Xét nghiệm NIPT là một loại xét nghiệm sàng lọc trước sinh dùng để đánh giá nguy cơ thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể. Tức là, xét nghiệm NIPT chỉ kết luận về khả năng thai nhi mắc bệnh, chứ không kết luận rằng chắc chắn thai nhi có bệnh hay không. Như vậy có nghĩa là luôn có 1 tỷ lệ NIPT dương tính giả/ âm tính giả khi làm xét nghiệm NIPT. Vậy NIPT dương tính giả và NIPT âm tính giả nguyên nhân do đâu?
Nội dung:
I. NIPT dương tính giả là gì? NIPT âm tính giả là gì?
- Dương tính giả là trường hợp kết quả NIPT cho thấy thai nhi có nguy cơ cao mắc các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể dẫn tới dị tật. Tuy nhiên trên thực tế thai nhi hoàn toàn bình thường.
- Âm tính giả là trường hợp kết quả NIPT cho thấy thai nhi có nguy cơ thấp (hoặc gần như không có nguy cơ) mắc các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể dẫn tới dị tật. Tuy nhiên trên thực tế thai nhi có các bất thường trên nhiễm sắc thể.
Tỷ lệ dương tính giả và âm tính giả ở NIPT tương đối thấp. Theo báo cáo, tỷ lệ NIPT dương tính giả là và tỷ lệ NIPT âm tính giả là dưới 2%.
II. Nguyên nhân NIPT dương tính giả
1. Khảm thai-nhau thai
Khảm thai-nhau thai là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự khác biệt giữa kết quả xét nghiệm NIPT và xét nghiệm chẩn đoán, lên tới 20%
Hiện tượng khảm chiếm tỷ lệ khoảng 1 – 2% ở các chu kỳ mang thai tự nhiên, và cao hơn một chút ở các ca thực hiện hỗ trợ sinh sản như IVF, IVM, IUI.
Khi xuất hiện khảm nhau thai (khảm khu trú bánh nhau), tại nhau thai sẽ xuất hiện nhiều dòng tế bào bất thường khác nhau về bộ NST, trong khi đó, thai nhi có bộ NST hoàn toàn bình thường.
Như vậy, khi làm xét nghiệm NIPT phân tích ADN tự do được giải phóng từ nhau thai sẽ cho kết quả NIPT là dương tính, nhưng trên thực tế thai nhi lại hoàn toàn bình thường.
2. Song thai tiêu biến
Song thai tiêu biến (Vanishing Twins) là sự biến mất của phôi hoặc túi thai sau khi đã có tim thai ở cả hai thai nhi trong một thai kỳ song thai. Tỷ lệ xuất hiện song thai tiêu biến là 10%-9% ở các thai kỳ IVF.
Song thai tiêu biến (Vanishing Twins) có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm NIPT. Lý do là bởi ADN tự do từ song thai tiêu biến vẫn xuất hiện trong máu của người mẹ cho đến ít nhất 8 tuần, thậm chí 15 tuần sau đó.
Thai tiêu biến chủ yếu do bất thường nhiễm sắc thể, và như vậy khi xét nghiệm NIPT trên mẫu máu mẹ có song thai tiêu biến, tỷ lệ NIPT dương tính giả sẽ cao hơn đáng kể.
Với những sản phụ mang song thai tiêu biến thì nên chờ ít nhất 8 tuần kể từ khi phát hiện ra thai tiêu biến mới thực hiện lấy máu xét nghiệm NIPT. Lúc này, phân số thai nhi (FF) của thai tiêu biến đã giảm đáng kể và ít khả năng gây dương tính giả NIPT
3. Thai phụ mắc ung thư
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi thai phụ mắc ung thư thì khi xét nghiệm NIPT cho thai nhi sẽ có tỷ lệ dương tính giả cao.
Lý do là bởi sự xuất hiện của các tế bào ác tính trong khối u tiềm ẩn của người mẹ có thể giải phóng các ADN tự do vào trong máu mẹ, làm cho tổng số ADN tự do của mẹ tăng lên, khi phần mềm tiến hành so sánh với mẫu tham chiếu và đọc kết quả sẽ dễ dàng cho kết quả NIPT bị sai lệch.
Nếu thai phụ không được phát hiện ung thư trước thai kỳ, thì đây sẽ là một yếu tố góp phần gây nên kết quả NIPT dương tính giả. Bên cạnh đó, cũng có một vài nghiên cứu báo cáo về việc có thể phát hiện được bệnh ác tính của mẹ thông qua xét nghiệm NIPT. Bởi một giả thuyết cho rằng, khi nguy cơ mắc dị tật ở thai nhi tăng cao là tiềm ẩn nguy cơ do xuất hiện bệnh ác tính ở mẹ.
