Một bạn đọc đã gửi tới câu hỏi “Ông bà nội có được quyền trích lục giấy khai sinh của cháu?” với tình huống cụ thể như sau: Tôi sinh con và đăng ký khai sinh cho con ở Hải Phòng. Hiện tại, tôi không thể về Hải Phòng và muốn nhờ ông bà nội xin giấy khai sinh bản sao cho cháu thì có được không? Nếu thực hiện được thì cần chuẩn bị những giấy tờ gì và mất thời gian bao lâu?
Hoàn toàn có thể ủy quyền cho ông bà nội đến cơ quan có thẩm quyền để xin trích lục giấy khai sinh. Tuy nhiên, khi đi thực hiện thủ tục thì ông bà nội cần mang theo giấy ủy quyền và chứng cứ chứng minh quan hệ.
Thông tin giải đáp chi tiết tình huống trên, mời bạn đọc tham khảo bài viết NOVAGEN chia sẻ sau để biết thêm chi tiết!
1. Có được ủy quyền xin trích lục khai sinh không?
Có thể ủy quyền xin trích lục khai sinh và việc ủy quyền đăng ký hộ tịch được căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP. Cụ thể như sau:
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
2. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.
Theo quy định trên, cá nhân có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký lại các việc hộ tịch, trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Như vậy, trong trường hợp này, cá nhân hoàn toàn có thể phép ủy quyền cho người thân trong gia đình như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột để xin bản trích lục giấy khai sinh. Theo đó, khi đi người thân cần phải mang theo giấy ủy quyền (không cần phải công chứng, chứng thực) và phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ (như sổ hộ khẩu…).
2. Thẩm quyền, thủ tục thực hiện trích lục giấy khai sinh
Thủ tục thực hiện trích lục giấy khai sinh được quy định chi tiết tại Điều 64 Luật Hộ tịch 2014. Cụ thể:
Điều 64. Thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch của cá nhân thì gửi văn bản yêu cầu nêu rõ lý do cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
Theo Khoản 5 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Việc cấp trích lục giấy khai sinh không quy định về thời hạn giải quyết. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm phải giải quyết ngay trong ngày khi tiếp nhận được yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo trong trường hợp yêu cầu được tiếp nhận sau 15 giờ và người tiếp nhận không thể cấp trích lục khai sinh được ngay.