Mẫu tro cốt có làm xét nghiệm ADN hài cốt được không? Hầu như không thể làm xét nghiệm ADN từ mẫu tro cốt được. Vì tro cốt sau khi hỏa táng ở nhiệt độ rất cao trở thành dạng bột mịn gần như đã không còn chứa ADN nữa. Đôi khi tro cốt còn sót lại các mẩu xương và răng tuy nhiên lượng ADN trong đây cũng còn rất ít, gần như không đủ để xét nghiệm ADN.
Nội dung:
Mẫu tro cốt có làm xét nghiệm ADN hài cốt được không?
Mẫu tro cốt hầu như không thể làm xét nghiệm ADN hài cốt được.
Nhiệt độ hỏa thiêu thi thể dao động từ 760 độ C cho tới xấp xỉ 1000 độ C và ở mức nhiệt khắc nghiệt kéo dài từ ít nhất 2-3 giờ đồng hồ này, các mô mềm của cơ thể cùng với phần lớn xương và răng sẽ bị phân hủy hoàn toàn.
Các mảnh xương và răng còn sót lại sau khi hỏa thiêu sẽ không còn kết cấu vững chắc mà đã trở nên mềm hơn đáng kể và sẽ tiếp tục được nghiền đến khi toàn bộ phần tro cốt trở thành bột mịn.
Vì vậy, khi bạn nhận được tro cốt của người thân thi toàn bộ cơ thể bao gồm cả xương và răng đã nghiền thành bột. Các thành phần ADN lúc này gần như đã bị phân hủy hết hoặc lẫn vào phần tro cốt và như vậy, hầu như không thể nào xét nghiệm ADN từ mẫu tro cốt đã hỏa táng, ngay cả với công nghệ xét nghiệm ADN tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay
Trong một số trường hợp, quá trình hỏa táng sẽ không có thêm bước nghiền xương và răng thành hỗn hợp bột mịn. Tức là phần xương, răng còn sót lại có khả năng tiến hành xét nghiệm ADN, song quá trình này rất phức tạp và khả năng thành công rất thấp.
Lý do là bởi, không chỉ vì lượng ADN còn sót lại rất thấp, hay chất lượng ADN thu được dưới nhiệt độ cao kém hơn đáng kể, mà còn vì ADN đã bị nhiễm bẩn do các nguồn ADN bên ngoài, ADN lạ trong cơ thể, nhiễm bẩn từ tro,… Đây là trường hợp nhiễm mẫu – lẫn mẫu ADN và nó có thể dẫn đến khả năng nhầm lẫn hoặc kết quả sai trong quá trình phân tích ADN.
Có thể làm xét nghiệm ADN hài cốt được trong những trường hợp nào?
Có thể thực hiện xét nghiệm ADN hài cốt khi thi thể được chôn cất ở điều kiện phù hợp, tốc độ phân hủy chậm, thời gian chôn cất chưa quá lâu. Mẫu xương vẫn còn tương đối chắc chắn, chứa nhiều ADN trong tủy xương. Tuy nhiên, để kết luận chính xác mẫu xương có xét nghiệm ADN hài cốt được hay không cần phải trực tiếp giám định trong phòng thí nghiệm.
Để có thể xét nghiệm ADN hài cốt, mẫu xương cần đáp ứng 2 tiêu chí như sau:
- Kích thước đoạn xương lớn: ưu tiên chọn các phần xương đùi, xương ống chân (tay) có độ dài từ 5cm trở lên. Lý do là bởi ở những phần xương có kích thước lớn, phần tủy xương chứa nhiều ADN để làm xét nghiệm.
- Kết cấu xương chắc chắn: mẫu xương còn cứng cáp, còn nguyên vẹn, khi chạm tay vào không bị nát vụn. Những phần xương đã mục nhiều khả năng đã không còn chứa ADN trong phần ống xương nữa mà đã bị phân hủy hết.
Điều kiện chôn cất để xương có thể xét nghiệm ADN hài cốt bao gồm 2 yếu tố:
- Thời gian chôn ngắn: Thông thường mẫu xương được chôn cất dưới 10 năm được coi là có thời gian chôn ngắn và do đó có nhiều khả năng xét nghiệm ADN được.
- Điều kiện chôn tốt: Tức là độ ẩm thấp, nhiệt độ không quá nóng, độ sâu của huyệt mộ không quá nông, ưu tiên chôn ở đất đồi (khô ráo) hơn là đất ruộng (ẩm thấp).
Lý do là bởi, ở điều kiện chôn cất tốt, xương sẽ có tốc độ phân hủy chậm và do đó, bảo toàn được lượng ADN có trong ống xương. Nếu như được chôn trong điều kiện tốt thì mẫu xương đã chôn trong 50-60 năm hoàn toàn có thể xét nghiệm ADN. Tuy nhiên nếu điều kiện chôn cất sơ sài, nhiệt độ và môi trường làm xương mục nhanh thì kể cả với thời gian chôn ngắn, xương vẫn có thể không xét nghiệm ADN được.
Để kết luận chính xác một mẫu xương có thể xét nghiệm ADN được hay không sẽ cần trực tiếp tiến hành giám định trong phòng thí nghiệm. Những yếu tố liên quan đến điều kiện chôn cất và thời gian chôn cất được dùng để dự báo và ước tính, và do đó vẫn có thể có những sai lệch nhất định.
Tốt nhất gia đình nên gửi mẫu xương tới phòng thí nghiệm để tiến hành giám định bước đầu về khả năng tồn tại ADN cũng như xác định xem mẫu xương có xét nghiệm ADN được không.
Tham khảo: Một số thắc mắc về xét nghiệm ADN hài cốt bằng xương và răng
Giá xét nghiệm ADN hài cốt có đắt không?
Hiện nay chi phí xét nghiệm ADN hài cốt là từ 12.000.000 VNĐ/ca xét nghiệm (gồm 1 mẫu hài cốt và 1 mẫu ADN của người thân).
Hiện nay, để tiết kiệm chi phí cho khách hàng, các đơn vị xét nghiệm ADN sẽ tiến hành phân tích mẫu hài cốt trước, sau khi phân tích xong mẫu hài cốt mới phân tích đến mẫu thân nhân. Trường hợp mẫu hài cốt không có ADN, hoặc không thể xét nghiệm được Trung tâm vẫn thu đầy đủ chi phí xét nghiệm cho mẫu hài cốt và hoàn trả lại cho gia đình chi phí mẫu xét nghiệm thân nhân.
Chú ý: Với xét nghiệm ADN hài cốt, chỉ sử dụng mẫu ADN người thân bên dòng mẹ (họ hàng bên ngoại), bao gồm các mối quan hệ như sau:
- Mẹ con ruột
- Anh chị em ruột cùng mẹ
- Dì, bác là nữ (chị em gái ruột của mẹ) với cháu trai hoặc gái
- Cậu, bác là nam (anh em trai ruột của mẹ) với cháu trai hoặc gái
- Bà ngoại với cháu trai hoặc gái
Lý do là bởi: ADN có trong mẫu xương cốt là ADN ty thể, nằm ở ty thể của tế bào và chỉ di truyền từ mẹ sang các con. Như vậy, xét nghiệm ADN hài cốt chỉ có thể xác định được mối quan hệ huyết thống giữa những người cùng họ hàng bên ngoại.
Kết luận
Hầu như không thể làm xét nghiệm ADN từ mẫu tro cốt đã hỏa thiếu được. Bởi sau khi hỏa thiêu, tro cốt không còn hoặc chứa rất ít thành phần ADN có thể xét nghiệm ra kết quả.