Nhiễm trùng ối là tình trạng nhiễm trùng và viêm của một trong những yếu tố như sau: dịch ối, thai, dây rốn, bánh nhau, màng ối và màng đệm. Nhiễm trùng ối gây tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng sản khoa cho mẹ và thai nhi. Chọc ối có thể là một trong những yếu tố nguy cơ khiến sản phụ nhiễm trùng ối.
Nội dung:
1. Nhiễm trùng ối là gì? Dấu hiệu nhiễm trùng ối
Nhiễm trùng ối (hay nhiễm khuẩn ối, intra-amniotic infection – IAI) là tình trạng nhiễm trùng và viêm của một trong những yếu tố như sau: dịch ối, thai, dây rốn, bánh nhau, màng ối và màng đệm.
Các dấu hiệu nhiễm trùng ối bao gồm:
- Sốt từ 38-39 độ C không rõ nguyên nhân
- Căng đau tử cung
- Dịch ối có mùi lạ, mùi hôi
- Cổ tử cung chảy mủ
- Mẹ hoặc thai nhi tăng nhịp tim
Tuy nhiên, sản phụ có thể không xuất hiện những triệu chứng điển hình như trên (nhiễm trùng cận lâm sàng).
Với trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn ối không xuất hiện triệu chứng, cần làm xét nghiệm nước ối (nhuộm gram, nuôi cấy, nồng độ glucose), xét nghiệm số lượng bạch cầu tăng cao, đo nhịp tim thai nhi,… để chẩn đoán.
2. Nguyên nhân gây nên nhiễm trùng (nhiễm khuẩn) ối
Sản phụ bị nhiễm trùng ối thường do:
- Nhiễm nhiều loại vi khuẩn từ hệ vi khuẩn âm đạo và đường sinh dục dưới đi lên buồng ối.
- Thực hiện các thủ thuật xâm lấn: chọc ối xét nghiệm ADN thai nhi, chọc ối chẩn đoán dị tật bào thai, sinh thiết gai nhau, nội soi bào thai.
- Nhiễm trùng thứ phát từ đường máu khi sản phụ bị nhiễm trùng hệ thống (thường do Listeria monocytogenes)
Những yếu tố nguy cơ gây nên nhiễm khuẩn ối bao gồm:
- Ối vỡ non (ối vỡ trước khi chuyển dạ hay còn gọi là PROM)
- Vỡ màng ối kéo dài (18-24 tiếng từ khi vỡ màng ối cho tới khi sinh)
- Chuyển dạ kéo dài, ối vỡ lâu, đẻ con so
- Sử dụng đầu dò đo tim thai trong tử cung
- Các trường hợp ối vỡ được thăm khám âm đạo nhiều
- Nhiễm phân su trong nước ối
- Hở eo tử cung
- Nhiễm trùng đường sinh dục như GBS, bệnh lây qua đường tình dục
- Hút thuốc lá, uống rượu
- Tiền căn nhiễm trùng ối
3. Biến chứng và hậu quả của nhiễm trùng ối
Đối với thai nhi
Nhiễm trùng ối có thể khiến trẻ sinh non, nhiễm trùng sơ sinh (bao gồm nhiễm trùng máu, viêm phổi hoặc viêm màng não). Nhiễm trùng ối nặng có thể làm tăng nguy cơ động kinh, bại não thậm chí tử vong.
Đối với thai phụ
Nhiễm trùng ối làm tăng nguy cơ: vãng khuẩn huyết, đờ tử cung, nhau bong non, áp xe chậu, thuyên tắc huyết khối,… cần chỉ định mổ lấy thai. Ngoài ra nhiễm trùng ối cũng có thể gây nên xuất huyết sau sinh, viêm tử cung và nhiều biến chứng vết thương khác cho sản phụ.
Thai phụ đã từng nhiễm trùng ối có khả năng nhiễm trùng ối rất cao ở lần mang thai kế tiếp; bên cạnh đó còn làm tăng nguy cơ vô sinh sau viêm tử cung.
4. Điều trị nhiễm khuẩn ối
Các phương thức điều trị nhiễm trùng ối bao gồm: sử dụng kháng sinh (đường tiêm tĩnh mạch) và chấm dứt thai kỳ. Khi có dấu hiệu nhiễm trùng ối cần đi khám càng sớm càng tốt tại các bệnh viện sản hoặc cơ sở y tế chuyên khoa.
Sử dụng kháng sinh
Điều trị kháng sinh ngay khi có chẩn đoán nghi ngờ hoặc xác định nhiễm trùng ối với 3 nguyên tắc:
- Kháng sinh phổ rộng và sử dụng đường tĩnh mạch là chỉ định ngay khi có chẩn đoán.
- Kháng sinh phải có hoạt tính với GBS và E. Coli.
- Điều trị ngay trong quá trình mang thai không chờ sau sinh
Kháng sinh dành cho thai phụ nhiễm trùng ối thường có: Ampicillin (với bệnh nhân không dị ứng Penicillin) và Gentamicin. Nếu bệnh nhân dị ứng Penicillin thì có thể dùng Cefazolin hoặc Clindamycin.
Kết hợp thuốc giảm đau – hạ sốt (tốt nhất là acetaminophen hay paracetamol) có tác dụng kiểm soát cơn sốt, cải thiện tình trạng của thai nhi
Chỉ định chấm dứt thai kỳ
Ưu tiên sinh ngả âm đạo thay vì mổ lấy thai, và rút ngắn thời gian chuyển dạ bằng cách khởi phát chuyển dạ hoặc can thiệp phù hợp. Thời gian từ lúc chẩn đoán nghi ngờ hoặc xác định nhiễm trùng ối đến lúc sinh không kéo dài quá 12 giờ.
Mổ lấy thai chỉ khi có chỉ định sản khoa bởi làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương, viêm nội mạc tử cung, huyết khối mạch máu…
Sau sinh: Duy trì kháng sinh sau sinh/sau mổ đến khi sản phụ hết sốt ít nhất 24 giờ.
Xác định tình trạng nhiễm trùng lan rộng bao gồm: nhiễm trùng vùng chậu, nhiễm trùng huyết hay toàn thân… Khi có tình trạng nhiễm trùng lan rộng, cần điều trị tích cực phù hợp theo mức độ nhiễm trùng.
5. Phòng ngừa nhiễm khuẩn ối ở sản phụ
- Với các sản phụ viêm nhiễm âm đạo, viêm lộ tuyến: Cần điều trị triệt để viêm nhiễm âm đạo trước khi quyết định có thai.
- Luôn giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô ráo thoáng mát. Nếu thấy vùng kín thường xuyên ẩm ướt, nên đi khám bác sĩ.
- Cẩn thận khi làm các thủ thuật sản khoa xâm lấn (chọc ối, sinh thiết nhau thai, nội soi bào thai,…)
- Với các sản phụ có nguy cơ sinh non cao, cần được sàng lọc nhiễm khuẩn âm đạo vào thời gian cuối của 3 tháng giữa thai kỳ.
- Theo dõi dịch âm đạo xem có bất thường (dịch ối có màu lạ, mùi lạ, có mủ xanh vàng của cổ tử cung hay không)
- Thông báo tình trạng cho bác sĩ để giảm tối thiểu số lần kiểm tra âm đạo trong lúc chuyển dạ, đặc biệt là trong trường hợp chuyển dạ sớm.
Nguồn tham khảo chuyên môn: Bệnh viện Từ Dũ, MSD Manual