Một bạn đọc đã gửi tới câu hỏi “Mấy đăng ký kết hôn có khai sinh cho con được không?” với tình huống cụ thể sau: Tôi và chồng lấy nhau, đăng ký kết hôn được 2 năm rồi mới sinh em bé. Hiện giờ, vợ chồng tôi muốn đăng ký khai sinh cho con nhưng giấy đăng ký kết hôn trong quá trình chuyển nhà đã bị mất. Vậy trong trường hợp này tôi có thể làm khai sinh cho con không?
Có thể khai sinh cho con khi mất giấy đăng ký kết hôn được. Tuy nhiên, thủ tục đăng ký khai sinh sẽ được thực hiện theo trường hợp chưa xác định được cha và để bổ sung đầy đủ thông tin của cha trong giấy khai sinh của con thì vợ chồng bạn cần làm lại hoặc xin trích lục giấy chứng nhận kết hôn rồi mới tiến hành đăng ký khai sinh cho con.
Nội dung:
1. Có bắt buộc phải nộp giấy đăng ký kết hôn khi khai sinh cho con không?
Căn cứ vào quy định tại Khoản 6 Điều 4, Khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 thì giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân. Cụ thể:
- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch 2014 thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Đặc biệt, giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký khai sinh đã được quy định chi tiết tại Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Cụ thể:
1. Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch: Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
Khoản 1 Điều 36 Luật Hộ tịch: Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.
2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.
Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP: Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân. Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng giấy chứng nhận kết hôn không phải là giấy tờ phải bắt buộc phải nộp khi đăng ký khai sinh cho trẻ mà chỉ là giấy tờ cần phải xuất trình trong trường hợp cha mẹ đã đăng ký kết hôn để làm căn cứ xác định cha cho con.
2. Có được khai sinh cho con khi mất đăng ký kết hôn hay không?
Hoàn toàn có thể khai sinh cho con khi mất giấy đăng ký kết hôn được vì theo quy định trên, giấy đăng ký kết hôn không phải là giấy tờ bắt buộc phải nộp. Tuy nhiên, nếu khi đăng ký khai sinh không xuất trình giấy đăng ký kết hôn thì việc đăng ký khai sinh cho con sẽ thuộc vào trường hợp chưa xác định được cha, bỏ trống thông tin về cha trong giấy khai sinh.
Chính vì vậy, nếu bị mất giấy đăng ký kết hôn thì cha mẹ sẽ có một số lựa chọn để thực hiện thủ tục khai sinh cho con như sau:
2.1. Đăng ký lại kết hôn
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
Do đó, để cấp đăng ký lại kết hôn thì cần đáp ứng được 2 điều kiện sau:
- Đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016.
- Sổ đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký hộ tịch và giấy đăng ký kết hôn của người yêu cầu cấp lại giấy đăng ký kết hôn đều bị mất.
Tuy nhiên, do vợ chồng bạn kết hôn năm 2022 nên sẽ không đủ điều kiện để đăng ký lại kết hôn và UBND cấp xã sẽ từ chối thực hiện yêu cầu này.
2.2. Xin cấp bản sao trích lục kết hôn
Vì vợ chồng bạn không đủ điều kiện để đăng ký lại kết hôn nên để thực hiện đăng ký khai sinh cho con có đủ thông tin của cả cha lẫn mẹ thì cần phải tiến hành xin cấp lại bản sao trích lục kết hôn.
Thẩm quyền cấp bản sao trích lục kết hôn được quy định chi tiết tại Điều 63 Luật Hộ tịch 2014 với nội dung cụ thể như sau: Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.
Thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch được quy định chi tiết tại Điều 64 Luật Hộ tịch 2014 với nội dung cụ thể như sau:
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch của cá nhân thì gửi văn bản yêu cầu nêu rõ lý do cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
Sau khi nhận được bản sao trích lục kết hôn thì vợ chồng bạn có thể tiến hành đăng ký khai sinh cho con và lúc này, giấy khai sinh của con sẽ được ghi đầy đủ thông tin của cả cha lẫn mẹ.
>>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký khai sinh: Hướng dẫn chi tiết A-Z
3. Kết luận
Việc mất giấy đăng ký kết hôn không ảnh hưởng đến quyền được đăng ký khai sinh của trẻ. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được khai sinh, và cha mẹ có trách nhiệm thực hiện thủ tục này trong thời hạn quy định. Tuy nhiên, thủ tục đăng ký khai sinh sẽ được thực hiện theo trường hợp chưa xác định được cha và để bổ sung đầy đủ thông tin của cha trong giấy khai sinh của con thì đăng ký lại kết hôn hoặc xin trích lục giấy chứng nhận kết hôn rồi mới tiến hành làm khai sinh cho con.