Mẹ bỏ đi không thông tin liên lạc là một trong những tình huống khiến nhiều gia đình gặp khó khăn, đặc biệt là trong việc đăng ký khai sinh cho con theo họ cha. Vậy mẹ bỏ đi không có thông tin thì có làm giấy khai sinh cho con theo họ cha được không? Nếu được thì cần chuẩn bị những giấy tờ gì để hoàn thành thủ tục đăng ký? Tham khảo bài viết NOVAGEN chia sẻ ngay sau đây để được giải đáp những thắc mắc này một cách chi tiết, cụ thể nhất!
1. Mẹ bỏ đi không thông tin thì có làm khai sinh cho con theo họ cha được không?
Căn cứ theo Điều 30 Bộ Luật dân sự 2015: “Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh”. Do đó, quyền khai sinh là một trong những quyền dân sự mà trẻ em khi sinh ra đều được hưởng.
Theo quy định của Điều 15 Luật hộ tịch năm 2014: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 15 Nghị định 123/2015 quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ thì:
“1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
4. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều này; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.
5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ: Trẻ chưa xác định được cha, mẹ.”
Đối với trường hợp cha mẹ của đứa trẻ chưa đăng ký kết hôn, sống chung với nhau như vợ chồng mà người mẹ bỏ đi không có thông tin, đứa con được giao cho người cha nuôi dưỡng thì theo quy định nêu trên, người cha hoàn toàn có thể làm khai sinh cho con theo họ cha nếu chứng minh được quan hệ cha con với đứa trẻ.
Tức là, người cha sẽ phải làm thủ tục nhận con trước hoặc làm đồng thời, cùng lúc với thủ tục khai sinh. Thủ tục này không cần phải có ý kiến của người mẹ trong trường hợp người mẹ bỏ đi, không có thông tin và phần khai về người mẹ trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh của con sẽ để trống.
2. Làm thế nào để khai sinh cho con theo họ cha khi mẹ bỏ đi? Cần chuẩn bị những giấy tờ, thủ tục gì?
Theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 15/2015/TT-BTP, khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, con thì cơ quan đăng ký sẽ tiến thành đăng ký hộ tịch kết hợp việc giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh cùng đăng ký nhận cha, con với hồ sơ gồm:
- Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, con (theo mẫu).
- Giấy chứng sinh hoặc nếu không có giấy chứng sinh thì cần có văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh, không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại Điều 11 của thông tư này.
Trong đó, chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con sẽ gồm một trong những giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Văn bản xác nhận quan hệ cha con của cơ quan giám định, cơ quan y tế hoặc những cơ quan có thẩm quyền khác ở trong/ngoài nước.
- Nếu không có văn bản này thì phải có phim ảnh, thư từ, băng đĩa, đồ dùng, vật dụng khác để chứng minh quan hệ cha con và phải có văn bản cam đoan của cha mẹ về việc con là con chung của hai người. Ngoài ra, cần có ít nhất hai người thân thích của cha mẹ làm chứng.
Với tình huống mẹ bỏ đi không có thông tin này thì sẽ không thể có được văn bản cam đoan của cha mẹ về việc con là con chung của hai người. Không chỉ vậy, việc thu thập, sử dụng phim ảnh, thư từ, băng đĩa, đồ dùng, vật dụng khác để chứng minh quan hệ cha con cũng rất khó.
Do đó, phương án giải quyết tốt nhất, dễ thực hiện nhất sẽ là thực hiện xét nghiệm ADN để làm thủ tục nhận cha cho con theo đúng quy định pháp luật. Đây là phương pháp xác định quan hệ huyết thống chính xác nhất hiện nay (độ chính xác trên 99,999999%) và được công nhận tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Bản kết quả của xét nghiệm ADN pháp lý, xét nghiệm ADN khai sinh trả ra sẽ có hiệu lực pháp lý với các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị thực hiện xét nghiệm ADN sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về độ chính xác của kết quả này.
Xem thêm:
- Khi chưa ly hôn với vợ nhưng có con riêng ở ngoài, có làm xét nghiệm ADN để bổ sung tên cha vào giấy khai sinh cho con riêng được không?
- Khi mẹ chưa ly hôn với chồng nhưng có con với người mới, để làm giấy khai sinh cho con với cha đẻ thì cần làm gì?
Kết luận: Giấy khai sinh không chỉ là một giấy tờ thông thường mà còn là hộ tịch gốc của mỗi cá nhân, là cơ sở pháp lý chứng minh quyền, nghĩa vụ của cá nhân đó trong các mối quan hệ xã hội (quan hệ cha mẹ – con, quyền thừa kế, quyền đi học, bầu cử, ứng cử,…). Và việc làm giấy khai sinh cho con theo họ cha trong trường hợp mẹ bỏ đi không có thông tin này là hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để quá trình đăng ký diễn ra thuận lợi, suôn sẻ thì người cha phải tìm hiểu thật kỹ và cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cũng như tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.