“Giấy khai sinh có được ghi tên bố mẹ nuôi hay không?” là câu hỏi được rất nhiều người nhận con nuôi, người được nhận làm con nuôi quan tâm và muốn được giải đáp một cách chi tiết, cụ thể.
Trả lời: Hoàn toàn có thể thay đổi tên bố mẹ đẻ trong giấy khai sinh thành tên bố mẹ nuôi sau khi đã thực hiện thủ tục nhận con nuôi theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Chi tiết thông tin giải đáp về câu hỏi trên, mời bạn đọc tham khảo bài viết NOVAGEN chia sẻ ngay sau đây!
Nội dung:
1. Giấy khai sinh là gì? Nội dung trong giấy khai sinh
Căn cứ theo Khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014, giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014. Cụ thể:
- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
Bên cạnh đó, Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP còn quy định rằng: Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó.
Chính vì vậy, có thể nói giấy khai sinh đóng vai trò quan trọng với mỗi cá nhân. Giấy khai sinh ghi nhận các thông tin cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán,… và đặc biệt là thông tin về cha mẹ của người được khai sinh. Tại Việt Nam, giấy khai sinh không chỉ là chứng từ xác định danh tính, mà còn là cơ sở để làm các giấy tờ cá nhân khác như thẻ căn cước, hộ khẩu cùng nhiều thủ tục hành chính khác liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân.
2. Có được ghi tên bố mẹ nuôi vào giấy khai sinh hay không?
Trong thực tế, có nhiều trường hợp một người không sống với cha mẹ đẻ mà được nhận làm con nuôi bởi một gia đình khác. Và câu hỏi thường được đặt ra trong những trường hợp này là: Liệu giấy khai sinh có thể ghi tên cha mẹ nuôi thay cho cha mẹ đẻ hay không?
Hệ quả của việc nuôi con nuôi được quy định tại Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2015 với nội dung chi tiết như sau:
1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
3. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.
4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.
=> Căn cứ theo quy định trên thì kể từ thời điểm nhận nuôi thì bố mẹ nuôi và con nuôi sẽ có quyền, nghĩa vụ đối với nhau như bố mẹ đẻ và con đẻ.
Bên cạnh đó, Điều 26 Luật Hộ tịch 2014 còn quy định phạm vi thay đổi hộ tịch với nội dung cụ thể như sau:
1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.
2. Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.
Đồng thời, theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 10 Nghị định 19/2011/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 24/2019/NĐ-CP) thì:
2. Căn cứ vào Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, theo yêu cầu của cha mẹ nuôi và sự đồng ý của con nuôi từ đủ chín tuổi trở lên, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về hộ tịch.
3. Việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong giấy khai sinh của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
=> Như vậy, từ những quy định trên, chúng ta có thể thấy rằng hoàn toàn có thể thay đổi tên bố mẹ đẻ trong nội dung khai sinh đã đăng ký thành tên bố mẹ nuôi sau khi đã hoàn tất các thủ tục nhận con nuôi và được pháp luật công nhận, cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
3. Thẩm quyền thực hiện bổ sung, thay đổi thông tin về cha mẹ trong giấy khai sinh
Thẩm quyền đăng ký, thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch được quy định tại Theo Điều 27 Luật Hộ tịch 2014 với nội dung như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Theo đó, UBND cấp xã nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của con nuôi sẽ là nơi có thẩm quyền thực hiện thay đổi, bổ sung tên cha mẹ nuôi trong giấy khai sinh cho con nuôi.
Ngoài ra, việc thay đổi, bổ sung thông tin hộ tịch của con nuôi còn được quy định chi tiết tại Điều 19 Thông tư 04/2020/TT-BTP. Cụ thể:
1. Sau khi được giải quyết cho làm con nuôi, theo yêu cầu của cha, mẹ nuôi, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của con nuôi thực hiện thay đổi hộ tịch theo quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 46 Luật hộ tịch.
2. Trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi, trẻ chưa xác định được cha, mẹ thì theo yêu cầu của cha, mẹ nuôi, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của con nuôi thực hiện bổ sung thông tin của cha, mẹ nuôi vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh; mục Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”.
3. Trường hợp con riêng được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi, nếu Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh còn để trống phần khai về cha hoặc mẹ, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của con nuôi bổ sung thông tin về cha dượng hoặc mẹ kế vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh; mục Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha nuôi” hoặc “mẹ nuôi”.
Nếu Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh có đủ phần khai về cha và mẹ, thì theo yêu cầu của cha nuôi hoặc mẹ nuôi, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của con nuôi thực hiện thay đổi phần khai về cha dượng hoặc mẹ kế vào phần khai về cha hoặc mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh; mục Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha nuôi” hoặc “mẹ nuôi”.
>>> Xem thêm: Đăng ký nuôi con nuôi trong nước: Hướng dẫn từ A – Z
4. Kết luận
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, giấy khai sinh của trẻ hoàn toàn có thể được ghi tên cha mẹ nuôi thay cho cha mẹ đẻ sau khi thủ tục nhận con nuôi được hoàn tất. Điều này không chỉ xác lập quan hệ pháp lý chính thức giữa cha mẹ nuôi và con nuôi mà còn giúp bảo vệ quyền lợi của trẻ trong suốt quá trình sống với gia đình mới. Quy trình thay đổi thông tin trên giấy khai sinh cần tuân thủ đầy đủ các quy định về hộ tịch, và việc ghi nhận này sẽ được thực hiện thông qua cơ quan có thẩm quyền.