Câu hỏi: Tôi và người cha của đứa trẻ chưa đăng ký kết hôn, hiện tại người cha đã mất, tôi muốn làm khai sinh cho con nhưng không thể xét nghiệm ADN cha con được. Vậy đi làm xét nghiệm ADN ông nội và cháu để làm khai sinh khi cha đã mất có được chấp nhận hay không?
Trả lời:
1. Về việc xét nghiệm ADN cha con để đăng ký khai sinh cho trẻ khi vợ chồng chưa đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn, hoặc đăng ký sau thời điểm con sinh ra đời, thì cần phải làm xét nghiệm ADN khai sinh cha con để làm bằng chứng chứng minh con là con ruột của cha. Lúc đó mới có thể làm giấy khai sinh cho con với đầy đủ tên cha mẹ. Nếu không, giấy khai sinh sẽ chỉ có tên người mẹ và khuyết tên cha, bởi con lúc này chỉ được công nhận là con riêng của người mẹ.
Hiện nay, việc thực hiện giám định ADN để làm khai sinh cho con thường chỉ giới hạn trong quan hệ huyết thống trực hệ, tức là cha con ruột và mẹ con ruột.
Với các mối quan hệ huyết thống không trực hệ, tức là giữa đứa trẻ với người thân bên nội, bên ngoại (bao gồm ông bà nội ngoại, cô dì chú bác ruột, anh em con chú con bác ruột) hoặc giữa anh chị em ruột cùng cha mẹ với nhau, thường sẽ KHÔNG được chấp nhận trong thủ tục làm giấy khai sinh cho con.
Như vậy có nghĩa là, nếu như cha mẹ của trẻ chưa đăng ký kết hôn, hoặc đăng ký sau thời điểm con sinh ra đời, trong đó cha của đứa trẻ đã mất, đã đi khỏi nơi cư trú, đã mất tích,… và không thể thực hiện xét nghiệm ADN cha con với đứa trẻ, thì thông thường sẽ KHÔNG thể làm giấy khai sinh có tên cha.
Như vậy việc xét nghiệm ADN ông nội và cháu để làm khai sinh khi cha đã mất có được chấp nhận hay không sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào cán bộ tư pháp – hộ tịch tại UBND xã (phường), huyện (quận) địa phương. Do đó bạn hãy tham khảo trực tiếp cán bộ địa phương nơi làm khai sinh cho con để được hướng dẫn chi tiết nhất.
2. Trong trường hợp địa phương chấp nhận sử dụng bản xét nghiệm ADN giữa đứa trẻ với họ hàng dòng nội thay cho xét nghiệm ADN cha con.
Những mối quan hệ giữa đứa trẻ với họ hàng dòng nội có thể sử dụng để thay thế cho xét nghiệm ADN cha con bao gồm:
- Ông nội – cháu trai: Tức là giữa cha ruột của người cha với đứa trẻ mang giới tính nam.
- Bà nội – cháu gái: Tức là giữa mẹ ruột của người cha với đứa trẻ mang giới tính nữ.
- Chú/bác ruột – cháu trai: Tức là giữa anh em trai ruột của người cha với đứa trẻ mang giới tính nam.
- Con chú, con bác ruột: Giữa những người là con trai của những người anh em trai ruột của người cha, tức là anh em họ có cùng một người ông nội.
- Anh em trai cùng cha: Nếu trẻ mang giới tính nam và có anh/em trai ruột cùng cha thì có thể xét nghiệm ADN giữa các anh em trai cùng cha để xác định quan hệ huyết thống với người cha.
- Chị em gái cùng cha: Nếu trẻ mang giới tính nữ và có chị/em gái trai ruột cùng cha thì có thể xét nghiệm ADN giữa chị em gái cùng cha để xác định quan hệ huyết thống với người cha.
Nếu cán bộ tư pháp – hộ tịch tại UBND xã (phường), huyện (quận) địa phương chấp nhận sử dụng bản xét nghiệm ADN giữa đứa trẻ với họ hàng dòng cha thay cho người cha ruột, thì bạn có thể chọn làm xét nghiệm ADN một trong những mối quan hệ kể trên theo hình thức pháp lý, tức là tiến hành thu mẫu ADN trực tiếp, có xác minh danh tính, chụp ảnh chân dung và lấy dấu vân tay.
Sau đó mang bản xét nghiệm ADN đã thực hiện ra UBND xã (phường), huyện (quận) địa phương để làm thủ tục khai sinh cho trẻ hướng dẫn của cán bộ tư pháp – hộ tịch.
3. Trong trường hợp địa phương KHÔNG chấp nhận sử dụng bản xét nghiệm ADN giữa đứa trẻ với họ hàng dòng nội thay cho xét nghiệm ADN cha con.
Trẻ vẫn làm được giấy khai sinh bình thường, tuy nhiên sẽ chỉ có tên Mẹ trên giấy khai sinh mà không có tên Cha.
Kết luận
Trong trường hợp người cha đã mất, rời khỏi nơi cư trú, mất tích,… và không thể thực hiện xét nghiệm ADN cha con để làm khai sinh cho trẻ, việc dùng bản xét nghiệm ADN giữa đứa trẻ và họ hàng bên nội của trẻ để thay thế sẽ phụ thuộc vào quyết định của cán bộ tư pháp – hộ tịch tại địa phương.