Thủ tục cấp lại thẻ căn cước là thủ tục được thực hiện để cấp lại giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam. Cụ thể, những trường hợp sau đây sẽ được cấp lại thẻ căn cước:
- Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp đến độ tuổi phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước (14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi).
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
Vậy thủ tục cấp lại thẻ căn cước được thực hiện như thế nào? Tham khảo ngay bài viết NOVAGEN chia sẻ sau đây để tìm hiểu một cách chi tiết, cụ thể nhất!
*Bài viết được NOVAGEN thực hiện dựa trên những thông tin TIÊU CHUẨN, CHÍNH XÁC, ĐÚNG NHẤT tham khảo từ Cổng Dịch Vụ Công Quốc Gia.
1. Trình tự thực hiện thủ tục cấp lại thẻ căn cước
Dựa theo quy định tại Luật Căn cước 2023 và các Thông tư, Nghị định hướng dẫn, thủ tục cấp lại thẻ căn cước được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1:
- Công dân đến cơ quan quản lý căn cước của Công an cấp huyện, của Công an cấp tỉnh hoặc của Bộ Công an để đề nghị cấp lại thẻ căn cước.
- Công dân thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia lựa chọn thủ tục cấp lại thẻ căn cước, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ căn cước đến cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đề nghị cấp thẻ căn cước.
- Trường hợp người đề nghị cấp lại thẻ căn cước là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi thì hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước phải có giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi;
Bước 2: Cán bộ thu nhận thông tin công dân tìm kiếm thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp lại thẻ căn cước.
Bước 3:
- Trường hợp cấp lại thẻ căn cước do bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được thì cán bộ thu nhận sử dụng thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt đã được thu nhận lần gần nhất và các thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước.
- Trường hợp cấp lại thẻ căn cước quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước (Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam), các bước thực hiện như đối với thủ tục cấp mới thẻ căn cước.
- Trường hợp công dân không đủ điều kiện cấp lại thẻ căn cước thì từ chối tiếp nhận và nêu rõ lý do, thông báo về việc từ chối giải quyết thủ tục về căn cước (mẫu CC03 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2024/TT-BCA ngày 15/5/2024 của Bộ Công an).
Bước 4: Tiến hành thu nhận vân tay, chụp ảnh khuôn mặt và thu nhận ảnh mống mắt của công dân (áp dụng với trường hợp cấp lại thẻ căn cước quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước).
Việc tích hợp thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói sẽ được thực hiện khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Bước 5: In Phiếu thu nhận thông tin căn cước chuyển cho công dân hoặc người đại diện của người dưới 14 tuổi kiểm tra, ký xác nhận đối với trường hợp công dân trực tiếp đến thực hiện thủ tục cấp lại tại cơ quan quản lý căn cước của Công an cấp huyện, của Công an cấp tỉnh hoặc của Bộ Công an.
Bước 6: Thu thẻ căn cước cũ (nếu có), thu lệ phí (nếu có) và cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết thủ tục về căn cước cho công dân (mẫu CC02 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2024/TT-BCA ngày 15/5/2024 của Bộ Công an) (bản giấy hoặc bản điện tử).
Bước 7: Nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc trả qua dịch vụ bưu chính đến địa chỉ theo yêu cầu.
2. Cách thức thực hiện việc cấp lại thẻ căn cước
Hồ sơ thực hiện thủ tục cấp lại thẻ căn cước được nộp thông qua 2 hình thức chính là trực tiếp hoặc trực tuyến. Cụ thể:
- Trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý căn cước của Công an cấp huyện, của Công an cấp tỉnh hoặc của Bộ Công an.
- Thực hiện trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Ứng dụng định danh quốc gia.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ là giờ hành chính các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật). Thời hạn giải quyết thủ tục cấp đổi thẻ căn cước là trong vòng 7 ngày làm việc.
3. Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục cấp lại căn cước
Để thực hiện thủ tục cấp đổi căn cước thì cần có những giấy tờ, tài liệu sau:
- Phiếu thu nhận thông tin căn cước (Mẫu CC01 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2024/TT-BCA của Bộ Công an). Phiếu được tạo lập khi trích xuất thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và in trong quá trình thu nhận hồ sơ căn cước để công dân kiểm tra và ký xác nhận.
- Phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước (Mẫu DC02 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2024/TT-BCA của Bộ Công an). Phiếu này là biểu mẫu điện tử, công dân kê khai đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến.
- Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi thì hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước phải có giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi.
Bài viết trên, NOVAGEN đã chia sẻ tới cho bạn đọc tham khảo chi tiết thủ tục cấp lại thẻ căn cước mới nhất, bao gồm trình tự, cách thức thực hiện và thành phần hồ sơ cần có.
Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần hỗ trợ trong việc thực hiện thủ tục này, hãy liên hệ ngay đến số hotline NOVAGEN để được đội ngũ chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm tư vấn một cách cụ thể và chính xác nhất!