“Cho tôi hỏi ly thân thì quan hệ hôn nhân có chấm dứt không? Vợ chồng tôi đã ly thân hơn 3 năm, không chung sống với nhau nữa thì có coi như đã ly hôn với nhau hay không? Quan hệ hôn nhân giữa chúng tôi đã chấm dứt hay chưa?” – thắc mắc từ độc giả gửi về.
Dưới đây là giải đáp chi tiết cho câu hỏi: Ly thân thì quan hệ hôn nhân có chấm dứt không? Khi nào thì quan hệ hôn nhân thực sự chấm dứt?
1. Ly thân thì quan hệ hôn nhân có chấm dứt không?
Trả lời: Không. Việc ly thân KHÔNG làm chấm dứt quan hệ hôn nhân hợp pháp (tức là đã đăng ký kết hôn và được pháp luật công nhận).
Căn cứ theo khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Quan hệ hôn nhân chỉ chấm dứt khi ly hôn, tức là chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Như vậy, chỉ khi hoàn tất thủ tục ly hôn và được Tòa án công nhận thì quan hệ hôn nhân mới thực sự chấm dứt
Vậy ly thân là gì? Và tại sao ly thân thì không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân trên pháp luật?
Thực tế không có một văn bản pháp luật nào nêu khái niệm về việc ly thân. Từ này thường được dùng để trạng thái vợ chồng không chung sống dưới một mái nhà khi mối quan hệ đang rạn nứt. Tuy nhiên, dù không chung sống, mối quan hệ tình cảm vợ chồng đã rạn nứt, thì khi ly thân, quan hệ vợ chồng và gia đình vẫn chưa chấm dứt, và vẫn là vợ chồng trên pháp luật.
Tóm lại, việc ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng chấm dứt, vì chưa có bản án quyết định ly hôn của Tòa án. Hai người chỉ thực sự không còn là vợ chồng nếu thực hiện thủ tục ly hôn và quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực.
2. Quan hệ hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ như thế nào?
Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình theo Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.
Tình nghĩa vợ chồng theo Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Do đó, vợ chồng khi đã kết hôn, được pháp luật thừa nhận, bảo vệ thì có nghĩa vụ sống chung với nhau trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc có lý do chính đáng.
3. Kết luận
Ly thân thì quan hệ hôn nhân KHÔNG chấm dứt. Quan hệ hôn nhân chỉ chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Tham khảo văn bản pháp luật tại CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT