Không nhận con để trốn cấp dưỡng con ngoài giá thú bị phạt thế nào?
Câu hỏi từ độc giả gửi về: Trường hợp người đàn ông đã có vợ hợp pháp nhưng ngoại tình và có con ngoài giá thú, người đàn ông không nhận con ngoài giá thú để không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì sẽ bị xử lý thế nào? Có cách nào để bắt người đàn ông phải cấp dưỡng hàng tháng cho con ngoài giá thú hay không?
Dưới đây là phần giải đáp thắc mắc chi tiết!
Nội dung:
1. Con ngoài giá thú có được nhận cha và cấp dưỡng khi cha đã có vợ hợp pháp?
Con ngoài giá thú có được nhận cha khi cha đang trong quan hệ hôn nhân với người khác?
Trả lời: Có.Theo Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Nếu con chưa thành niên thì việc nhận cha mẹ con cần phải có sự đồng ý từ người còn lại. Còn nếu con đã thành niên, khi nhận cha không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ không cần phải có sự đồng ý của cha.
Như vậy, dù cha đang trong quan hệ hôn nhân với người phụ nữ khác, thì con ngoài giá thú hoàn toàn được nhận cha, được có tên cha trong giấy khai sinh. Từ đó có căn cứ pháp lý xác đáng để hưởng đầy đủ quyền lợi của mình.
Con ngoài giá thú có được nhận cấp dưỡng từ cha không?
Trả lời: Có. Tuy nhiên cần phải làm thủ tục nhận cha, mẹ, con tại cơ quan hộ tịch cấp xã (phường). Trong trường hợp có tranh chấp, Tòa án sẽ có thẩm quyền đưa ra phán quyết về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Con ngoài giá thú khi sinh ra mặc định không xác định được cha, và như vậy chưa có căn cứ pháp lý để được nhận cấp dưỡng. Để xác lập nghĩa vụ cấp dưỡng con ngoài giá thú, bắt buộc phải hoàn thiện thủ tục nhận cha, mẹ, con, theo Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định
- Trong điều kiện hai bên thỏa thuận và đi đến thống nhất với nhau, gia đình sẽ hoàn thiện thủ tục nhận cha – con ruột tại UBND xã (phường) nơi cư trú. Sau đó nhận Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con để làm cơ sở bổ sung tên cha vào giấy khai sinh con. Khi đó, người cha phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con ngoài giá thú.
- Trong trường hợp tranh chấp: Tòa án sẽ là đơn vị đưa ra quyết định cuối cùng.
Chi tiết tham khảo:
- Hướng dẫn thủ tục nhận cha, mẹ, con chi tiết
- Hướng dẫn thủ tục khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con chi tiết
2. Người cha không nhận con ngoài giá thú để trốn cấp dưỡng thì phải làm gì?
Khi người cha không nhận con ngoài giá thú để trốn cấp dưỡng, tức là thuộc trường hợp có tranh chấp trong việc nhận cha – con ruột và cấp dưỡng cho con ngoài giá thú.
Khi đó, người mẹ (hoặc người giám hộ hiện tại của trẻ) thực hiện nộp đơn lên Tòa án nhân dân để được giải quyết việc xác định quan hệ cha con và cấp dưỡng cho con ngoài giá thú.
Khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về thẩm quyền xác định cha, mẹ, con khi có tranh chấp: “Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.”
Tòa án sẽ xác định mối quan hệ cha, mẹ, con thông qua việc yêu cầu trưng cầu giám định ADN hoặc căn cứ vào các chứng cứ chứng minh quan hệ cha con mà các bên cung cấp khi Tòa án giải quyết vụ việc.
Nếu Tòa án ra quyết định xác định cha con thì người mẹ có thể yêu cầu người cha thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mình trong trường hợp người cha không không trực tiếp nuôi con.
Đồng thời, quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con sẽ được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch (ghi tên cha vào Giấy khai sinh) và các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con có liên quan.
3. Sau khi xác định cha con mà người cha vẫn không cấp dưỡng thì xử lý thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, tại khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Bên cạnh đó, Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng có quy định như sau:
- Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
- Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
- Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Như vậy, sau khi Tòa án đã có quyết định xác định cha con, nếu người cha không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Trường hợp người cha trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì người mẹ hoặc người thân thích hoặc các cơ quan quản lý về gia đình và trẻ em và Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu Tòa án buộc người cha phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Khi đó, cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế như khấu trừ tiền trong tài khoản, trừ vào thu nhập của người không cấp dưỡng (Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008).
Tùy theo tính chất và mức độ của việc không cấp dưỡng cho con mà người vi phạm có thể bị xử lý như sau:
- Xử phạt hành chính: Theo Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu hành vi không cấp dưỡng cho con mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng và buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo đúng quy định.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự: Theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), nếu hành vi không cấp dưỡng cho con mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng với mức phạt tù cao nhất lên đến 02 năm.
3. Kết luận
Như vậy, người cố tình không nhận con để trốn cấp dưỡng con ngoài giá thú sẽ bị xử lý theo pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.