Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (Congenital Adrenal Hyperplasia – CAH) là một nhóm các rối loạn di truyền liên quan đến tuyến thượng thận – một cặp cơ quan nhỏ nằm phía trên thận.
Nội dung:
- 1 1. Tổng quan Tăng sản tuyến thượng thận (CAH) là gì?
- 2 2. Nguyên nhân gây ra chứng tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh là gì?
- 3 3. Triệu chứng của bệnh Tăng sản tuyến thượng thận
- 4 4. Bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh được chẩn đoán như thế nào?
- 5 5. Hướng điều trị bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh
1. Tổng quan Tăng sản tuyến thượng thận (CAH) là gì?
Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (CAH) là một nhóm các tình trạng di truyền liên quan đến tuyến thượng thận, đặc trưng bởi rối loạn các hormone cortisol, aldosterone và androgen.
Tuyến thượng thận là một cặp cơ quan nhỏ có kích thước từ 3-5cm, dày khoảng 1cm, có nhiệm vụ sản xuất ra các hormone quan trọng, bao gồm:
- Cortisol: Hormone này kiểm soát phản ứng của cơ thể với bệnh tật hoặc căng thẳng. Khi cơ thể căng thẳng hoặc lo âu, cơ thể sẽ tiết ra cortisol để điều chỉnh huyết áp, giảm căng thẳng, khôi phục trạng thái cân bằng.
- Aldosterone: Hormone này kiểm soát nồng độ natri và kali trong máu
- Androgen: Nhóm các hormone sinh dục nam, cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển ở cả nam và nữ.
Ở những người mắc tăng sản tuyến thượng thận, cơ thể sẽ không có hoặc bị khiếm khuyết một trong các enzyme để sản xuất một hoặc nhiều loại hormone kể trên.
Có hai loại tăng sản tuyến thượng thận chính:
- Tăng sản tuyến thượng thận cổ điển: Thường được chẩn đoán ngay sau khi sinh. Trẻ sơ sinh mắc tăng sản tuyến thượng thận cổ điển có thể có cơ quan sinh dục ngoài không rõ ràng (tức là những bé gái không có cơ quan sinh dục ngoài giống như nữ giới); cơ thể sản xuất quá ít cortisol và aldosterone và quá nhiều hormone nam (androgen) gây rối loạn nghiêm trọng.
- Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh không cổ điển: Thường được chẩn đoán ở giai đoạn sau của thời thơ ấu hoặc đầu tuổi trưởng thành. Thông thường, phụ nữ mắc tăng sản tuyến thượng thận không cổ điển chỉ biểu hiện các dấu hiệu của quá nhiều androgen (tức là lông trên cơ thể quá nhiều, dậy thì sớm, kinh nguyệt không đều). Nam giới thường không có triệu chứng. Dạng này nhẹ hơn, phổ biến hơn so với tăng sản tuyến thượng thận cổ điển.
2. Nguyên nhân gây ra chứng tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh là gì?
Nguyên nhân chính của tăng sản tuyến thượng thận là đột biến gen gây nên sự thiếu hụt hoặc không có một loại enzyme gọi là 21-hydroxylase (CYP21A2). Khi cơ thể thiếu hụt 21-hydroxylase (CYP21A2) sẽ gây ra sai sót trong quá trình chuyển các tiền chất tuyến thượng thận thành cortisol, aldosterone.
Chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong nguyên nhân gây nên tăng sản tuyến thượng thận đó là sự thiếu hụt enzym 11β-hydroxylase (CYP11B1)
Tăng sản tuyến thượng thận là một rối loạn di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường. Bệnh xảy ra khi trẻ thừa hưởng 2 bản sao đột biến của gen gây ra tình trạng thiếu hụt, trong đó có 1 gen từ cha và 1 gen từ mẹ.
3. Triệu chứng của bệnh Tăng sản tuyến thượng thận
Các triệu chứng của bệnh tăng sản tuyến thượng thận sẽ phụ thuộc vào loại gen bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, dẫn tới mất cân bằng hormone (quá ít cortisol, quá ít aldosterone, quá nhiều androgen hoặc kết hợp các vấn đề này)
3.1. Tăng sản tuyến thượng thận cổ điển
Các triệu chứng của Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh cổ điển có thể bao gồm:
Không đủ cortisol
Điều này có thể gây ra các vấn đề về việc duy trì huyết áp, lượng đường trong máu và năng lượng ở mức khỏe mạnh. Nó cũng có thể gây ra các vấn đề trong quá trình căng thẳng về thể chất
Suy tuyến thượng thận
Những người mắc tăng sản tuyến thượng thận cổ điển có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu cortisol, aldosterone hoặc cả hai. Đây được gọi là suy tuyến thượng thận – gây ra huyết áp thấp, đường huyết thấp, mất nước, nôn mửa, tiêu chảy, có thể dẫn tới tử vong.
Bất thường hình dáng bộ phận sinh dục ngoài
Ở trẻ sơ sinh nữ, một số bộ phận sinh dục bên ngoài cơ thể có thể trông khác thường.
Ví dụ, âm vật có thể to ra và giống dương vật. Môi âm hộ có thể khép một phần và trông giống bìu. Ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể và âm đạo có thể là một lỗ thay vì hai lỗ riêng biệt. Tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng thường phát triển theo cách bình thường.
Trẻ sơ sinh nam thường có bộ phận sinh dục trông bình thường, kích thước lớn hơn
Quá nhiều androgen
Lượng hormone sinh dục nam androgen dư thừa có thể dẫn đến trẻ thấp và dậy thì sớm. Lông mu và các dấu hiệu dậy thì khác có thể xuất hiện ở độ tuổi rất sớm. Mụn trứng cá nghiêm trọng cũng có thể xảy ra.
