Thủ tục hành chính

 

 

Đăng ký nuôi con nuôi trong nước: Hướng dẫn từ A – Z

Nuôi con nuôi trong nước là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau, thường trú tại Việt Nam. Một số trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước có thể kể đến như:

(1) Do không có khả năng sinh con, nhiều cặp vợ chồng muốn nhận nuôi con nuôi để chăm sóc và yêu thương.

(2) Khi cha mẹ mất hoặc không có khả năng nuôi dạy con thì cô, cậu, dì, chú, bác, ruột có thể nhận cháu làm con nuôi.

(3) Người độc thân có thể do chưa lập gia đình, ly hôn hoặc mất bạn đời. Họ muốn nhận nuôi con nuôi để chăm sóc, chia sẻ tình yêu thương.

Vậy đăng ký nuôi con nuôi trong nước được thực hiện như thế nào, cần chuẩn bị giấy tờ ra sao? Tham khảo ngay bài viết NOVAGEN chia sẻ sau để được giải đáp một cách chi tiết, cụ thể!

*Bài viết được NOVAGEN thực hiện dựa trên những thông tin TIÊU CHUẨN, CHÍNH XÁC, ĐÚNG NHẤT tham khảo từ Cổng Dịch Vụ Công Quốc Gia.

Đăng ký nuôi con nuôi trong nước: Hướng dẫn từ A - Z
Đăng ký nuôi con nuôi trong nước: Hướng dẫn từ A – Z

1. Trình tự thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước

(1) Trường hợp công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú.

(2) Người nhận con nuôi nộp hồ sơ của mình và của người được nhận làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

(a) Đối với trường hợp trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được nhận làm con nuôi thường trú;

(b) Đối với trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi: nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi;

(c) Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi;

(d) Đối với trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng. Nếu hồ sơ của trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được giới thiệu làm con nuôi đã gửi Sở Tư pháp thì Sở Tư pháp giới thiệu người đã đăng ký nhu cầu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đóng trụ sở cơ sở nuôi dưỡng để xem xét, giải quyết.

(3) Công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra hồ sơ;

Khi kiểm tra hồ sơ, công chức tư pháp hộ tịch phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của những người liên quan. Trường hợp người được nhận làm con nuôi có cha mẹ đẻ, thì công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra việc cha mẹ đẻ có thỏa thuận với cha mẹ nuôi để giữ lại quyền, nghĩa vụ đối với con và cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ đó sau khi đã cho làm con nuôi.

(4) Công chức tư pháp – hộ tịch lấy ý kiến của những người liên quan;

Khi lấy ý kiến của những người liên quan, công chức tư pháp hộ tịch phải:

(i) Tư vấn để trẻ em tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của gia đình;

(ii) Tư vấn đầy đủ cho cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ về mục đích nuôi con nuôi; quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sau khi đăng ký nuôi con nuôi; về việc cha mẹ đẻ sẽ không còn các quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi nếu cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi không có thỏa thuận khác;

(iii) Giải thích cho những người liên quan về quyền thay đổi ý kiến đồng ý trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được lấy ý kiến đồng ý. Hết thời hạn này, những người liên quan không được thay đổi ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi;

(5) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào Sổ đăng ký việc nuôi con nuôi;

(6) Trường hợp từ chối đăng ký, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng.

2. Cách thức thực hiện việc nhận nuôi con nuôi trong nước

(1) Hình thức nộp: Trực tiếp

(2) Thời hạn giải quyết: 30 ngày

  • Thời gian kiểm tra hồ sơ và lấy ý kiến: 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
  • Thời gian những người liên quan thay đổi ý kiến đồng ý về việc cho trẻ em làm con nuôi: 15 ngày kể từ ngày được lấy ý kiến;
  • Thời gian cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước, Ghi vào sổ đăng ký việc nuôi con nuôi và tổ chức giao – nhận con nuôi: 05 ngày, kể từ ngày hết hạn thay đổi ý kiến đồng ý.

(3) Phí, lệ phí: Mức thu lệ phí 400.000đ/trường hợp. Miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước đối với trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi; nhận các trẻ em sau đây làm con nuôi: Trẻ khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của Luật nuôi con nuôi và văn bản hướng dẫn; người có công với cách mạng nhận con nuôi.

