“Có thể bỏ trống thông tin mẹ khi đăng ký khai sinh không?” là câu hỏi được rất nhiều khách hàng của NOVAGEN quan tâm và muốn được giải đáp cụ thể.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì mỗi cá nhân sinh ra đều có quyền được khai sinh và thông thường, giấy khai sinh của con sẽ có đầy đủ thông tin của cả bố lẫn mẹ. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ mà thông tin về mẹ có thể được để trống, chi tiết được chia sẻ trong bài viết sau.
Nội dung:
1. Đăng ký khai sinh cho con có thể bỏ trống thông tin mẹ được không? Một số trường hợp cụ thể
Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Dân sự thì mọi cá nhân từ khi sinh ra đều có quyền được khai sinh. Do đó, quyền khai sinh là một trong những quyền dân sự mà trẻ em sinh ra đều được hưởng.
Thông thường, giấy khai sinh của con sẽ có đầy đủ thông tin của cả bố lẫn mẹ nhưng trong một số trường hợp thì việc đăng ký khai sinh cho con, bỏ trống thông tin mẹ vẫn có thể thực hiện được. Cụ thể như sau:
1.1. Bỏ trống thông tin mẹ khi mẹ bỏ đi
Đối với trường hợp bố mẹ sống chung với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn và sau khi sinh con, người mẹ bỏ đi không để lại giấy tờ tùy thân, không xác định được địa chỉ thì sau khi nhận được sự đồng ý của tư pháp, người bố sẽ đăng ký khai sinh kết hợp thực hiện thủ tục nhận con tại UBND xã nơi bố cư trú.
Thủ tục này sẽ không cần phải có ý kiến của người mẹ vì mẹ bỏ đi, không liên hệ được với mẹ và khi đăng ký khai sinh, phần khai về người mẹ trong giấy khai sinh cũng như sổ hộ tịch của con sẽ được để trống.
1.2. Bỏ trống thông tin mẹ khi mẹ mất
Đối với trường hợp mẹ mất, bố mẹ chưa đăng ký kết hôn thì tùy theo nhu cầu mà phần khai trong giấy khai sinh, sổ hộ tịch của con có thể có hoặc không có thông tin của mẹ.
Nếu muốn có thông tin của mẹ thì cần người nhà của mẹ (ông ngoại, bà ngoại) sẽ đến xác nhận tại UBND xã nơi mẹ cư trú.
Nếu không muốn để thông tin của mẹ thì sau khi nhận được sự đồng ý của tư pháp, người bố sẽ đăng ký khai sinh kết hợp thực hiện thủ tục nhận con tại UBND xã nơi bố cư trú.
1.3. Trường hợp mẹ tự nguyện bỏ quyền giám hộ
Trường hợp bố mẹ chưa kết hôn mà mẹ tự nguyện bỏ quyền giám hộ thì cần có sự tham gia của cả bố lẫn mẹ và viết giấy cam kết xác nhận trao quyền giám hộ/quyền nuôi con cho người bố.
Tiếp đó, sau khi nhận được sự đồng ý của tư pháp thì người bố sẽ tiến hành đăng ký khai sinh kết hợp thực hiện thủ tục nhận con tại UBND xã nơi bố cư trú.
2. Cần chuẩn bị những giấy tờ gì để đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha con?
Để thực hiện đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha con, bỏ trống thông tin mẹ trong các trường hợp trên thì cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:
2.1. Giấy tờ phải nộp
- Tờ khai đăng ký nhận cha con và tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu đã quy định.
- Bản chính giấy chứng sinh (Nếu không có giấy chứng sinh thì cần nộp văn bản của người làm chứng về việc sinh và trong trường hợp trông có văn bản trên thì cần phải có giấy cam đoan về việc sinh).
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con.
2.2. Giấy tờ phải xuất trình
- Hộ chiếu, căn cước hoặc giấy tờ tùy thân khác có thông tin cá nhân, có dán ảnh còn giá trị sử dụng được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền để chứng minh nhân thân của người yêu cầu thực hiện thủ tục nhận cha con kết hợp đăng ký khai sinh.
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Lưu ý: Nếu những giấy tờ này đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người yêu cầu thực hiện thủ tục sẽ không phải xuất trình và hệ thống sẽ tự động điền.
3. Tại sao cần làm xét nghiệm ADN pháp lý khi khai sinh cho con, bỏ trống thông tin mẹ?
Theo quy định tại Điều 11 của Thông tư số 15/2015/TT-BTP, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con sẽ gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
- Văn bản xác nhận mối quan hệ cha con được cấp bởi các cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan có thẩm quyền khác ở trong/ngoài nước.
- Nếu không có văn bản trên thì cần sử dụng các bằng chứng khác như ghi âm, hình ảnh, video, thư từ,… làm chứng cứ chứng minh quan hệ cha con và cần có bản cam kết của cả bố lẫn mẹ để xác nhận con là con chung của 2 người. Ngoài ra, còn cần ít nhất 2 người thân thích của bố, mẹ làm chứng về điều này.
Trong trường hợp mẹ mất hay mẹ bỏ đi thì việc cung cấp bản cam kết của bố mẹ để xác nhận con là con chung của cả 2 người rất khó có thể thực hiện được. Do đó, để quá trình đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha con được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi thì cần thực hiện xét nghiệm ADN pháp lý để sử dụng bản kết quả làm chứng cứ chứng minh quan hệ huyết thống.
Vì ADN mỗi người là duy nhất, không thay đổi theo thời gian và ADN của con luôn được nhận từ 50% ADN của mẹ, 50% ADN của bố nên có thể nói, xét nghiệm ADN là phương pháp xác định quan hệ huyết thống chính xác nhất hiện nay với độ chính xác đạt tới 99,999999%.
Kết quả xét nghiệm ADN pháp lý, xét nghiệm ADN khai sinh trả ra sẽ có hiệu lực pháp lý đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như UBND, Tòa án, Đại sứ quán,… và đơn vị thực hiện xét nghiệm ADN pháp lý phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của kết quả này.
Xem thêm:
- Xét nghiệm ADN khai sinh có cần giấy chứng sinh hay không?
- Bao lâu có kết quả xét nghiệm ADN để làm khai sinh cho con?
Kết luận: Trong một số trường hợp như bố mẹ chưa đăng ký kết hôn mà mẹ bỏ đi, mẹ mất hoặc mẹ tự nguyện bỏ quyền giám hộ,… thì hoàn toàn có thể bỏ trống thông tin mẹ khi đăng ký khai sinh cho con được. Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà quy trình, thủ tục thực hiện sẽ có phần khác biệt và bạn nên phải tìm hiểu kỹ lưỡng để có thể chuẩn bị một cách đầy đủ nhất!