháp xét nghiệm có độ chính xác cao, mức chi phí phù hợp trong việc xác định mối quan hệ huyết thống trước sinh. Tuy nhiên, phương pháp này có thể tiềm ẩn một số rủi ro như sảy thai, thai lưu, nhiễm trùng, rò rỉ nước ối. Do đó, mẹ bầu cần thăm khám cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện xét nghiệm này.