3. Thành phần hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước

(1) Hồ sơ của người nhận con nuôi:

  • Đơn xin nhận con nuôi trong nước (nếu người yêu cầu lựa chọn nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp).
  • Bản sao Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
  • Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân:

– Trường hợp người nhận con nuôi là cặp vợ chồng nhận con nuôi: Giấy chứng nhận kết hôn.

– Trường hợp người nhận con nuôi là người độc thân nhận con nuôi: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

  • Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (trừ trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi);
  • Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi.
  • Đơn đăng ký nhu cầu nhận trẻ em làm con nuôi trong trường hợp người nhận con nuôi có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi.

(2) Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi:

  • Giấy khai sinh;
  • Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
  • Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
  • Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất năng lực hành vi dân sự;
  • Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

(3) Lưu ý:

  • Trường hợp phải chứng minh nơi cư trú của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo các phương thức nêu tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ.
  • Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức trên thì có thể yêu cầu người nhận con nuôi nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú, bao gồm: Thẻ căn cước công dân; Chứng minh nhân dân; Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

(4) Trường hợp phải chứng minh nơi cư trú của công dân:

  • Khi người nhận con nuôi đề nghị UBND cấp xã cấp Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế;
  • Khi nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, cần chứng minh nơi người được nhận làm con nuôi thường trú trong trường hợp trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi;
  • Khi nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, cần chứng minh nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi trong trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi.

4. Yêu cầu, điều kiện thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước

(1) Người nhận con nuôi phải có đủ điều kiện sau:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên – không áp dụng đối với trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú bác ruột nhận cháu làm con nuôi;
  • Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi – không áp dụng đối với trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu,dì, chú bác ruột nhận cháu làm con nuôi;
  • Có tư cách đạo đức tốt.

(2) Các trường hợp không được nhận con nuôi:

  • Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
  • Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
  • Đang chấp hành hình phạt tù;
  • Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

(3) Trẻ em được nhận làm con nuôi phải có đủ các điều kiện sau:

  • Là trẻ em dưới 16 tuổi; nếu trẻ em thuộc trường hợp được cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi thì đến dưới 18 tuổi;
  • Trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa;
  • Một người chỉ được làm con của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

>>> Xem thêm: Cần làm gì để nhận cháu ruột làm con nuôi, bảo lãnh sang Mỹ?

Bài viết trên, NOVAGEN đã chia sẻ tới cho bạn đọc tham khảo chi tiết thủ tục đăng ký nuôi con nuôi trong nước, bao gồm trình tự thực hiện, cách thức thực hiện, hồ sơ cần chuẩn bị và các lưu ý, yêu cầu – điều kiện liên quan.

Nếu bạn còn thắc mắc hoặc cần hỗ trợ trong việc thực hiện thủ tục này, hãy liên hệ ngay đến số hotline NOVAGEN để được đội ngũ chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm của chúng tôi tư vấn một cách cụ thể và chính xác nhất.

Bài viết xem nhiều

NOVAGEN luôn lắng nghe ý kiến, phản hồi của Quý khách hàng. Đồng thời được vinh dự hợp tác với các nhà nghiên cứu - học sinh - sinh viên, các đối tác - cộng tác viên có đam mê trong việc xây dựng một thư viện mở, cung cấp những thông tin khoa học hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng.

GÓP Ý VỚI NOVAGEN

Tại sao nên chọn NOVAGEN ?

Trả kết quả chỉ từ 4h

Thu mẫu tại nhà toàn quốc

Kết quả pháp lý có giá trị với tòa án trên toàn quốc

Đối tác các đại sứ quán kiểm định bảo lãnh, nhập tịch

Phòng lab đạt chuẩn quốc tế

Dịch vụ chuyên nghiệp, tư vấn nhiệt tình

Kết quả chính xác, cam kết & bảo hành

Bảo mật thông tin tuyệt đối

Chỉ cần để lại số điện thoại
NOVAGEN sẽ tư vấn ngay cho bạn trong tối đa 30'

Đặt lịch hẹn

Mọi thông tin quý khách cung cấp cho NOVAGEN đều được bảo mật tuyệt đối
ngay từ cú điện thoại đầu tiên, suốt quá trình thực hiện dịch vụ và vĩnh viễn sau khi dùng dịch vụ