Theo thống kê, ung thư vú, ung thư gan, ung thư hạch và ung thư dạ dày là những loại ung thư phổ biến nhất hay gặp ở phụ nữ mang thai.
4. Khảm nhiễm sắc thể ở mẹ
Giống như ung thư, khảm nhiễm sắc thể ở mẹ cũng là một yếu tố gây nên kết quả NIPT dương tính giả với nguyên lý tương tự. Trường hợp khảm nhiễm sắc thể ở mẹ có thể làm gia tăng số lượng ADN tự do của tế bào bất thường và trong ADN tự do tổng số lưu thông trong máu mẹ. Nếu tình trạng này của mẹ không được phát hiện trước mang thai, thì kết quả NIPT có thể sai lệch đáng kể so với thực tế.
Do đó, thai phụ nên được thăm khám kỹ lưỡng trước khi mang thai, và đặc biệt là cần chia sẻ về tình trạng bệnh lý hiện tại, tiền sử gia đình để việc sàng lọc và chẩn đoán thai kỳ được diễn ra một cách thuận lợi nhất.
III. Nguyên nhân NIPT âm tính giả
2.1. Khảm thai nhi
Khảm thai nhi – nhau thai có thể gây nên âm tính giả khi làm NIPT, theo cơ chế ngược lại với NIPT dương tính giả.
Cụ thể, khi xảy ra hiện tượng khảm thai nhi, sẽ có những trường hợp mà các tế bào thai nhi có bất thường về nhiễm sắc thể, nhưng nhau thai lại có bộ nhiễm sắc thể bình thường. Vì thế khi phân tích ADN tự do giải phóng từ nhau thai có trong máu thai phụ sẽ không thể phát hiện ra một số bất thường về nhiễm sắc thể ở thai nhi.
Đây là hiện tượng dễ gặp ở Trisomy 13 và Trisomy 18, tuy nhiên lại rất hiếm khi xảy ra ở Trisomy 21.
2.2. Phân số thai nhi (FF) quá thấp
Phân số thai nhi (FF) là phép chia giữa ADN tự do của thai nhi với tất cả ADN tự do có trong của mẹ. FF quá thấp cũng có thể gây nên âm tính giả NIPT.
Trong trường hợp lượng ADN tự do của thai nhi quá ít, thì phân số thai nhi sẽ rất thấp khiến việc đọc kết quả rất khó, thậm chí không đọc được kết quả và một số trường hợp có thể cho kết quả âm tính giả.
2.3. Xét nghiệm NIPT quá sớm có thể cho kết quả không chính xác
Lượng ADN tự do của thai nhi tăng theo tuổi thai và đến tuần thai thứ 9, lượng ADN tự do sẽ ổn định. Đây cũng là thời điểm nên thực hiện xét nghiệm NIPT để đảm bảo có được kết quả chính xác. Nếu làm xét nghiệm quá sớm (trước tuần thai thứ 9), lượng ADN tự do của thai nhi quá thấp sẽ gây khó khăn cho việc đọc kết quả hoặc cho kết quả âm tính giả.
Tham khảo: Xét Nghiệm NIPT Tuần Bao Nhiêu Để Kết Quả Chính Xác Nhất?
2.4. Thai phụ béo phì
Chỉ số khối cơ thể của mẹ cũng có ảnh hưởng đến tổng số ADN tự do. Đối với những mẹ bầu béo phì, nồng độ ADN tự do tổng số sẽ tăng lên. Điều này không ảnh hưởng đến ADN tự do của thai nhi. Tuy nhiên, khi ADN tự do tổng của mẹ bầu tăng lên thì phân số thai nhi có thể giảm đi và làm tăng nguy cơ âm tính giả NIPT.
2.6. Một số nguyên nhân khác
- Các biến thể vật chất di truyền của người mẹ: Dù hiếm gặp nhưng sự mất đoạn vật chất di truyền của người mẹ cũng chính là một trong những nguyên nhân làm sai lệch kết quả NIPT.
- Các vấn đề về kỹ thuật: Một số lỗi kỹ thuật trong quy trình thực hiện xét nghiệm như công nghệ tách chiết ADN tự do, giải trình tự gen, phần mềm đọc kết quả, trình độ chuyên môn của bác sĩ, chất lượng máy móc,… cũng ảnh hưởng rất lớn đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm. Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nghiên cứu, khắc phục và ứng dụng những công nghệ mới để hạn chế tối đa sai lệch.
Nguồn tham khảo: NOVAGEN