Câu hỏi: Tôi đã hoàn tất thủ tục ly hôn với chồng cũ, sau đó sinh con với người chồng hiện tại. Tuy nhiên khi đi làm giấy khai sinh cho con, cán bộ tư pháp địa phương lại yêu cầu tôi phải thực hiện xét nghiệm ADN giữa con tôi với người chồng mới. Tại sao cần xét nghiệm ADN khai sinh khi đã ly hôn chồng cũ & có con với chồng mới? Có bắt buộc phải xét nghiệm ADN thì mới làm được khai sinh hay không?
Trả lời:
Khi đã ly hôn với chồng cũ, tức là người mẹ đã hoàn toàn độc thân và có con với người chồng hiện tại nhưng vẫn phải làm xét nghiệm ADN cha con để làm khai sinh thì thuộc một trong những trường hợp sau:
- TH1: Thời điểm ly hôn chồng cũ sau khi con đã ra đời, hoặc chưa đủ 300 ngày cho tới khi con ra đời.
- TH2: Chưa đăng ký kết hôn hoặc đăng ký kết hôn với người chồng mới sau thời điểm sinh con.
- TH3: Người chồng mới là người nước ngoài.
Với các trường hợp trên, khi làm khai sinh cho trẻ, nếu muốn giấy khai sinh của trẻ có tên người cha đẻ của trẻ, tức là người chồng mới, thì bắt buộc phải làm xét nghiệm ADN cha con giữa trẻ và người cha mới.
Thủ tục xét nghiệm ADN khai sinh hiện nay rất đơn giản và nhanh chóng, bạn có thể tham khảo trong bài viết Xét nghiệm ADN khai sinh
Nội dung:
TH1: Thời điểm ly hôn chồng cũ sau khi con đã ra đời, hoặc chưa đủ 300 ngày cho tới khi con ra đời
Với tình huống này, đứa trẻ được nhận định là con chung của người vợ với người chồng cũ chứ không phải người chồng hiện tại. Tức là nếu như không làm xét nghiệm ADN cha con giữa con với người chồng mới, nghiễm nhiên trong giấy khai sinh của con ở mục “Cha”, tên người cha là tên của người chồng cũ, chứ không phải người cha thực sự của đứa trẻ.
Giấy xét nghiệm ADN cha con là căn cứ pháp lý để cán bộ tư pháp – hộ tịch tại UBND xã (phường) nơi làm khai sinh xác nhận rằng, người chồng hiện tại mới là cha ruột của đứa trẻ. Do đó, cần phải thực hiện xét nghiệm ADN cha con theo hình thức pháp lý giữa đứa trẻ và người cha ruột, thì giấy khai sinh của con mới có tên của người cha ruột.
TH2: Chưa đăng ký kết hôn hoặc đăng ký kết hôn với người chồng mới sau thời điểm sinh con
Trong những trường hợp này, đứa trẻ được nhận định là con riêng của người vợ trước thời kỳ hôn nhân của vợ với người chồng hiện tại. Tức là nếu như không làm xét nghiệm ADN cha con giữa con với người chồng mới thì trong giấy khai sinh của con chỉ có tên Mẹ và khuyết tên Cha.
Tương tự với tình huống mẹ độc thân còn người cha ruột của con vẫn đang trong mối quan hệ hôn nhân với người khác thì đứa trẻ cũng được nhận định là con riêng của người mẹ.
Như vậy trong tất cả các trường hợp kể trên, nếu muốn giấy khai sinh có tên Cha thì cần phải thực hiện xét nghiệm ADN giữa cha và con theo hình thức pháp lý.
TH3: Người chồng mới là người nước ngoài
Với các trường hợp có vợ hoặc chồng là người nước ngoài, khi làm khai sinh lần đầu cho trẻ thì cần phải có giấy xét nghiệm ADN cha con, mẹ con. Đây sẽ là căn cứ pháp luật để UBND xã (phường) và Đại sứ quán các nước trên thế giới có thể xác minh chính xác cha mẹ ruột của con.
Kết luận
Khi người mẹ đã giải quyết xong thủ tục ly hôn và độc thân hoàn toàn, song khi làm giấy khai sinh cho con với người chồng mới, trong một số trường hợp vẫn cần phải thực hiện xét nghiệm ADN cha con. Điều này nhằm xác thực đứa trẻ chính xác là con ruột của người cha, đảm bảo đúng theo quy trình pháp luật.