“Tôi có con ngoài giá thú, vậy tôi có thể làm khai sinh cho con ngoài giá thú được không?” là câu hỏi được rất nhiều khách hàng của NOVAGEN quan tâm và muốn được giải đáp một cách chi tiết, cụ thể.
Bạn hoàn toàn có thể làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú được. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được đăng ký khai sinh, bất kể trẻ được sinh ra trong hôn nhân hay ngoài hôn nhân. Và việc đăng ký khai sinh là trách nhiệm của mỗi người làm cha mẹ, giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của con.
Nội dung:
1. Con ngoài giá thú là gì?
Để nắm rõ khái niệm về con ngoài giá thú, ta có thể xem xét thuật ngữ này từ các góc độ sau đây:
- Theo Từ điển Tiếng Việt, con ngoài giá thú là con được sinh ra mà cha mẹ không kết hôn, không phải vợ chồng theo quy định pháp luật.
- Theo Từ điển Luật học (trang 102), con ngoài giá thú là con của những người không phải vợ chồng hoặc sống chung như vợ chồng nhưng chưa việc lấy nhau chưa được các cơ quan có thẩm quyền như ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn đăng ký vào sổ kết hôn.
- Theo góc độ pháp lý: Hiện tại, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như các văn bản pháp luật Việt Nam khác chưa có quy định cụ thể về khái niệm con ngoài giá thú.
Từ những góc độ trên thì chúng ta có thể đưa ra khái niệm về con ngoài giá thú như sau: Con ngoài giá thú là con sinh ra mà cha mẹ không phải là vợ chồng hợp pháp hoặc cha mẹ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng việc kết hôn chưa được UBND công nhận và ghi vào sổ kết hôn. Con ngoài giá thú có thể là con chung hoặc con riêng của một bên cha, mẹ.
Một số trường hợp có thể dẫn đến việc sinh con ngoài giá thú bao gồm:
- Nam, nữ độc thân sống chung và sinh con mà không đăng ký kết hôn.
- Một trong hai người đã kết hôn với người khác nhưng vẫn sống chung và sinh con với nhau.
- Hai người đã ly hôn nhưng tái hợp, không đăng ký kết hôn lại và sinh con.
2. Có làm khai sinh cho con ngoài giá thú được không?
Căn cứ theo Điều 30 của Bộ Luật dân sự 2015 thì mọi cá nhân kể từ khi sinh ra đều có quyền được khai sinh. Bên cạnh đó, căn cứ theo theo quy định của Điều 15 Luật hộ tịch năm 2014 thì trong thời gian 60 ngày kể từ khi sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Trong trường hợp cha mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông bà, người thân hoặc các cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ sẽ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.
Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có thể làm giấy khai sinh cho con nếu có con ngoài giá thú.
3. Cần làm gì để làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú?
Vậy chuẩn bị những gì, cần làm gì để đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú? Tùy theo từng trường hợp mà giấy tờ, thủ tục cần chuẩn bị để đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú có thể sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
3.1. Con ngoài giá thú đăng ký khai sinh theo họ mẹ
Trong trường hợp mẹ đang độc thân hoặc con sinh ra sau 300 ngày ly hôn thì thủ tục đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ, thông tin cha để trống được tiến hành không khác thủ tục khai sinh thông thường. Cụ thể như sau:
Bước 1: Người mẹ cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu.
- Giấy chứng sinh (Nếu không có giấy chứng sinh thì cần có văn bản của người làm chứng về việc sinh hoặc nếu không có người làm chứng thì cần có giấy cam đoan về việc sinh).
Bước 2: Nộp giấy tờ tại UBND cấp xã nơi thường trú của mẹ.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh.
*Lưu ý: Khi đi khai sinh cho trẻ, người mẹ cần phải xuất trình giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, căn cước công dân,…
Sau khi nhận các giấy tờ trên và xác nhận thông tin đầy đủ, phù hợp thì công chức tư pháp – hộ tịch sẽ ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch, trình Chủ tịch UBND cấp xã ký vào bản chính Giấy khai sinh. Sau đó, công chức tư pháp – hộ tịch và người mẹ sẽ cùng ký tên vào Sổ hộ tịch.
Ngoài ra, trong trường hợp người mẹ đang có mối quan hệ vợ chồng hợp pháp với người khác thì việc đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ cần phải có sự thỏa thuận với người chồng hiện tại và thông tin về cha trong giấy khai sinh, sổ hộ tịch sẽ là của người chồng hiện tại. Trong trường hợp người chồng hiện tại không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa xác định.
