Mẫu xét nghiệm là một trong những yếu tố khách hàng cần quan tâm hàng đầu khi có nhu cầu làm thủ tục xét nghiệm ADN. Mẫu xét nghiệm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác của xét nghiệm ADN. Chính vì vậy, việc phòng ngừa hiện tượng lẫn mẫu – nhiễm mẫu sẽ giúp cho quá trình tiến hành xét nghiệm diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, tránh sai lệch kết quả. Vậy lẫn mẫu – nhiễm mẫu xét nghiệm ADN là gì? Nguyên nhân nào dẫn tới hiện tượng lẫn mẫu – nhiễm mẫu? Làm thế nào để tránh lẫn mẫu – nhiễm mẫu xét nghiệm? Hãy cùng tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây.
Nội dung:
1. Mẫu xét nghiệm ADN là gì?
Mẫu xét nghiệm ADN là các vật chất sinh học được sử dụng để phân tích và xác định thông tin di truyền của một cá nhân. Thông qua các mẫu này, các chuyên gia có thể thực hiện xét nghiệm ADN để kiểm tra quan hệ huyết thống.
Tới thời điểm hiện tại, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới, mẫu xét nghiệm ADN đã được mở rộng ra đối với nhiều loại sinh phẩm khác nhau, trong đó bao gồm:
– 4 loại mẫu được sử dụng phổ biến: mẫu máu, tế bào niêm mạc miệng, mẫu tóc có chân, móng tay và móng chân.
– Những loại mẫu đặc biệt và bí mật khác: mẫu cuống rốn, bàn chải đánh răng, bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá, xương, răng, tinh dịch…
Với mỗi loại đều cần có lưu ý đặc biệt khi thu mẫu. Đồng thời, mỗi loại mẫu sinh phẩm cũng đi kèm với chi phí xét nghiệm và thời gian trả kết quả khác nhau. Do đó, việc tìm hiểu kỹ về các yếu tố này giúp bạn có thể lựa chọn phương pháp thu mẫu phù hợp nhất, đồng thời đảm bảo trải nghiệm xét nghiệm ADN là tốt nhất.
Xem thêm bài viết: Xét nghiệm ADN bằng mẫu gì? 10 loại mẫu cho kết quả chính xác
2. Lẫn mẫu – nhiễm mẫu xét nghiệm ADN là gì?
– Lẫn mẫu xét nghiệm ADN là hiện tượng xảy ra khi mẫu ADN được thu nhận không phải của người được đăng ký làm xét nghiệm. Hiện tượng này rất khó phát hiện ra trong quá trình xét nghiệm và có thể đem lại kết quả mối quan hệ huyết thống không chính xác.
– Nhiễm mẫu xét nghiệm ADN là hiện tượng xảy ra khi ADN từ một mẫu xét nghiệm này bị nhiễm bởi ADN từ mẫu của người khác. Hiện tượng này hoàn toàn có thể được phát hiện ra trong quá trình xét nghiệm. Tuy nhiên nó sẽ gây mất thời gian, khó khăn khi cần phải thu mẫu lần thứ 2.
Điều này có thể xảy ra trong quá trình thu mẫu, vận chuyển, hoặc xử lý mẫu. Khi mẫu xét nghiệm bị nhiễm, có khả năng làm tăng nguy cơ xuất hiện sai sót trong kết quả xét nghiệm ADN và có thể dẫn đến những hiểu lầm về di truyền hoặc mối quan hệ gia đình.
Các trường hợp mẫu bị lẫn mẫu, nhiễm mẫu thường gặp khi khách hàng tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà để làm xét nghiệm ADN dân sự, tự nguyện.
3. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lẫn mẫu, nhiễm mẫu xét nghiệm
Việc khách hàng tự thu mẫu tại nhà và với các mẫu thuộc dạng mẫu như tóc, móng tay hoàn toàn có thể xảy ra rủi ro làm giảm chất lượng mẫu, ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm như:
– Thu mẫu không theo hướng dẫn từ chuyên viên tư vấn của Trung tâm xét nghiệm:
Đa phần tình trạng nhiễm mẫu xảy ra khi khách hàng không vệ sinh dụng cụ lấy mẫu đúng cách, nhất là bấm móng tay. Khi cắt móng tay của người được đăng ký xét nghiệm, có thể xảy ra trường hợp niêm mạc da của người khác dùng cắt móng trước đó vẫn lưu lại tại đầu dụng cụ bấm móng tay.
Trường hợp khác là móng tay của người được thu mẫu chưa vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt với những những em bé thường được cưng nựng, rất dễ xảy ra tình trạng niêm mạc miệng (nước bọt) của người khác (mẹ/bà) bị dính vào móng tay. Ví dụ khi tay bé bị dính thức ăn, mẹ/bà có thể đưa tay bé vào miệng mình để làm sạch.
– Nhầm lẫn mẫu giữa các thành viên trong gia đình.
Ví dụ: Sợi tóc của thành viên này rơi vào phong bì đựng tóc của thành viên khác.
– Bị tráo mẫu.
Ví dụ: Thành viên trong gia đình cố tình tráo mẫu để làm thay đổi kết quả
– Thông tin kèm theo mẫu không đầy đủ hoặc không chính xác.
Ví dụ: Phong bì ghi tên thành viên này nhưng lại để nhầm mẫu của thành viên khác.
4. Làm sao để tránh hiện tượng lẫn mẫu, nhiễm mẫu xét nghiệm ADN?
Để tránh lẫn mẫu nhiễm mẫu xét nghiệm và đảm bảo chất lượng của mẫu, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau khi tự thu mẫu tại nhà:
– Rửa tay sạch sẽ: Trước khi thu mẫu hoặc tiếp xúc với mẫu, hãy rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước. Sử dụng cả nước rửa tay có chứa cồn nếu cần.
– Vệ sinh dụng cụ trước khi lấy mẫu: Đảm bảo rằng tất cả các vật dụng sử dụng để lấy mẫu (dụng cụ cắt móng tay, nhíp,…) sạch sẽ và không có dấu vết nhiễm bẩn.
– Đeo bảo hộ: Nên đeo bảo hộ như găng tay, hạn chế cầm tay trực tiếp vào các mẫu để giảm nguy cơ truyền các dấu vết tay, mồ hôi, hoặc chất từ da vào mẫu, giữ cho mẫu được bảo quản và xử lý một cách tốt nhất.
– Tránh làm lẫn mẫu: trong trường hợp có nhiều người tham gia xét nghiệm, hãy đảm bảo rằng mẫu của mỗi người đều được đặt vào đúng bao bì và không làm lẫn chúng vào nhau. Điều này quan trọng đặc biệt đối với các loại xét nghiệm ADN.
– Thời gian lấy mẫu: Lấy mẫu theo đúng thời gian và điều kiện được quy định. Một số loại mẫu có thể yêu cầu được lấy vào buổi sáng sớm hoặc trước khi ăn uống.
Bảo quản mẫu đúng cách: Bảo quản mẫu theo điều kiện được quy định để ngăn chặn sự mất mát chất lượng và tránh nhiễm bẩn, bao gồm cả nhiệt độ và thời gian bảo quản. Lưu ý rằng một số loại mẫu có thể yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt.
– Sử dụng dung cụ một lần: Một số loại mẫu yêu cầu sử dụng dung cụ một lần. Hãy chắc chắn rằng bạn đang sử dụng các vật dụng một lần đóng gói và không tái sử dụng chúng.
– Liên hệ với chuyên gia: Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hoặc nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về cách lấy mẫu, hãy liên hệ trực tiếp với trung tâm xét nghiệm để được hỗ trợ.
Bằng cách thực hiện những biện pháp trên, bạn có thể giảm thiểu rủi ro lẫn mẫu, nhiễm mẫu và đảm bảo rằng kết quả xét nghiệm là chính xác và tin cậy.
Nguồn: NOVAGEN