Hormone androgen dư thừa ở trẻ em gái có thể dẫn đến lông mặt, nhiều lông trên cơ thể hơn bình thường và giọng nói trầm hơn.
Thay đổi tăng trưởng
Trẻ em có thể lớn nhanh, xương phát triển hơn so với độ tuổi bình thường, song chiều cao cuối cùng có thể thấp hơn mức trung bình.
Các vấn đề về khả năng sinh sản
Những vấn đề này có thể bao gồm kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt. Một số phụ nữ mắc tăng sản tuyến thượng thận điển hình có thể gặp khó khăn khi mang thai. Đôi khi, nam giới cũng có thể gặp vấn đề về khả năng sinh sản.
3.2. Tăng sản tuyến thượng thận không cổ điển
Thông thường, trẻ sơ sinh không xuất hiện triệu chứng của bệnh tăng sản tuyến thượng thận không cổ điển, cũng không phát hiện được bệnh trong các xét nghiệm sàng lọc máu trẻ sơ sinh thông thường.
Nếu có triệu chứng, chúng thường xuất hiện vào cuối thời thơ ấu hoặc đầu tuổi trưởng thành. Thậm chí có những trường hợp không xuất hiện triệu chứng bệnh.
Phụ nữ mắc tăng sản tuyến thượng thận không điển hình có thể có bộ phận sinh dục trông bình thường khi mới sinh, tuy nhiên bước vào tuổi trưởng thành sẽ gặp một số vấn đề như sau:
- Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh.
- Khó thụ thai.
- Các đặc điểm như lông mặt, nhiều lông trên cơ thể hơn bình thường và giọng nói trầm hơn
Đôi khi, tăng sản tuyến thượng thận không điển hình có thể bị nhầm lẫn với tình trạng rối loạn nội tiết tố hay hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Các triệu chứng tăng sản tuyến thượng thận không điển hình ở trẻ em thuộc cả hai giới tính khi sinh có thể bao gồm:
- Các triệu chứng dậy thì sớm, chẳng hạn như lông mu mọc sớm hơn bình thường.
- Mụn trứng cá nghiêm trọng.
- Phát triển nhanh trong thời thơ ấu với xương phát triển hơn bình thường nhưng chiều cao khi trưởng thành thấp hơn dự kiến.
4. Bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh được chẩn đoán như thế nào?
Chẩn đoán tăng sản tuyến thượng thận trước khi sinh
Với thai nhi có thể xét nghiệm NIPT bệnh gen lặn để sàng lọc nguy cơ mắc bệnh. Nếu có nguy cơ cao, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm xâm lấn như là chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau để chẩn đoán, đặc biệt khi cha mẹ bị đột biến gen hoặc anh chị em ruột mắc bệnh.
Chẩn đoán tăng sản tuyến thượng thận sau khi sinh
Với dạng cổ điển: Bệnh có thể sàng lọc bằng sàng lọc sau sinh (chích máu gót chân trẻ sơ sinh)
Với dạng không cổ điển: Có thể không chẩn đoán được tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh không cổ điển cho đến khi bạn hoặc con bạn bắt đầu biểu hiện các triệu chứng của bệnh. Trong một số trường hợp, điều này có thể không xảy ra cho đến khi trưởng thành sớm.
Các xét nghiệm sàng lọc định kỳ không thể xác định tăng sản tuyến thượng thận không cổ điển. Quá trình chẩn đoán bệnh ở trẻ lớn hơn và người trưởng thành có thể bao gồm một số xét nghiệm máu, chẳng hạn như:
- 17-hydroxyprogesterone (17-OHP)
- Xét nghiệm kích thích ACTH
- Xét nghiệm di truyền
5. Hướng điều trị bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh
Việc điều trị tăng sản tuyến thượng thận phụ thuộc vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Không có cách chữa khỏi bệnh, nhưng bạn có thể thấy các triệu chứng thuyên giảm bằng thuốc và các phương pháp điều trị khác.
Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh cổ điển
Bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra nồng độ hormone của cơ thể. Tùy theo tình trạng bệnh mà bệnh nhân sẽ phải uống thuốc bổ sung hormone suốt đời
Các loại thuốc điều trị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh bao gồm:
- Bổ sung muối: Trẻ sơ sinh có thể cần bổ sung muối (natri clorua).
- Corticosteroid (ví dụ: hydrocortisone, prednisone, dexamethasone, Glucocorticoid) để thay thế cortisol bị thiếu do cơ thể bạn không tự tạo ra. Bạn có thể cần thêm glucocorticoid trong thời gian căng thẳng hoặc ốm đau.
- Fludrocortisone để thay thế aldosterone bị thiếu và giúp cơ thể giữ muối và duy trì huyết áp bình thường.
- Thuốc bổ sung muối, giúp tăng thể tích nội mạch (dịch trong mạch máu) và huyết áp.
- Thuốc tránh thai uống để điều hòa kinh nguyệt.
- Thuốc kháng androgen như spironolactone để điều trị tình trạng dư thừa androgen.
Với bé gái có bộ phận sinh dục ngoài bất thường: Có thể phẫu thuật để điều chỉnh hình dạng và chức năng của cơ quan sinh dục của
Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh không cổ điển
Tùy theo tình trạng bệnh mà bệnh nhân có thể không điều trị, hoặc điều trị theo đợt với thuốc liều thấp, không cần uống thuốc điều trị suốt đời.
Nguồn: NOVAGEN, National Library of Medicine