3.2. Con ngoài giá thú đăng ký khai sinh theo họ cha
Khác với trường hợp con ngoài giá thú đăng ký khai sinh theo họ mẹ, trường hợp con ngoài giá thú đăng ký khai sinh theo họ cha lại có quy trình, thủ tục phức tạp hơn. Lý do là bởi nếu cha mẹ chưa đăng ký kết hôn thì con sinh ra sẽ thuộc trường hợp chưa xác định được cha và khi đi đăng ký khai sinh thì thông tin của con sẽ được xác định theo thông tin của mẹ và thông tin của cha sẽ được để trống.
Nếu cha mẹ chưa đăng ký kết hôn thuộc các trường hợp như cha mẹ đều đang độc thân, cha đang trong tình trạng hôn nhân với người khác, mẹ đã ly hôn sau 300 ngày muốn đăng ký khai sinh cho con theo họ cha, ghi thông tin của cha vào trong giấy khai sinh và sổ hộ tịch thì trước tiên cần có sự đồng thuận của mẹ rồi mới tiến hành thực hiện thủ tục nhận cha, con kết hợp đăng ký khai sinh.
Nếu mẹ đang trong tình trạng hôn nhân với người khác mà vẫn muốn làm giấy khai sinh cho con theo họ của cha đẻ thì bắt buộc người mẹ phải tới Tòa án để giải quyết thủ tục ly hôn, thủ tục xác định cha cho con (xác định chồng hiện tai không phải cha đẻ của con) rồi mới có thể tiến hành thực hiện thủ tục nhận cha con kết hợp đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã nơi con đang cư trú.
Thủ tục nhận cha, con kết hợp đăng ký khai sinh sẽ được thực hiện theo quy trình sau:
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Tờ khai đăng ký khai sinh và tờ khai đăng ký nhận cha, con theo mẫu đã quy định.
- Giấy chứng sinh (Nếu không có giấy chứng sinh thì cần có văn bản của người làm chứng về việc sinh hoặc nếu không có người làm chứng thì cần có giấy cam đoan về việc sinh).
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con
Thời gian giải quyết: Nếu trong 3 ngày làm việc tính từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ mà xét thấy việc nhận cha, con là đúng sự thật và không có bất kỳ một tranh chấp nào thì UBND cấp xã sẽ hoàn thiện thủ tục nhận cha, con và tiến hành đăng ký khai sinh cho con theo họ cha, ghi thông tin của cha vào giấy khai sinh cũng như sổ hộ tịch.
4. Tại sao nên làm xét nghiệm ADN để đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú?
Theo quy định tại điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con sẽ gồm một trong những giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Văn bản xác nhận mối quan hệ cha con do cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác trong hoặc ngoài nước cấp.
- Trong trường hợp không có loại văn bản này, cần sử dụng các bằng chứng khác như hình ảnh, thư từ, băng ghi âm, băng hình, hoặc các vật dụng để chứng minh quan hệ cha con, kèm theo bản cam kết của cha mẹ về việc đứa trẻ là con chung của cả hai. Ngoài ra, cần có ít nhất hai người thân thích của cha mẹ làm chứng.
Do đó, để đảm bảo quá trình đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha con diễn ra thuận lợi thì nên tiến hành thực hiện xét nghiệm ADN cung cấp bằng chứng xác minh mối quan hệ huyết thống cha con.
Lý do là bởi, xét nghiệm ADN là phương pháp xác định mối quan hệ huyết thống chính xác nhất hiện nay (cao hơn 99,999999%) và được công nhận tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Bản kết quả xét nghiệm ADN pháp lý, xét nghiệm ADN khai sinh trả ra sẽ có hiệu lực pháp lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và đơn vị thực hiện xét nghiệm sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả này.
Kết luận: Mỗi một người kể từ khi sinh ra đều có quyền được khai sinh và việc đăng ký khai sinh cho con sẽ thuộc về trách nhiệm của cha mẹ hoặc người thân, các cá nhân/tổ chức nuôi dưỡng. Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có thể làm khai sinh cho con được kể cả khi con sinh ra là con ngoài giá thú. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà quy trình, thủ tục thực hiện sẽ có phần khác biệt và bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ để chuẩn bị một cách đầy đủ nhất.