Liệu pháp hormone là giải pháp hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe do mất cân bằng hormone, từ mãn kinh đến các bệnh lý mạn tính khác nhau hay điều trị ung thư. Tuy nhiên, liệu pháp này không chỉ có lợi ích mà còn tiềm ẩn những rủi ro cần cân nhắc. Vậy liệu pháp hormone hoạt động như thế nào, mang lại những hiệu quả gì, và cần lưu ý điều gì để sử dụng an toàn?
Nội dung:
Liệu pháp hormone là gì?
Liệu pháp hormone (Hormone Therapy, viết tắt là HT) là phương pháp bổ sung hoặc điều chỉnh các loại hormone trong cơ thể nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe. Đây là một thuật ngữ phổ rộng, có thể sử dụng cho bất kì điều trị nào liên quan đến hormone. Một số liệu pháp hormone được sử dụng phổ biến như:
Liệu pháp hormone cho ung thư
Được sử dụng nhằm loại bỏ khả năng tiếp cận của tế bào ung thư với các hormone mà chúng cần để phát triển. Có thể kết hợp liệu pháp này với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị để tăng hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, liệu pháp hormone cũng được sử dụng sau điều trị để giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Liệu pháp hormone thay thế (Hormone Replacement Therapy – HRT)
Còn được gọi là liệu pháp hormone mãn kinh, thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ. Các triệu chứng phổ biến như bốc mùi, khô âm đạo, loãng xương do suy giảm estrogen. Các loại thuốc nội tiết tố chính được sử dụng trong HRT là estrogen và progestogen.
Liệu pháp hormone sinh dục
Còn được gọi là liệu pháp hormone giới tính, giúp điều trị những bệnh về rối loạn hormone giới tính. Ngoài ra, liệu pháp này có thể điều chỉnh hormone để phát triển các đặc tính giới tính trong cơ thể theo mong muốn (ví dụ, ở người chuyển giới). Hai hormone chính được sử dụng trong liệu pháp này là estrogen dành cho liệu pháp nữ hóa và testosterone dành cho liệu pháp nam hóa.
Công dụng của liệu pháp hormone
Liệu pháp này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho các đối tượng điều trị khác nhau, một số công dụng chính bao gồm:
- Giảm triệu chứng mãn kinh: Giúp giảm triệu chứng bốc mùi, đổ mồ hôi đêm, khó ngủ, khô âm đạo và giảm loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
- Cải thiện tâm trạng và giấc ngủ: Làm giảm tình trạng lo lắng, trầm cảm và giúp cải thiện giấc ngủ.
- Hỗ trợ người chuyển giới: Giúp những người chuyển giới điều chỉnh thể chất sao cho phù hợp với dạng giới của mình, giúp tăng cường khả năng tự tin và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Điều trị ung thư: Liệu pháp hormone đã được nghiên cứu trong điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, nó còn được sử dụng như một liệu pháp chăm sóc, giảm nhẹ những cơn đau do ung thư gây ra.
- Tăng trưởng chiều cao: Giúp cải thiện vấn đề phát triển ở trẻ em hoặc những đối tượng thiếu hormone tăng trưởng.
- Hỗ trợ sinh sản: Dùng hormone để kích thích trứng trưởng thành hoặc tăng khả năng rụng trứng, giúp điều trị vô sinh ở nữ giới.
Các phương thức sử dụng
- Dạng uống: Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất, thường là dạng thuốc viên.
- Dạng gel hoặc kem bôi da: Áp dụng trực tiếp lên da, giúp hormone hấp thụ qua da.
- Miếng dán hormone: Miếng dán được dán lên da, cho phép hormone giải phóng tăng dần vào cơ thể.
- Tiêm hormone: Được chỉ định cho một số trường hợp cần lượng hormone ổn định và hiệu quả nhanh chóng.
Rủi ro và tác dụng phụ
Liệu pháp này đem lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức có thể dẫn đến một số nguy cơ cho sức khỏe, thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng có thể tử vong. Một số tác dụng phụ có thể mắc phải khi sử dụng không đúng cách hoặc quá mức:
- Tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung: Đối với một số phụ nữ, liệu pháp hormone có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư này, đặc biệt là khi sử dụng estrogen lâu dài mà không có progesterone bảo vệ.
- Nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ: Sử dụng hormone có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi.
- Tăng cân và thay đổi cảm xúc: Việc thay đổi hormone trong cơ thể có thể gây tăng cân, phù nề, đồng thời làm ảnh hưởng đến cảm xúc, gây tâm trạng thất thường và có khả năng dẫn đến trầm cảm.
- Các tác dụng phụ khác: Sưng khớp, đau cơ khi sử dụng hormone tăng trưởng, rối loạn nội tiết tố, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn,…
Những đối tượng không nên sử dụng
Liệu pháp hormone không phù hợp với tất cả mọi người và có thể gây ra rủi ro đáng kể cho một số đối tượng. Những đối tượng sau đây thường được khuyến cáo nên tránh sử dụng liệu pháp hormone hoặc cần được theo dõi chặt chẽ nếu sử dụng:
- Người có tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi
- Người có tiền sử hoặc nguy cơ cao mắc ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung
- Người bị bệnh gan hoặc suy gan
- Người bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ tim mạch cao
- Người mắc bệnh tiểu đường
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú
- Người có tiền sử bệnh trầm cảm hoặc rối loạn tâm lý nghiêm trọng
- Người mắc bệnh tự miễn dịch
- Người lớn tuổi
Liệu pháp hormone có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này. Bác sĩ và bệnh nhân cần đánh giá cẩn thận giữa lợi ích và rủi ro trước khi quyết định sử dụng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên được theo dõi thường xuyên để đảm bảo an toàn.