Hormone hCG là dấu hiệu quan trọng của thai kỳ và được sử dụng để phát hiện sớm việc mang thai. hCG được phát hiện trong nước tiểu hoặc máu vào khoảng 10 đến 11 ngày sau khi thụ thai (khi tinh trùng thụ tinh với trứng). Nồng độ hCG cao nhất vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên (10 tuần mang thai), sau đó giảm dần trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ.
Nội dung:
Hormone hCG là gì?
Hormone hCG (human chorionic gonadotropin) là một loại hormone đặc trưng được tiết ra bởi nhau thai ngay khi phôi thai làm tổ trong tử cung. hCG đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của phôi và thai.
hCG thường được gọi là hormone thai kỳ vì sự xuất hiện và nồng độ của nó thường là dấu hiệu đầu tiên của việc mang thai. Thông thường, nồng độ hCG trong máu và nước tiểu tăng theo cấp số nhân trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, tăng gấp đôi mỗi 24 giờ trong 8 tuần đầu tiên. Đỉnh điểm thường là khoảng 10 tuần đầu thai kỳ. Sau đó, nồng độ giảm dần cho đến khoảng tuần thứ 16 và duy trì ổn định trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ.
Cấu trúc
Hormone hCG là một glycoprotein cấu thành từ hai tiểu đơn vị: α (alpha) và β (beta). Tiểu đơn vị α của hCG giống với các hormone glycoprotein khác như LH (hormone tạo hoàng thể), FSH (hormone kích thích nang trứng), và TSH (hormone kích thích tuyến giáp). Tiểu đơn vị β là đặc trưng của hCG, dùng trong xét nghiệm định tính phát hiện có thai. Chuỗi β của hCG có 145 axit amin, cho phép nó gắn kết đặc hiệu với các thụ thể trong cơ thể (có tính miễn dịch).
Nguồn gốc
Gen CGA trên nhiễm sắc thể số 6 mã hóa cho tiểu đơn vị α, gen CGB nhiễm sắc thể số 19 mã hóa cho tiểu đơn vị β.
hCG được sản xuất bởi các tế bào lá nuôi hợp bào (syncytiotrophoblasts) trong nhau thai sau khi phôi làm tổ trong tử cung. Tế bào hợp bào là lớp ngoài cùng của nhau thai, chúng tiết ra hCG để duy trì sự phát triển của hoàng thể (Corpus luteum), kích thích tiết progesterone và estrogen – hai hormone cần thiết để duy trì lớp niêm mạc tử cung và ngăn chu kỳ kinh nguyệt.
Chức năng sinh lý của hormone hCG
Hormone hCG có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể phụ nữ mang thai:
- Duy trì chức năng hoàng thể: hCG kích thích hoàng thể (trong buồng trứng) sản xuất progesterone, hormone cần thiết để duy trì niêm mạc tử cung, hỗ trợ sự phát triển của phôi thai trong giai đoạn đầu.
- Thúc đẩy sự phát triển của thai nhi: hCG bảo vệ phôi thai khỏi phản ứng miễn dịch của cơ thể mẹ và hỗ trợ các giai đoạn phát triển đầu đời của thai nhi.
- Điều chỉnh hormone: hCG điều tiết các hormone trong cơ thể, giúp cơ thể mẹ thích nghi và tạo điều kiện tốt nhất cho thai kỳ.
Ngoài ra, hCG cũng được sử dụng như một loại thuốc để thúc đẩy sự rụng trứng trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Trứng sẽ được giải phóng trong vòng 36 – 40 giờ sau khi dùng hCG “ngoại sinh”.
Như thế nào là một thai kỳ bình thường?
Một thai kỳ bình thường kéo dài khoảng 40 tuần, tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt bình thường cuối cùng. Thai kỳ bình thường được chia thành ba tam cá nguyệt. Mỗi tam cá nguyệt kéo dài khoảng 13 tuần.
Tam cá nguyệt đầu tiên
Từ tuần thứ 13 trở đi, bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Rụng trứng xảy ra vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt thông thường. Sự thụ tinh diễn ra ở ống dẫn trứng và hình thành hợp tử, sau đó được đưa xuống ống dẫn trứng vào tử cung.
Hợp tử phân chia và trở thành phôi dâu (morula). Phôi dâu phát triển thành khoang, túi noãn hoàng nguyên thủy (túi yolksac), và trở thành phôi nang (blastocyst), “cấy ghép” vào thành tử cung khoảng 5 ngày sau khi thụ tinh.
Các tế bào trên thành ngoài của phôi nang trở thành tế bào nuôi (trophoblast), xâm nhập vào nội mạc tử cung và phát triển thành nhung mao màng đệm, tạo thành nhau thai (placenta).
Một khoang gọi là màng ối hình thành bên trong phôi thai và mở rộng do sự tích tụ của nước ối, thường được gọi là dịch ối.
Từ sự kết hợp của ba tế bào chính: Nội bì (Endoderm), trung bì (Mesoderm), ngoại bì (Ectoderm). Các cơ quan sẽ bắt đầu phát triển, quá trình này được gọi là sự hình thành cơ quan.
Vào tuần thứ 10, phôi thai được hình thành, nơi hầu hết các cơ quan chính phát triển và lúc này được gọi là thai nhi. Vào tuần thứ 13, thai nhi nặng khoảng 13 gram và dài 8 cm.
Tam cá nguyệt thứ hai
Trong tam cá nguyệt thứ hai, từ tuần 13 đến tuần 26, thai nhi phát triển nhanh chóng. Thai nhi nặng khoảng 700 gram, dài 30 cm và nhiều cơ quan bắt đầu trưởng thành.
Tam cá nguyệt thứ ba
Trong tam cá nguyệt thứ ba, từ tuần 27 đến tuần 40, các cơ quan đã trưởng thành hoàn toàn, cân nặng khoảng 3200 gram và thai nhi dài khoảng 50 cm.
Trong thời gian mang thai từ 37 đến 40 tuần, quá trình chuyển dạ bình thường bắt đầu bằng sự co bóp nhịp nhàng của tử cung.
Mức độ bình thường của nồng độ hormone hCG trong thai kỳ
Phụ nữ không mang thai thường có nồng độ hormone hCG < 5.0 mIU/mL (hoặc <2 ng/mL). Nồng độ hCG trong nước tiểu > 25 mIU/mL có khả năng đã mang thai.
Ngoài ra, nồng độ β-hCG còn có thể được sử dụng để chẩn đoán:
- Chẩn đoán thai ngoài tử cung
- Sàng lọc hội chứng Down
- Bệnh lý thai trứng (Hydatidiform mole)
- Dấu hiệu của khối u: Ung thư biểu mô tế bào gan (u gan) cũng có thể sản xuất hCG; Khối u tế bào mầm (tế bào mầm của tinh hoàn ở nam, tế bào mầm của buồng trứng ở nữ)