Kết hôn cùng họ nhưng không cùng huyết thống có được hay không? Pháp luật CÓ cho phép kết hôn cùng họ nếu KHÔNG cùng huyết thống trong phạm vi ba đời. Tuy nhiên nếu cùng huyết thống trong phạm vi ba đời thì không được phép kết hôn với nhau. Bên cạnh đó, việc kết hôn trong cùng một họ (một chi, một nhánh, một phái,…) còn liên quan đến quy định riêng của từng gia tộc, cũng như văn hóa của từng vùng miền.
Nội dung:
Kết hôn cùng họ nhưng không cùng huyết thống có được hay không?
Theo Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, những người có quan hệ huyết thống trong phạm vi 3 đời thì KHÔNG được kết hôn. Còn nếu có quan hệ huyết thống ngoài phạm vi 3 đời (tức là 4 đời, 5 đời,… trở lên) thì hoàn toàn được phép kết hôn, dù cùng họ hay không cùng họ với nhau.
Trên thực tế, khái niệm “cùng họ” ở mỗi dòng tộc, mỗi vùng miền lại có sự khác biệt, cũng như có nhiều quy định riêng về việc kết hôn trong cùng họ. Có nhiều dòng tộc quy định cùng họ trong vòng 6 đời vẫn không được phép kết hôn với nhau. Hay có không ít vùng, đặc biệt là vùng núi, dân tộc thiểu số lại chỉ cho phép kết hôn trong họ tộc.
Tuy nhiên, pháp luật sẽ chỉ xem xét đến hôn nhân cận huyết và vấn đề có hay không cùng huyết thống trong phạm vi 3 đời. Còn lại, việc có kết hôn với người chung họ, có họ gần, nhưng không có quan hệ huyết thống trong phạm vi 3 đời hay không lại phụ thuộc vào từng gia đình, từng cặp đôi.
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về các trường hợp cấm kết hôn, hôn nhân cận huyết được hiểu là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Riêng với khái niệm “giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”, theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình, kết hôn của những người có họ trong phạm vi 3 đời được hiểu là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Như vậy, chỉ cần không có huyết thống trong phạm vi 3 đời, tương đương với không có họ trong phạm vi 3 đời, thì hoàn toàn được phép đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật.
Tham khảo: Quy định của pháp luật về việc kết hôn cùng huyết thống
Tại sao không được kết hôn trong phạm vi 3 đời?
Việc pháp luật có quy định KHÔNG được kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống trong phạm vi 3 đời, tức là hôn nhân cận huyết bởi những lý do sau đây:
Tránh dị tật bẩm sinh, suy giảm chất lượng gen của thế hệ sau
Lý do là bởi, kết hôn cận huyết làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi (như bệnh tan máu bẩm sinh có thể làm trẻ bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao; sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời…).
Giữ gìn đạo đức, văn hóa của gia đình và xã hội
Việc kết hôn giữa những người cận huyết làm ảnh hưởng tới đạo đức gia đình, phá vỡ và làm xói mòn giá trị truyền thống văn hóa gia đình tốt đẹp của dân tộc ta. Bởi lẽ, mối quan hệ giữa những người thân có quan hệ huyết thống với nhau trong phạm vi 3 đời thuộc về tình thân, máu mủ ruột thịt, chứ không phải quan hệ đôi lứa. Như vậy, việc kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống trong phạm vi 3 đời có thể được coi là đi ngược lại nền tảng văn hóa đạo đức cơ bản.
Cố tình kết hôn cùng họ, cùng huyết thống trong phạm vi 3 đời có bị xử phạt không?
Có. Theo quy định tại khoản 35 Điều 1 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP, người cố tình kết hôn cùng họ, cùng huyết thống trong phạm vi 3 đời sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng. Theo Điều 184 với tội loạn luân thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tình huống 1: Cha đẻ và con gái ruột, anh trai em gái chung sống với nhau như vợ chồng
Cha đẻ và con gái ruột, anh trai em gái chung sống với nhau như vợ chồng thì cán bộ tư pháp – hộ tịch của xã đã đến lập biên bản vì hành vi vi phạm chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ. Hỏi ai có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này?
Đây là hành vi vi phạm pháp luật vì được thực hiện giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ. Luật hôn nhân và gia đình quy định nghiêm cấm hành vi này. Theo quy định tại khoản 35 Điều 1 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP, nếu vi phạm, người vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Đối chiếu quy định tại Điều 66 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền đến 15.000.000 sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành. Từ 15.000.000 đồng trở lên sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành xử phạt.
Hành vi chung sống như vợ chồng sẽ dẫn tới tội loạn luân và do đó, theo điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội loạn luân như sau:
Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tình huống 2: Anh em con chú con bác ruột kết hôn với nhau
A và H là anh chị em con chú con bác ruột. Nơi A và H sinh sống có tục lệ chỉ được lấy vợ lấy chồng cùng bản, nên gia đình hai bên quyết định làm đám cưới cho hai anh em. Khi biết tin, Ủy ban nhân dân xã đã kịp thời có mặt, tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Hỏi trường hợp này sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nào?
Hành vi kết hôn giữa A và H ở trên là hành vi vi phạm pháp luật, theo quy định sẽ bị xử phạt hành chính. Căn cứ khoản 35 Điều 1 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Kết luận
Có huyết thống trong phạm vi 3 đời thì không được kết hôn hay chung sống như vợ chồng với nhau. Còn trong trường hợp có họ nhưng không cùng huyết thống trong phạm vi 3 đời trở lên (4 đời, 5 đời) thì hoàn toàn được phép đăng ký kết hôn theo pháp luật. Trong trường hợp cố tình kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có quan hệ huyết thống trong phạm vi 3 đời sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.