Hội chứng Down thể khảm là gì?

Mỗi tế bào trong cơ thể con người đều bắt nguồn từ một tế bào ban đầu: trứng đã thụ tinh, còn được gọi là hợp tử. Sau khi thụ tinh, hợp tử sẽ tiến hành phân chia.

Khi các tế bào mới hình thành, các nhiễm sắc thể tự nhân đôi để các tế bào tạo thành có cùng số lượng nhiễm sắc thể như tế bào ban đầu. Tuy nhiên, đôi khi vẫn xảy ra sai sót và một tế bào kết thúc với số lượng nhiễm sắc thể khác nhau. Kể từ đó trở đi, tất cả các tế bào bắt nguồn từ tế bào đó sẽ có số lượng nhiễm sắc thể khác nhau, trừ khi một lỗi khác xảy ra. (Tất cả các tế bào giống nhau bắt nguồn từ một loại tế bào duy nhất được gọi là dòng tế bào gốc; ví dụ: dòng tế bào da, dòng tế bào máu, dòng tế bào não...).

Khi một người có nhiều hơn một kiểu hình thái nhiễm sắc thể, đó được gọi là thể khảm, giống như phong cách nghệ thuật khảm trong đó một bức tranh được tạo thành từ các viên gạch có màu sắc khác nhau.

Trong hội chứng Down, thể khảm có nghĩa là một số tế bào của cơ thể có trisomy 21, và một số có số lượng nhiễm sắc thể điển hình.

Chẩn đoán hội chứng Down thể khảm bằng cách nào?

Cách thông thường mà hội chứng Down dạng khảm được phát hiện là thông qua xét nghiệm di truyền máu của em bé.

Ban đầu, mẫu gồm 20 đến 25 tế bào sẽ được kiểm tra sơ bộ. Nếu một số tế bào có hiện tượng trisomy 21 và một số thì không, quá trình chẩn đoán bệnh khảm sẽ được thực hiện.

Tuy nhiên, xét nghiệm máu này chỉ có thể xác định mức độ khảm trong dòng tế bào máu.

Mặc dù hiện tượng khảm có thể xảy ra chỉ trong một dòng tế bào (một số tế bào máu có thể ba nhiễm sắc thể 21 và số còn lại thì không), thể khảm cũng có thể xảy ra trên các dòng tế bào khác (tế bào da có thể có thể ba nhiễm sắc thể 21 trong khi các dòng tế bào khác thì không).

Trong trường hợp thứ hai, việc chẩn đoán hội chứng Down thể khảm sẽ khó khăn hơn.

Khi nghi ngờ bệnh khảm nhưng không được xác nhận thông qua xét nghiệm máu, các loại tế bào khác có thể được xét nghiệm: da và tủy xương thường là những tế bào tiếp theo được kiểm tra.

Bởi vì các tế bào da và tế bào não phát sinh từ cùng một loại tế bào khi bắt đầu phát triển bào thai (ectoderm), nhiều bác sĩ tin rằng các xét nghiệm tế bào da cũng phản ánh cấu trúc nhiễm sắc thể của các tế bào não.

Thể khảm xảy ra thế nào trong hội chứng Down?

Có hai cách khác nhau qua đó dạng thể khảm của hội chứng Down có thể xảy ra:

* Hợp tử ban đầu có ba nhiễm sắc thể thứ 21, thông thường sẽ dẫn đến thể ba nhiễm sắc thể 21 đơn giản, nhưng trong quá trình phân chia tế bào, một hoặc nhiều dòng tế bào đã mất một trong các nhiễm sắc thể thứ 21.

* Hợp tử ban đầu có hai nhiễm sắc thể thứ 21, nhưng trong quá trình phân chia tế bào, một trong hai nhiễm sắc thể thứ 21 đã được nhân đôi.

Có thể xác định nguồn gốc của bệnh khảm trong các trường hợp riêng lẻ bằng cách sử dụng các chỉ thị ADN đặc biệt, nhưng điều này không được thực hiện thường xuyên.

Hội chứng Down thể khảm có khác biệt gì so với Trisomy 21

Hầu hết trẻ mắc hội chứng Down bị suy giảm nhận thức từ nhẹ đến trung bình, có khó khăn về ngôn ngữ, cả trí nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn đều kém.

Trong khi đó, những người mắc hội chứng Down thể khảm có thể không có nhiều biểu hiện nhìn được bằng mắt thường và cũng ít mắc các biểu hiện khác của bệnh.

