Thắc mắc: Vợ sinh con với người khác thì chồng có được từ chối nhận con và ly hôn?
Câu hỏi của độc giả gửi về như sau: “Hai vợ chồng tôi đăng ký kết hôn, 6 tháng sau khi đăng ký, vợ tôi có thai con đầu lòng. Tuy nhiên khi xét nghiệm ADN thì đứa trẻ lại không phải con ruột của tôi. Vậy giờ tôi có được quyền từ chối nhận con và ly hôn với vợ hay không? Rất mong được giải đáp!”
Dưới đây là phần giải đáp chi tiết!
1. Trong thời kỳ hôn nhân vợ sinh con với người khác, chồng có quyền từ chối nhận con không?
Trả lời: Chồng có quyền yêu cầu từ chối nhận con trong trường hợp phát hiện con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không phải con ruột của mình.
Tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ như sau:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
- Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Như vậy, với tình huống do độc giả gửi về, đứa trẻ được pháp luật công nhận là con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng và do đó, con nghiễm nhiên có tên cha là người chồng hiện tại trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh.
Tuy nhiên, nếu người chồng không thừa nhận con do vợ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con ruột của mình thì có thể yêu cầu từ chối nhận con với thủ tục như sau:
Bước 1: Làm đơn yêu cầu từ chối nhận con
Bước 2: Chuẩn bị chứng cứ chứng minh KHÔNG có quan hệ cha con ruột
Ở đây thường dùng chứng cứ là kết quả xét nghiệm ADN cha con theo hình thức pháp lý giữa cháu bé với anh;
Bước 3: Chuẩn bị các giấy tờ khác
Bao gồm: Giấy chứng sinh của cháu bé; Giấy chứng nhận kết hôn của vợ, chồng và tài liệu liên quan khác
Bước 4: Gửi hồ sơ yêu cầu từ chối nhận con đến Tòa án nhân dân cấp huyện (quận) nơi người chồng đang cư trú để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật
Điều luật tham chiếu: Khoản 10 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
- Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
- Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
- Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
- Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
- Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
- Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
- Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
- Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
- Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
- Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời kỳ hôn nhân vợ sinh con với người khác, chồng có quyền yêu cầu ly hôn không?
Trả lời: Chồng KHÔNG có quyền yêu cầu ly hôn với vợ khi vợ đang mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, kể cả khi đứa trẻ là con của vợ với người khác.
Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trong thời gian vợ mang thai cho tới khi con đủ 12 tháng tuổi, người chồng bị pháp luật hạn chế quyền yêu cầu ly hôn, tức là không thể đơn phương ly hôn người vợ. Quy định này nhằm đảm bảo sự an toàn về mặt tinh thần cho người vợ đang trong thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ. Nếu người chồng muốn đơn phương ly hôn với vợ thì cần phải chờ tới thời điểm con đủ 12 tháng tuổi trở lên.
3. Kết luận
Như vậy, với câu hỏi Vợ sinh con với người khác thì chồng có được từ chối nhận con và ly hôn hay không, thì người chồng có quyền yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết việc từ chối nhận con chung; nhưng không có quyền yêu cầu ly hôn vợ khi vợ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.