Một bạn đọc đã gửi tới câu hỏi “Trẻ sinh ra được hơn 12 tiếng rồi mất thì có được làm giấy khai sinh không?” với tình huống cụ thể như sau: Tôi mới sinh con nhưng con tôi chỉ sống được hơn 12 tiếng. Tôi ra UBND xã làm giấy khai sinh cho con nhưng lại bị cán bộ hộ tịch từ chối vì con không sống được từ 24 giờ trở lên. Vậy làm thế này có đúng quy định của pháp luật không?
Theo quy định của pháp luật thì trường hợp trẻ sinh ra sống dưới 24 giờ vẫn có thể làm giấy khai sinh được nếu có yêu cầu từ phía cha đẻ, mẹ đẻ. Chi tiết thông tin giải đáp về trường hợp này, mời bạn đọc tham khảo ngay bài viết NOVAGEN chia sẻ sau đây!
1. Có được làm giấy khai sinh cho trẻ sinh ra được hơn 12 tiếng rồi mất không?
Quyền được khai sinh, khai tử được quy định tại Điều 30 Bộ luật dân sự 2015 với nội dung cụ thể như sau:
“1. Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.
2. Cá nhân chết phải được khai tử.
3. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
4. Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định.”
Như vậy, theo quy định trên thì mọi cái nhân từ khi sinh ra đều có quyền được khai sinh và chết phải được khai tử. Trong trường hợp này, mặc dù con bạn chỉ sống được hơn 12 tiếng rồi mất nhưng nếu vợ chồng bạn (tức cha mẹ đẻ của bé) có yêu cầu thì bé vẫn được khai sinh và khai tử theo đúng quy định của pháp luật. Việc cán bộ hộ tịch từ chối làm giấy khai sinh cho trẻ khi được cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu là không đúng, hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
2. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký khai sinh và khai tử cho trẻ sống được hơn 12 tiếng
Thẩm quyền và thủ tục đăng ký khai sinh và khai tử cho trẻ sống hơn 12 giờ (dưới 24 giờ) được quy định chi tiết tại Điều 13, Điều 16 và Điều 32, Điều 34 Luật Hộ tịch 2014 với nội dung cụ thể như sau:
Điều 13. Thẩm quyền đăng ký khai sinh
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.
Điều 16. Thủ tục đăng ký khai sinh
1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
3. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.
Điều 32. Thẩm quyền đăng ký khai tử
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
Điều 34. Thủ tục đăng ký khai tử
1. Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.
Công chức tư pháp – hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
3. Kết luận
Tóm lại, trường hợp trẻ sinh ra được hơn 12 tiếng rồi mất sẽ không thuộc trường hợp bắt buộc phải khai sinh và khai tử. Tuy nhiên nếu cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ có yêu cầu đăng ký khai sinh, khai tử cho trẻ thì thủ tục sẽ được thực hiện theo quy định nêu trên.