Ở thời điểm hiện tại, chưa có nhiều nghiên cứu về sự giống và khác nhau giữa thể tam nhiễm sắc thể đơn giản 21 và thể tam nhiễm sắc thể khảm 21.

Một báo cáo công bố năm 1991 về sự phát triển tâm thần ở trẻ mắc hội chứng Down thể khảm đã so sánh 30 trẻ mắc hội chứng Down thể khảm với 30 trẻ mắc hội chứng Down điển hình.

Kiểm tra IQ cho thấy chỉ số IQ trung bình của nhóm khảm cao hơn 12 điểm so với trung bình của nhóm không khảm. Tuy nhiên, một số trẻ mắc hội chứng Down điển hình đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra IQ so với một số trẻ mắc hội chứng Down thể khảm.

Khoa Di truyền Người tại Đại học Y khoa Virginia đã có một dự án nghiên cứu đang diễn ra về trẻ em mắc hội chứng Down thể khảm. Trong một cuộc khảo sát trên 45 trẻ em mắc bệnh khảm, họ phát hiện ra rằng những đứa trẻ này có biểu hiện chậm phát triển so với anh chị em của chúng.

Khi 28 trong số những đứa trẻ mắc bệnh khảm này được so sánh với 28 trẻ mắc hội chứng Down điển hình về tuổi và giới tính, những đứa trẻ mắc bệnh khảm đạt được các mốc vận động nhất định sớm hơn so với những đứa trẻ mắc bệnh Down điển hình, chẳng hạn như bò và đi một mình.

Tuy nhiên, sự phát triển lời nói bị chậm như nhau ở cả hai nhóm.

Ca lâm sàng hội chứng Down thể khảm điển hình

Ashley Zambelli (sinh sống tại Michigan, Mỹ) mới được chẩn đoán mắc hội chứng Down vào tháng 2 vừa qua.

Các chẩn đoán lâm sàng tiếp theo sau đó cho thấy, cô đã mắc Down thể khảm, một hội chứng hiếm gặp, chiếm 2% tỷ lệ bệnh nhân mắc Down.

bệnh nhân mắc hội chứng Down thể khảm

Zambelli cũng không có các biểu hiện về hình thể như các bệnh nhân Down thông thường.

Trường hợp của Zambelli, biểu hiện bệnh của cô là tai hơi cụp xuống, trương lực cơ kém, rối loạn chức năng hàm, có vấn đề với trí nhớ ngắn hạn, nhịp tim nhanh. Zambelli cho biết cô thường gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn từ.

Zambelli cho biết khi còn nhỏ, cô cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo về hội chứng này. Tuy nhiên, cho tới năm 12 tuổi, cô thường xuyên bị trật khớp gối. Cô cũng bắt đầu gặp khó khăn hơn trong việc học tập. “Tôi bị rối loạn chức năng hàm, trong khi đầu gối liên tục bị trật khớp. Tôi cũng bị trật khớp xương bả vai, tim hay đập nhanh và thường xuyên bị hụt hơi”, Zambelli cho biết thêm.

Các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng này của Zambelli. Cho tới tháng 2 vừa qua, khi mang thai con thứ 3 được 23 tuần, Zambelli mới được chẩn đoán mắc hội chứng Down. Con của cô trước đó đã được chẩn đoán mắc hội chứng này ở tuần tuần thứ 14 của thai kỳ.

Zambelli đã từng bị sảy thai vào năm 2019. Các bác sĩ phát hiện em bé mắc hội chứng Down. Cuối năm 2020, Zambelli sinh con đầu lòng và em bé này cũng được chẩn đoán mắc hội chứng tương tự. Cuối năm 2021, cô sinh con thứ 2. May mắn em bé không mắc hội chứng có thể di truyền này. Sau khi được gia đình và bạn bè khuyên đi làm xét nghiệm di truyền, cô đã tìm được lời giải cho vấn đề của mình khi sinh con lần thứ 3 vào tháng 2 năm nay.

Các bác sĩ cho biết nguy cơ sinh con mắc hội chứng Down cao hơn 50% ở những người có sẵn bệnh lý này.

Tài liệu tham khảo

  • Understanding the mechanism(s) of mosaic trisomy 21, by using DNA polymorphism analysis. Pangalos C et al. Am. J. Hum. Genet. 54:473-481, 1994.
  • Mental Development in Down Syndrome Mosaicism. Fishler K and Koch R. Am. J. Mental Retardation 96(3):345-351, 1991.
  • Medical Care in Down Syndrome , Rogers PT and Coleman M, Marcel Dekker, NY, 1992; p14-16.

(*) Theo IMDSA