Một bạn đọc đã gửi tới câu hỏi “Đăng ký nhận cha mẹ con có được ủy quyền thực hiện không?” với nội dung cụ thể như sau: Tôi hiện đang ở Hà Nội và do bận công việc nên phải bay vào TP.HCM gấp. Vậy liệu tôi muốn ủy quyền cho em trai tôi làm thủ tục nhận cha, con tại UBND phường được không?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, đăng ký nhận cha mẹ con không được ủy quyền cho người khác thực hiện. Tuy nhiên, một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền mà không cần văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Nội dung:
1. Đăng ký nhận cha mẹ con có phải là đăng ký hộ tịch hay không?
Nội dung đăng ký hộ tịch được quy định chi tiết theo quy định tại Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 như sau:
“1. Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch:
a) Khai sinh;
b) Kết hôn;
c) Giám hộ;
d) Nhận cha, mẹ, con;
đ) Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;
e) Khai tử.
2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
a) Thay đổi quốc tịch;
b) Xác định cha, mẹ, con;
c) Xác định lại giới tính;
d) Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;
đ) Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;
e) Công nhận giám hộ;
g) Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
3. Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
4. Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.”
Do đó, có thể khẳng định rằng đăng ký nhận cha mẹ con là hoạt động đăng ký hộ tịch theo đúng quy định của pháp luật.
2. Đăng ký nhận cha mẹ con có được ủy quyền thực hiện không?
Khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP có quy định về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch với nội dung cụ thể như sau:
“Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.”
Như vậy, trường hợp bận việc và muốn ủy quyền cho em trai làm thủ tục nhận cha, con tại UBND phường sẽ không thực hiện được. Căn cứ theo quy định trên thì đăng ký nhận cha, mẹ, con không được ủy quyền cho người khác thực hiện và khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Tuy nhiên, một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền mà không cần đến văn bản ủy quyền của bên còn lại.
3. Thủ tục đăng ký nhận cha mẹ con theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Mục 4 Luật Hộ tịch 2014 thì thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con sẽ thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con được thực hiện theo trình tự sau:
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
Trong đó, theo quy định tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP thì chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con gồm có:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Một trong những phương pháp hiệu quả và chính xác nhất để chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con là thực hiện xét nghiệm ADN pháp lý.
Phương pháp này giúp xác định mối quan hệ huyết thống với độ chính xác cực cao, lên đến 99,999999% và được công nhận tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Kết quả của xét nghiệm ADN pháp lý có giá trị pháp lý trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đồng thời, các đơn vị thực hiện xét nghiệm ADN pháp lý phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chính xác của kết quả này.
>>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha mẹ con mới nhất
3. Kết luận
Tóm lại, theo quy định của pháp luật hiện hành thì đăng ký nhận cha mẹ con là hoạt động đăng ký hộ tịch và đăng ký nhận cha mẹ con không được ủy quyền cho người khác thực hiện. Tuy không thể ủy quyền thực hiện thay nhưng một bên có thể nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền mà không cần có văn bản ủy quyền của bên còn lại.