Thủ tục hành chính

 

 

Thủ tục đăng ký giám hộ được thực hiện như thế nào?

Thủ tục đăng ký giám hộ được thực hiện như thế nào?

Người chưa thành niên không còn cha mẹ, người đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là đối tượng cần có người giám hộ. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết Thủ tục đăng ký giám hộ CHUẨN NHẤT theo Cổng Dịch vụ công Quốc gia được áp dụng tại tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước! 

Sơ lược về giám hộ và đăng ký giám hộ

Giám hộ là gì? Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Dân sự 2015, giám hộ là việc một cá nhân hoặc một pháp nhân được luật quy định, được UBND cấp xã cử, được Tòa án chỉ định,… để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ. 

2 hình thức giám hộ đó là: giám hộ đương nhiên và giám hộ theo chỉ định hoặc được cử.

  • Giám hộ đương nhiên: là người giám hộ do luật quy định, theo điều 52 và 53 Bộ luật dân sự 2015 (xem chi tiết tại mục II. của bài viết này).
  • Người giám hộ do cử, chỉ định: là người giám hộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân xã nơi cư trú của người được giám hộ, Tòa án cử, chỉ định khi không có người giám hộ đương nhiên hoặc có tranh chấp giữa những người giám hộ.

Đăng ký giám hộ là việc xác nhận nghĩa vụ giám hộ bằng văn bản pháp luật. Khi hoàn thành việc đăng ký giám hộ, thông tin đăng ký giám hộ sẽ được cập nhật và lưu chính thức trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.

I. Những trường hợp nào cần được đăng ký giám hộ? 

  • Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
  • Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự
  • Người thành niên có cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; 
  • Người chưa thành niên có cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; 
  • Người chưa thành niên có cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; 
  • Người chưa thành niên có cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
  • Người mất năng lực hành vi dân sự;
  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Chú ý rằng, quan hệ giám hộ là quan hệ được pháp luật quy định và các bên không thỏa thuận để hình thành quan hệ này cho mình

Tức là, tất cả các trường hợp cần người giám hộ phải dựa trên luật quy định. Các chủ thể nếu không rơi vào các trường hợp nêu trên sẽ không được cử người giám hộ hoặc chọn người giám hộ cho mình.

II. Ai cần phải đi đăng ký giám hộ?

Theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015, Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo thứ tự:

  • Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ.
  • Nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
  • Trường hợp không có người giám hộ theo quy định nêu trên thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
  • Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại hai điều trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015, Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý.

Nếu không chọn được người giám hộ trong trường hợp này thì sẽ xác định người giám hộ đương nhiên như sau:

  • Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
  • Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
  • Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Người giám định cử, chỉ định theo khoản 1 Điều 54 Bộ luật dân sự 2015:

  • Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
  • Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
  • Trường hợp cử, chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người này.

Yêu cầu đối với người giám hộ là cá nhân:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
  • Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
  • Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
  • Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Yêu cầu đối với người giám hộ là pháp nhân:

  • Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.
  • Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

III. Tại sao cần đăng ký giám hộ? 

Người được giám hộ là những người chưa thành niên; mất năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Như vậy, bằng khả năng của chính mình, họ khó có thể chăm sóc bản thân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất.

Việc xác lập quan hệ giám hộ có mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho người được giám hộ. Cụ thể: 

  • Xác lập, thực hiện giao dịch mà người được giám hộ là chủ thể bằng cách nhân danh, thay mặt người được giám hộ.
  • Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ là người dưới 15 tuổi; chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự.
  • Quản lý tài sản, tự mình hoặc giám sát người được giám hộ trong việc sử dụng và định đoạt tài sản vì lợi ích người được giám hộ sao cho hiệu quả nhất Có trách nhiệm bảo quản, gìn giữ tài sản, không làm hư hỏng, mất mát. 
  • Không được cho, tặng tài sản của người được giám hộ; đối với những giao dịch có giá trị lớn thì phải được sự đồng ý của của người giám sát việc giám hộ.
  • Yêu cầu người khác trả lại tài sản, thực hiện các nghĩa vụ cho người được giám hộ.
  • Thực hiện các hành vi trên thực tế cũng như pháp lý nhằm bảo vệ các quyền nhân thân, quyền tài sản của người được giám hộ. 

Chú ý: 

  • Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.
  • Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.

IV. Hướng dẫn thủ tục đăng ký giám hộ trực tiếp và trực tuyến

Có 2 hình thức đăng ký giám hộ đó là đăng ký, nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp xã (phường) hoặc đăng ký trực tuyến trên Cổng dịch vụ công. Dưới đây là quy trình CHUẨN để thực hiện thủ tục đăng ký giám hộ được áp dụng tại tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước.

1. Đăng ký giám hộ trực tiếp tại UBND cấp xã (phường)

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ bản cứng như sau: 

  • Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu. 
  • Văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với trường hợp đăng ký giám hộ cử.
  • Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với trường hợp đăng ký giám hộ đương nhiên. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.
  • Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký giám hộ. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
  • Xuất trình: Hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng. 
  • Xuất trình: Giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú trong trường hợp cơ quan đăng ký hộ tịch không thể khai thác được thông tin về nơi cư trú của công dân. 

Bước 2: Người có yêu cầu đăng ký giám hộ nộp hồ sơ đăng ký giám hộ tại Bộ phận một cửa của UBND cấp xã có thẩm quyền. 

