Thắc mắc của nhiều cặp đôi đó là: Hai người cùng giới tính sống chung có được cùng nhận con nuôi hay không, khi họ chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng không được phép đăng ký kết hôn?
Trả lời: Không được phép cùng nhận con nuôi. Vì hiện nay Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Do đó, hai người cùng giới tính không được cùng nhau nhận một người con nuôi, tức là không thể đồng thời làm đại điện trên pháp luật của người con nuôi.
Chỉ có một trong hai người cùng giới tính được làm đại điện trên pháp luật để nhận người con nuôi đó. Người còn lại sẽ không có quan hệ về mặt pháp luật với con nuôi.
Nội dung:
1. Hai người cùng giới tính sống chung có được cùng nhận con nuôi không?
Câu trả lời là không. Người nhận con nuôi phải là người độc thân hoặc cả hai người là vợ chồng – theo Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi quy định.
Tuy nhiên, hai người cùng giới tính sống chung KHÔNG được pháp luật thừa nhận hôn nhân (Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình) và đó hai người cùng giới tính sống chung không thể cùng là đại diện về mặt pháp luật của người con nuôi.
Vậy các cặp đôi cùng giới tính sống chung như vợ chồng muốn nhận con nuôi theo pháp luật thì phải làm gì? Nếu hai người cùng giới tính sống chung với nhau như vợ chồng muốn nhận con nuôi thì chỉ có 1 trong 2 người được nhận con nuôi trước pháp luật. người còn lại sẽ hoàn toàn không có quan hệ về mặt pháp luật với người con nuôi đó. Tức là thuộc trường hợp người độc thân nhận con nuôi.
2. Sơ lược thủ tục nhận con nuôi trong nước cho công dân Việt Nam
a. Trình tự thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước
Dưới đây là sơ lược trình tự đăng ký nuôi con nuôi trong nước
(1) Trường hợp công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú.
(2) Người nhận con nuôi nộp hồ sơ của mình và của người được nhận làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
(a) Đối với trường hợp trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được nhận làm con nuôi thường trú;
(b) Đối với trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi: nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi;
(c) Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi;
(d) Đối với trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng. Nếu hồ sơ của trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được giới thiệu làm con nuôi đã gửi Sở Tư pháp thì Sở Tư pháp giới thiệu người đã đăng ký nhu cầu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đóng trụ sở cơ sở nuôi dưỡng để xem xét, giải quyết.
(3) Công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra hồ sơ;
Khi kiểm tra hồ sơ, công chức tư pháp hộ tịch phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của những người liên quan. Trường hợp người được nhận làm con nuôi có cha mẹ đẻ, thì công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra việc cha mẹ đẻ có thỏa thuận với cha mẹ nuôi để giữ lại quyền, nghĩa vụ đối với con và cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ đó sau khi đã cho làm con nuôi.
(4) Công chức tư pháp – hộ tịch lấy ý kiến của những người liên quan;
Khi lấy ý kiến của những người liên quan, công chức tư pháp hộ tịch phải:
(i) Tư vấn để trẻ em tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của gia đình;
(ii) Tư vấn đầy đủ cho cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ về mục đích nuôi con nuôi; quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sau khi đăng ký nuôi con nuôi; về việc cha mẹ đẻ sẽ không còn các quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi nếu cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi không có thỏa thuận khác;
(iii) Giải thích cho những người liên quan về quyền thay đổi ý kiến đồng ý trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được lấy ý kiến đồng ý. Hết thời hạn này, những người liên quan không được thay đổi ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi;
(5) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào Sổ đăng ký việc nuôi con nuôi;
(6) Trường hợp từ chối đăng ký, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng.
b. Tham khảo một số thủ tục nhận con nuôi khác theo quy định pháp luật
- Giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi
- Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
- Thủ tục cấp giấy xác nhận công dân Việt Nam ở trong nước đủ điều kiện nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi
- Giải quyết việc người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi
- Đăng ký lại việc nuôi con nuôi trong nước
- Đăng ký lại việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
- Giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đối với trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng
3. Kết luận
Hai người cùng giới tính sống chung có được cùng nhận con nuôi? Không. Vì hiện nay Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nên hai người cùng giới tính KHÔNG thể cùng nhận con nuôi về mặt pháp luật.
Tham khảo văn bản pháp luật tại CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT