Làm thế nào để đăng ký khai sinh cho con với cha đẻ khi mẹ chưa ly hôn và có con với người khác? Đây là trình trạng mà rất nhiều người đang gặp phải và được tư vấn, giải đáp một cách chi tiết, cụ thể.
Việc người mẹ đang trong tình trạng hôn nhân với người khác mà vẫn muốn để tên người cha thực sự của đứa trẻ trong giấy khai sinh là không được pháp luật công nhận. Nếu vẫn muốn làm giấy khai sinh cho con với cha đẻ thì bắt buộc người mẹ phải ly hôn với chồng và thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp xác định cha cho con tại Tòa án rồi mới có thể tiến hành các bước làm khai sinh cho con với người cha đẻ.
Chi tiết thông tin giải đáp, mời bạn đọc tham khảo trong bài viết NOVAGEN chia sẻ sau đây!
1. Chưa ly hôn với chồng nhưng có con với người mới thì có làm giấy khai sinh cho con theo họ cha đẻ được không?
Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về việc xác định cha mẹ thì:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân sẽ là con chung của vợ chồng. Trong đó, con được sinh ra trong thời gian 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân cũng thuộc trường hợp vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Ngoài ra, con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận sẽ là con chung của vợ chồng.
- Trường hợp cha mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ chứng minh và phải được xác định bởi Tòa án.
Ở trường hợp này, người mẹ chưa ly hôn với chồng và có con, sinh con với người mới trong thời kỳ hôn nhân nên khi đi khai sinh cho con thì vẫn phải để thông tin về cha trong giấy khai sinh là thông tin của người chồng hiện tại. Lúc này, tên người cha trên giấy khai sinh sẽ được xác định là tên của chồng hiện tại chứ không phải là của cha ruột đứa trẻ trừ trường hợp người chồng hợp pháp không thừa nhận con thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp xác định cha cho con tại Tòa án.
2. Cần làm gì khi mẹ chưa ly hôn với chồng nhưng có con với người mới và muốn làm giấy khai sinh cho con với cha đẻ?
Nếu người mẹ không muốn ghi tên chồng hiện tại vào giấy khai sinh của con thì người mẹ phải thực hiện thủ tục ly hôn và có giấy tờ chứng minh đó không phải là con của chồng, thông thường sẽ bằng kết quả xét nghiệm ADN cha con pháp lý rồi khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi con đang cư trú. Sau khi có quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật xác định cha cho con thì khi đó thủ tục đăng ký cấp giấy khai sinh cho con hoặc cải chính hộ tịch cho con (thay đổi tên người cha) mới được thực hiện.
Ngoài ra, nếu muốn để tên cha đẻ của con vào giấy khai sinh thì cha đẻ của con phải tiến hành làm thủ tục nhận cha con. Theo Luật Hộ tịch 2014 thì UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận sẽ là nơi thực hiện thủ tục đăng ký nhận cha con. Người yêu cầu đăng ký nhận cha con cần phải nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con cho cơ quan hộ tịch. Trong đó, chứng cứ chứng minh quan hệ cha con sẽ gồm có một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
- Văn bản xác nhận quan hệ cha con của các cơ quan giám định, cơ quan y tế, hoặc các cơ quan tổ chức có thẩm quyền khác.
- Nếu không có văn bản trên thì cha, mẹ phải lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha con và cần phải có ít nhất hai người thân thích làm chứng về mối quan hệ này.
Thông thường, để có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con thì cha, con nên thực hiện xét nghiệm ADN pháp lý vì đây là phương pháp xác định mối quan hệ huyết thống chính xác nhất hiện nay (trên 99,999999%) và được tất cả các quốc gia trên thế giới công nhận. Bản kết quả xét nghiệm ADN pháp lý, xét nghiệm ADN khai sinh trả ra sẽ có giá trị pháp lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị xét nghiệm ADN sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả này.
Sau thời hạn 3 ngày làm việc nếu thấy việc nhận cha con là đúng và không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào thì UBND sẽ tiến hành cấp giấy khai sinh cho con, trong đó có thông tin của cha đẻ.
Xem thêm:
- Xét nghiệm ADN khai sinh có cần giấy chứng sinh hay không?
- Bao lâu có kết quả xét nghiệm ADN để làm khai sinh cho con?
Tóm lại, việc đăng ký khai sinh cho con khi mẹ chưa ly hôn, có con với người mới là một vấn đề khá phức tạp. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần phải giải quyết một cách triệt để vì việc xác định đúng cha đẻ và hoàn thành thủ tục khai sinh không chỉ đảm bảo quyền lợi hợp pháp của trẻ mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các vấn đề liên quan đến nuôi dưỡng, chăm sóc và thừa kế sau này.