Bước 3: Nộp phí cấp bản sao Trích lục đăng ký giám hộ nếu có yêu cầu cấp bản sao Trích lục đăng ký giám hộ.

Thời hạn giải quyết: 03 ngày

Lệ phí: Miễn phí

2. Đăng ký giám hộ trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công

Truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn) hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (https://dichvucong.—.gov.vn) và thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu như sau: 

  • Văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với trường hợp đăng ký giám hộ cử.
  • Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với trường hợp đăng ký giám hộ đương nhiên. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.
  • Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký giám hộ. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
  • Hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng 
  • Giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú trong trường hợp cơ quan đăng ký hộ tịch không thể khai thác được thông tin về nơi cư trú của công dân. 

Chú ý: 

  • Bản chụp các giấy tờ gửi kèm theo hồ sơ đăng ký giám hộ trực tuyến phải bảo đảm rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung, là bản chụp bằng máy ảnh, điện thoại hoặc được chụp, được quét bằng thiết bị điện tử, từ giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng; 
  • Nếu là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.
  • Trường hợp giấy tờ, tài liệu phải gửi kèm trong hồ sơ đăng ký giám hộ trực tuyến đã có bản sao điện tử hoặc đã có bản điện tử giấy tờ hộ tịch thì người yêu cầu được sử dụng bản điện tử này.

Bước 2: Người có yêu cầu đăng ký giám hộ truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, đăng ký tài khoản (nếu chưa có tài khoản)

Bước 3: Xác thực người dùng theo hướng dẫn, đăng nhập vào hệ thống, xác định đúng Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền.

Bước 4: Người có yêu cầu đăng ký giám hộ trực tuyến cung cấp thông tin vào Mẫu hộ tịch điện tử tương tác đăng ký giám hộ

Bước 5: Đính kèm ảnh chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ theo quy định

Bước 6: Nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách thức khác theo quy định pháp luật và nhấn nút xác nhận hoàn tất việc nộp hồ sơ.

Thời hạn giải quyết: 03 ngày

Lệ phí: Miễn phí

3. Hoàn thành đăng ký giám hộ

Với hình thức đăng ký trực tiếp: Nếu thấy yêu cầu đăng ký giám hộ đủ điều kiện theo quy định pháp luật, hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, đúng quy định, thông tin đăng ký giám hộ sẽ được cập nhật và lưu chính thức trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. Người có yêu cầu đăng ký giám hộ kiểm tra thông tin trên Trích lục đăng ký giám hộ, trong Sổ đăng ký đăng ký giám hộ, ký tên vào Sổ đăng ký giám hộ, nhận Trích lục đăng ký giám hộ.

Với hình thức đăng ký trực tuyến: Biểu mẫu Trích lục đăng ký giám hộ điện tử với thông tin đầy đủ cho người yêu cầu qua thư điện tử hoặc thiết bị số. Người yêu cầu có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của các thông tin trên biểu mẫu Trích lục đăng ký giám hộ điện tử và xác nhận (tối đa một ngày). Sau đó thông tin đăng ký giám hộ sẽ được cập nhật và lưu chính thức trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.

Kết luận

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về các trường hợp và thủ tục đăng ký giám hộ tại UBND xã hoặc trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Có bất cứ thắc mắc nào trong quá trình thực hiện thủ tục, hay có câu hỏi liên quan các chuyên viên pháp lý tại NOVAGEN sẵn sàng tư vấn miễn phí (ngay cả khi bạn không sử dụng các dịch vụ tại NOVAGEN)!

TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM ADN NOVAGEN

HOTLINE: 083.424.3399 (miền Bắc) –  0912.18.55.77 (miền Trung) – 0888.109.486 (miền Nam)

Fanpage: Xét nghiệm ADN Novagen – DNA Testing Center 

Địa chỉ: 

  • Trụ sở: Tầng 10, tòa An Phú, 24 Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
  • Văn phòng Miền Trung: 518 đường 2/9, Quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng
  • Văn phòng Miền Nam: Tầng 1, toà Sen Xanh, 36 Trịnh Đình Thảo, Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh
Bài viết xem nhiều

NOVAGEN luôn lắng nghe ý kiến, phản hồi của Quý khách hàng. Đồng thời được vinh dự hợp tác với các nhà nghiên cứu - học sinh - sinh viên, các đối tác - cộng tác viên có đam mê trong việc xây dựng một thư viện mở, cung cấp những thông tin khoa học hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng.

GÓP Ý VỚI NOVAGEN

Tại sao nên chọn NOVAGEN ?

Trả kết quả chỉ từ 4h

Thu mẫu tại nhà toàn quốc

Kết quả pháp lý có giá trị với tòa án trên toàn quốc

Đối tác các đại sứ quán kiểm định bảo lãnh, nhập tịch

Phòng lab đạt chuẩn quốc tế

Dịch vụ chuyên nghiệp, tư vấn nhiệt tình

Kết quả chính xác, cam kết & bảo hành

Bảo mật thông tin tuyệt đối

Chỉ cần để lại số điện thoại
NOVAGEN sẽ tư vấn ngay cho bạn trong tối đa 30'

Đặt lịch hẹn

Mọi thông tin quý khách cung cấp cho NOVAGEN đều được bảo mật tuyệt đối
ngay từ cú điện thoại đầu tiên, suốt quá trình thực hiện dịch vụ và vĩnh viễn sau khi dùng dịch vụ